- Ngày 6/11, Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM cho biết, đơn vị mình vừa tiếp nhận bé 10 tháng tuổi bị ngạt nước, hôn mê sâu.

Bệnh nhi là H.Đ.H.P., ngụ tại quận Phú Nhuận, nhập viện trong tình trạng tím tái, chân tay co gồng, hôn mê. Theo gia đình kể lại, mẹ của bé vào bếp nấu ăn, nghĩ con chưa biết đi nên chủ quan để con chơi một mình.

10 phút sau quay ra không thấy con đâu, người mẹ hốt hoảng tìm, phát hiện bé ngã bất động, cắm đầu trong xô nước trong nhà tắm (trong xô chứa khoảng 0,5 m nước).

{keywords}

Bé P. đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 1.

Ngay lập tức, bé được mẹ vớt lên, tri hô hàng xóm đưa đi cấp cứu tại cơ sở y tế địa phương rồi chuyển qua Bệnh viện Nhi Đồng 1.

“Chúng tôi đã tiến hành xử trí đường thở, hút đàm khí quản, chống co giật và cho bé thở máy. Hiện bé đang được theo dõi, điều trị tích cực”, bác sĩ Tiến nói.

Theo bác sĩ Tiến, các trường hợp trẻ bị ngạt nước được đưa tới bệnh viện không hề hiếm. Ở thành thị, đa phần trẻ bị ngạt do té vào xô, hòn non bộ. Riêng trẻ ở miền quê thì té sông, té ao. Thậm chí các bác sĩ còn ghi nhận cả trẻ bị té vào hố nước ở công trình xây dựng.

Cách xử trí khi bị ngạt nước

BS Tiến hướng dẫn: Khi phát hiện trẻ bị ngạt nước, mọi người cần sơ cứu đúng cách: Làm ấm trẻ bằng cách hà hơi, ấn ngực, ấn tim. Đặc biệt, người dân tuyệt đối không ấn bụng khi sơ cứu (có thể làm dịch trong dạ dày tràn ra gây viêm phổi, khiến việc diều trị thêm phức tạp).

Thanh Huyền