Trưa nay, ông Ngô Văn Tuấn lần đầu tiên lên tiếng với báo chí sau nhiều năm kể từ khi bị cách mọi chức vụ trong Đảng và cách chức Phó Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa vì có những vi phạm liên quan tới công tác quản lý điều hành tại Sở Xây dựng trước đó.
Trao đổi qua điện thoại, ông Tuấn cho biết, đang ở Hà Nội điều trị chấn thương do chơi thể thao, nên không thể về Sở Xây dựng để nhận quyết định bổ nhiệm Chánh Văn phòng Sở cách đây 2 hôm.
Trước áp lực và định kiến của dư luận, vị này nói đã có đơn xin chuyển công tác từ Sở Xây dựng về UBND tỉnh Thanh Hóa để làm việc.
Ông có chịu sức ép nào từ phía dư luận trong thời gian vừa qua?
- Cái đó mọi người tự hiểu. Đây không phải là lần đầu tiên tôi chịu sức ép lớn như vậy. Thời điểm khi có kết luận thanh tra, báo chí đã vào cuộc mổ xẻ thông tin vụ việc.
Bây giờ, câu chuyện (bổ nhiệm Chánh Văn phòng) có liên quan đến danh dự của mình, và dư luận cho rằng tôi về Sở Xây dựng để làm cái này, cái nọ nên mới phản ứng như vậy.
Nhưng cá nhân tôi luôn tin tưởng tuyệt đối vào các đồng chí lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, luôn luôn sáng suốt và có tính độ lượng, nhân văn. Do vậy, tôi luôn cố gắng phấn đấu ở các vị trí được phân công công tác.
Các sai sót của ông từ thời điểm công tác tại Sở Xây dựng hiện nay đã khắc phục thế nào?
- Xong rồi. Chỉ có một số cán bộ thiếu điều kiện tiêu chuẩn khi bổ nhiệm hiện tại đã học xong rồi.
Về làm Chánh văn phòng Sở Xây dựng, ông chấp nhận làm cán bộ dưới quyền của người từng là cấp dưới của ông trước đây mà không có điều gì lăn tăn?
- Tôi cũng đã nhận thức được cái sai của mình và chịu trách nhiệm với những sai phạm trước đây.
Khi được lãnh đạo giới thiệu về Sở Xây dựng công tác, phù hợp với chuyên môn, tôi tuân thủ theo sự phân công công tác của tổ chức để đóng góp sức mình cho công việc chung.
Ông Ngô Văn Tuấn: Tôi không tham chức tước! |
Tôi nghĩ khi trở lại Sở Xây dựng sẽ tốt hơn rất nhiều vì cá nhân tôi đã có kinh nghiệm làm lĩnh vực xây dựng hàng chục năm. Mọi người cũng có ý muốn tôi về đó để cống hiến giúp đỡ thêm cho ban lãnh đạo.
Điều tôi muốn nói ở đây là tôi muốn chứng minh cho mọi người thấy rằng tôi được bổ nhiệm làm Chánh Văn phòng Sở Xây dựng không phải vì chức tước, không phải vì động cơ cá nhân gì hết. Nhưng sau khi về, tôi cũng không ngờ rằng, dư luận có phản ứng dữ dội như vậy nên đã có đơn gửi Giám đốc Sở Xây dựng xin quay lại Ủy ban để làm việc.
Nếu được quay về, Chủ tịch UBND tỉnh bố trí như thế nào thì tôi làm việc đó để mọi người không hiểu sai về mình và để mình được cống hiến cho công việc đến hết sự nghiệp của mình.
Tôi là người đã phải chịu đựng suốt bao nhiêu năm nay rồi bây giờ lại để người ta hiểu lầm nữa thì không hay. Mà chức Chánh Văn phòng có phải là gì mà to tát đâu. Nhưng vì dư luận họ nghĩ tôi có mục đích khác khi quay về Sở nên mới phản ứng kịch liệt.
Quan điểm của tôi trước sau như một là muốn làm việc và cống hiến cho Đảng, Nhà nước ở bất cứ cương vị, vị trí nào, đặc biệt là ở lĩnh vực chuyên môn.
Khi bị cách chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh và được bố trí công tác khác, ông có gặp vấn đề gì khó khăn về công việc hay định kiến của cán bộ về những vi phạm của mình trước đây hay không?
- Không, chuyện đó không bao giờ. Mọi người rất yêu quý và tôn trọng tôi.
Tại sao ông lại có đơn xin chuyển về UBND tỉnh để làm việc sau khi được bổ nhiệm Chánh văn phòng Sở Xây dựng cách đây không lâu?
- Quy định, quy trình bổ nhiệm Chánh Văn phòng Sở Xây dựng đối với tôi không hề sai, nhưng tôi muốn chứng minh cho mọi người thấy, tôi làm việc không phải vì chức quyền mà vì công việc nên xin quay lại UBND tỉnh. Mà nếu theo quy định thì tôi còn sẽ được bố trí vị trí Giám đốc Sở, nhưng đây chỉ là vị trí Chánh Văn phòng mà đã có dư luận như vậy thì...
"Tôi sẽ cống hiến hết đời cho Đảng, Nhà nước"
Có ý kiến cho rằng, ông nên xin nghỉ hưu trước tuổi hoặc làm doanh nghiệp bởi những vi phạm trong quá khứ, làm ảnh hưởng không nhỏ tới hình ảnh cá nhân ông và của tỉnh Thanh Hóa?
- Tôi sẽ cống hiến đến hơi thở cuối cùng cho Đảng và Nhà nước, trừ khi lãnh đạo không dùng mình nữa, chứ không bao giờ về theo ý kiến dư luận cả. Mình vẫn là Đảng viên, và vẫn phải phấn đấu để đóng góp cho đất nước, cho tỉnh, ở bất cứ vị trí nào. Tôi làm việc đâu phải vì chức vụ.
Có ý kiến cho rằng, đây là kế hoạch “lùi một bước, tiến hai bước” vì tham vọng chính trị của mình?
- Nếu phấn đấu được thì ai chả mong muốn. Nhưng để đạt được điều này thì cần cả một quá trình, phải do tổ chức, còn không ai cấm cán bộ phấn đấu cả. Đảng và Nhà nước luôn luôn khuyến khích những người bị kỷ luật phấn đấu để trở thành người có ích.
Nếu một người bị kỷ luật mà có tâm lý tiêu cực, không phấn đấu và một người bị kỷ luật nhưng biết phấn đấu thì cái nào tốt hơn? Đó là chưa kể người có mấy chục năm công tác trong lĩnh vực xây dựng, thì nên dùng họ để đóng góp.
Nếu có đôi lời với dư luận trong lúc này, ông sẽ gửi gắm điều gì?
- Thật ra tôi làm sao mà đối chọi được với dư luận. Có điều mình nghĩ là khi nhận định, đánh giá một vấn đề nào đó thì cần nhìn hai mặt. Nếu người ta có sai lầm dù lớn, dù bé thì cũng nên cho người ta cơ hội để người ta ổn định phấn đấu công việc, cuộc sống.
Dư luận có thể chưa hiểu hết về quy định trong công tác công tác cán bộ nên mới nghĩ vậy. Công tác cán bộ của Đảng luôn có tính nhân văn, độ lượng, rộng mở đón nhận, tạo điều kiện cho những người có khuyết điểm phấn đấu trở lại. Đó là điều rất tốt cho xã hội.
Bị kỷ luật rồi lại bổ nhiệm: Một kiểu 'trả ơn'?
Ông Tất Thành Cang và Ngô Văn Tuấn tuy không được ngồi cao ghế lớn như chức vụ trước khi bị kỷ luật, nhưng trong mắt người dân, các ông vẫn là cán bộ.
Theo Reatimes