Sau 3 ngày xét xử, tối muộn ngày 18/11, phiên xét xử cựu Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Tài, bị cáo Dương Thị Bạch Diệp (Giám đốc Công ty TNHH Bất động sản Diệp Bạch Dương) cùng 8 thuộc cấp của ông Nguyễn Thành Tài bước vào phần nghị án.
Trước khi tòa nghỉ nghị án, các bị cáo được nói lời sau cùng. Là bị cáo được nói đầu tiên, cựu Phó Chủ tịch Nguyễn Thành Tài trình bày: “Sau khi về hưu, tôi trở về làm nghề thầy giáo. Ngày 8/12/2018 khi đang chuẩn bị bài giảng thì tôi bị bắt, đó là bi kịch. Tôi suy nghĩ mãi những ngày tháng ở trong tù rằng mình là ai sau bao nhiêu năm hy sinh hạnh phúc bản thân?".
Cựu Phó Chủ tịch Nguyễn Thành Tài |
Bị cáo Nguyễn Thành Tài nói thêm: "Tôi hiểu ra rằng, mình sai sót. Nhưng tôi khẳng định mình không phải người xấu, không phải là người cơ hội, 36 tuổi tôi trở thành Chủ tịch quận rồi trở thành Phó Chủ tịch UBND thành phố bằng chính trí tuệ của mình.
Tôi không phải kẻ xấu gây nguy hiểm cho xã hội, cái chưa trọn vẹn lớn nhất mà tôi ân hận đó là chưa làm trọn chữ hiếu với mẹ mình, mẹ tôi năm nay đã 96 tuổi.
Tôi không kêu ca, oán than, đổ lỗi nhưng tôi xin HĐXX hãy công bằng, tôi xin HĐXX đối xử công bằng, giải quyết vụ việc này toàn diện, khách quan và lý trí. Cho đến giờ phút này tôi vẫn là người cộng sản trung kiên”.
Vẫn khẳng định mình bị oan và bị Ngân hàng Nông nghiệp Chi nhánh TP.HCM “gài bẫy”, bà Dương Thị Bạch Diệp trình bày: “Còn 2 tháng nữa tôi tròn 78 tuổi, giờ này, tôi rất thương ba tôi và ngàn lần xin lỗi ba tôi. Trong vụ hoán đổi này, tôi bị Ngân hàng Agribank lừa đảo. Tôi mong HĐXX xem xét lại khoản vay 67.000 lượng vàng, VKS đưa ra trong cáo trạng, dùng căn cứ giả mạo để buộc tội tôi.
Bị cáo Dương Thị Bạch Diệp |
Bị cáo cũng nói rằng luôn tự hào về bản thân mình, chưa từng làm gì sai trái với bản thân và pháp luật. "Nhưng thực tại rất đau đớn"- bị cáo bộc bạch.
Các bị cáo tại tòa |
Bị cáo Dương Thị Bạch Diệp nói tiếp": Những đau khổ trong đời tôi đã nếm trải hết rồi, mong HĐXX xem xét những chứng cứ tôi đã đưa ra, làm sáng tỏ vụ án này".
16h chiều mai (19/11), HĐXX tuyên án.
Theo truy tố, Công ty TNHH Bất động sản Diệp Bạch Dương có trụ sở tại 179 bis Hai Bà Trưng, phường 6, quận 3, TP.HCM thuộc quyền sở hữu của bà Dương Thị Bạch Diệp. Liền kề đó là nhà đất số 185 Hai Bà Trưng là tài sản nhà nước được giao Trung tâm ca nhạc nhẹ (thời điểm đó trực thuộc Sở VH-TT&DL TP.HCM quản lý) làm trụ sở, tổ chức biểu diễn nghệ thuật. Nắm được thông tin trung tâm này có chủ trương tìm kiếm các đơn vị để hợp tác, cải tạo trụ sở. Với mong muốn hợp khối khu đất tại 179bis, 181 - 185 Hai Bà Trưng nhằm tạo thành tổ hợp khách sạn 5 sao, bà Diệp bàn bạc, đề nghị ông Vy Nhật Tảo, Giám đốc Trung tâm ca nhạc nhẹ để sử dụng nhà đất 57 Cao Thắng (quận 3, TP.HCM) đổi lấy mặt bằng 185 Hai Bà Trưng. Thấy việc đề nghị này có lợi cho Trung tâm, ông Tảo đồng ý. Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM không chấp thuận việc hoán đổi. Không dừng lại, bà Dương Thị Bạch Diệp và ông Vy Nhật Tảo vẫn tự ý tiến hành sửa chữa nhà đất ở 57 Cao Thắng theo công năng sử dụng của Trung tâm ca nhạc nhẹ. Sau khi hoàn thành, ông Tảo đã mời ông Nguyễn Thành Rum (Giám đốc Sở VH-TT&DL TP.HCM thời điểm đó) tham quan. Sau đó, ông Rum thống nhất chủ trương hoán đổi. Trên cơ sở đề xuất của Sở Tài chính và các sở, ngành, ông Lê Hoàng Quân (cựu Chủ tịch UBND TP.HCM, kiêm Trưởng Ban chỉ đạo 09) đã đồng ý cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất tại 185 Hai Bà Trưng cho Công ty Diệp Bạch Dương. Tuy nhiên, trong quá trình hoán đổi, bà Dương đã mang nhà đất ở 57 Cao Thắng đi thế chấp vay vốn tại ngân hàng Agribank chi nhánh TP.HCM. Không những vậy, khi được cấp Giấy chứng nhận nhà đất số 185 Hai Bà Trưng, bà Diệp tiếp tục mang đi thế chấp vay 160 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Phương Nam, đến nay không có khả năng trả nợ. |
Thanh Phương- Thanh Tùng
Đại gia Dương Thị Bạch Diệp la hét, bật khóc tại toà
Trong khi đại diện VKS luận tội, bị cáo Dương Thị Bạch Diệp bất ngờ la hét, chửi bới rồi bật khóc khiến lực lượng cảnh sát hỗ trợ phải vãn hồi trật tự.