- Ngày 1/10, bác sĩ Đào Trung Hiếu - PGĐ Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM cho biết vừa cứu sống bé gái 2 tuổi có khối u gan to nhất từ trước tới nay.
“10 năm làm nghề, đây là ca có khối u gan to nhất chúng tôi từng gặp. Đã nhiều lúc chúng tôi tưởng phải bỏ cuộc, chính gia đình bệnh nhi cũng đưa nguyện vọng xin cho con về để được mất ở nhà”, bác sĩ Hiếu nói.
Khối u khổng lồ ở gan cháu bé. Ảnh: Thanh Huyền |
Bệnh nhi Nguyễn Ngọc Thanh P., 2 tuổi, quê Sóc Trăng. Ngay P. được 1 tháng tuổi đã có khối bướu máu ở má trái,. P. được điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 bằng phương pháp chích xơ từ đó đến giờ.
Gia đình đang rất mừng vì sau thời gian dài điều trị, khối bướu trên mặt bé đã ngưng phát triển, có chiều hướng thu nhỏ lại, thì nhận ra bụng con chướng to bất thường.
P được đưa vào Bệnh viện Nhi Đồng 1 siêu âm, các bác sĩ giật mình thấy gan em bé có khối u rất lớn. Kết quả chụp CT và các xét nghiệm xác định đây là khối bướu máu chiếm gần như toàn bộ lá gan phải của bé.
“Ban đầu chúng tôi đã định buông xuôi, nhưng khi biết là khối bướu máu và căn cứ trên các xét nghiệm hướng tới khả năng lành tính cao. Nếu khối bướu lành tính được cắt bỏ em bé vẫn có cơ hội hồi phục bình thường”, bác sĩ Hiếu kể.
Bé P. hồi phục trong sự vui mừng của y bác sĩ và gia đình. Ảnh: Thanh Huyền |
Tuy nhiên, để chuẩn bị cho ca mổ này không hề đơn giản. Các bác sĩ đã dự trù 3 phương án: mổ ra nếu cần thiết chỉ thắt mạch máu nuôi khối u để giữ an toàn cho bé, hoặc không làm gì mà sẽ cắt một chút ở khối u đem sinh thiết (ác tính thì cho bệnh nhi hóa trị), phương án cuối cùng tất cả ổn mới cắt bỏ khối bướu. Với ca này, chỉ cần mất khoảng 100 cc máu là đã… tử vong.
Theo bác sĩ Hà Văn Lương, Phó khoa Gây mê - hồi sức (Bệnh viện Nhi Đồng 1), gây mê cho trường hợp của bé P. vô cùng khó khăn. Chức năng hoạt động của gan bệnh nhi rất kém, chỉ trông chờ vào lá gan trái còn lại, do đó dùng thuốc gì, liều lượng ra sao để hạn chế tối đa ảnh hưởng tới gan không hề dễ. Thể trạng của bệnh nhi lại quá kém, bé 2 tuổi mà nặng có 9,5 kg.
Ca phẫu thuật diễn ra hơn 3 tiếng đồng hồ, bệnh nhi phải truyền 2 đơn vị máu. Các bác sĩ đã cắt trọn khối u (75% lá gan phải). Khối u lấy ra nặng 1,350 kg.
Theo bác sĩ Hiếu, ca mổ thành công tốt đẹp, sức khỏe cháu bé ổn định, da dẻ hồng hào. Phần gan bị cắt bỏ sau này sẽ mọc trở lại, hiện bé vẫn còn lá gan bên trái nên chức năng lọc của gan vẫn đủ đáp ứng cho cơ thể. Bướu gan to như vậy mà lại là bướu máu thể hang vô cùng hiếm.
Thanh Huyền