HĐXX tuyên phạt bị cáo Trần Đức Trung (cựu Chủ tịch Trung tâm Hỗ trợ người nghèo) án tù chung thân về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Liên quan đến vụ án, bị cáo là cựu nhân viên Trung tâm Hỗ trợ người nghèo trong phát triển nông thôn mới là Bùi Thị Oanh: 9 năm tù; Phan Văn Lực 6 năm; Nhâm Sỹ Phúc 7 năm; Phan Thị Thoa 8 năm vì cùng tội danh.

HĐXX buộc các bị cáo phải liên đới bồi thường cho các bị hại hơn 38 tỷ đồng.

Các bị cáo tại tòa

HĐXX nhận định, hành vi của 5 bị cáo đặc biệt nghiêm trọng, xâm phạm lợi ích của nhiều người, nhiều tỉnh thành. Với mục tiêu hỗ trợ người nghèo, song thực tế các bị cáo đã chiếm đoạt tiền của người nhẹ dạ. Hành vi của các bị cáo gây sự bất bình, tâm lý hoang mang trong nhân dân nên cần xử nghiêm.

Trong vụ án này, bị cáo Trung là người chủ mưu, hưởng lợi hơn 30 tỷ đồng, là người chịu trách nhiệm chính. Bị cáo chối tội, kêu oan gây khó khăn cho qúa trình điều tra, truy tố xét xử.

Bị cáo Trung có nhiều đơn tố cáo các cơ quan tiến hành tố tụng, kêu oan, không chấp nhận bồi thường và xác nhận giá trị chiếm đoạt. Nhưng HĐXX nhận thấy, việc truy tố bị cáo là đúng quy định của pháp luật.

Lời khai của các bị cáo khác, của những người liên quan phù hợp với lời khai của bị cáo Trung và các tài liệu khác có trong hồ sơ vụ án.

Dù bị cáo không nhận tội, nhưng HĐXX thấy đủ cơ sở xác định bị cáo phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản với các tình tiết như nội dung truy tố. Bị cáo xây dựng chương trình “Trái tim Việt Nam” để “dụ” người nhẹ dạ, thực tế, trung tâm không có doanh thu gì, chỉ lấy tiền người sau trả cho người trước.

Theo nhận định của HĐXX, bị cáo Trung là người chủ mưu, khởi xướng, gian dối đưa ra chính sách hỗ trợ người nghèo. Bị cáo là người chịu trách nhiệm chính, cao nhất trong số các bị cáo.

Hành vi của bị cáo là có tổ chức nên bị áp dụng tình tiết tăng nặng. Tuy nhiên, HĐXX cũng xét đến việc bị cáo là người cao tuổi, gia đình có công với cách mạng, đây được coi là tình tiết giảm nhẹ một phần hình phạt cho ông Trung.

Theo cáo buộc, Trung tâm Hỗ trợ người nghèo trong phát triển nông thôn mới được Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành nghề nông thôn thành lập năm 2013, do Trần Đức Trung làm Chủ tịch Hội đồng thành viên, bà Lê Thị Hằng (sinh năm 1963, đã chết) làm Tổng Giám đốc.

Dù Trung tâm chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép hoạt động và không có hoạt động gì phát sinh doanh thu, nhưng từ tháng 4/2015, các bị cáo lấy danh nghĩa Trung tâm để tổ chức chương trình “Trái tim Việt Nam”, đưa ra chính sách bất khả thi, hứa hẹn hỗ trợ lãi suất cao để lôi kéo người dân nộp tiền cho Trung tâm.

Các bị cáo đã lập 26 điểm tư vấn, 6 nhóm thu tiền và thông qua các điểm tư vấn, nhóm thu tiền để thu tiền của người tham gia tại 16 tỉnh, thành phố, sau đó chuyển tiền về Trung tâm và Văn phòng 102 Trường Chinh, Hà Nội tổng cộng khoảng 148 tỷ đồng.

Thực chất, các bị cáo sử dụng một phần tiền của người nộp trước trả cho người nộp sau, mua sản phẩm hỗ trợ, còn lại dùng chi tiêu cá nhân và chiếm đoạt hết.

Cáo buộc cho rằng, thông qua chương trình “Trái tim Việt Nam”, Trần Đức Trung và đồng phạm đã chiếm đoạt hơn 49 tỷ đồng của 1.008 bị hại. Tuy nhiên tại tòa, HĐXX chỉ xác định được hơn 800 người bị hại.

Cuối năm 2015, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành nghề nông thôn giải thể Trung tâm Hỗ trợ người nghèo, nhưng các bị cáo tiếp tục móc nối để tổ chức chương trình “Liên kết ba bên”, hoạt động theo mô hình đa cấp để bán thực phẩm chức năng, thu về gần 17,5 tỷ đồng của 104 người tham gia trên khắp cả nước.