Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk vừa cứu sống bệnh nhân Dương Văn D., chưa đầy 3 tuổi, nặng khoảng 14kg do bị rắn độc cắn, rơi vào tình trạng nguy kịch.

{keywords}

Bé D. được chăm sóc đặc biệt tại BV

Bệnh nhân vào khoa Hồi sức tích cực và Chống độc trong tình trạng hôn mê sâu glasgow 3 điểm, thở theo bóp bóng, bỏ bóp bóng ngừng thở hoàn toàn, tim T1, T2 rời rạc, mạch bẹn khó bắt được, da tái nhạt, đồng tử 2 bên giãn to, phản xạ ánh sáng kém, cả bàn tay sưng nề, hoại tử. Trước tình hình đó, các bác sĩ đã nhanh chóng tiến hành cấp cứu ngừng tuần hoàn - hô hấp cho cháu, sau khi các chức năng sống của bệnh nhân có lại.

Theo lời kể của người nhà bệnh nhân, vào chiều 26/5/2016 cháu D. đi cùng bố mẹ lên nương rẫy thì bị một con rắn rất to, nặng khoảng 1.200 gram cắn vào đốt I ngón III bàn tay trái. 

Sau tai nạn cháu khóc thét, khó thở và ngay lập tức được đưa vào bệnh viện huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông. Bệnh nhân vào bệnh viện huyện trong tình trạng hôn mê, ngừng thở và được sơ cứu sau đó chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk.

Theo mô tả của người nhà về hình dáng con rắn có màu nâu đen, có dải hoa văn ở cổ và thân, phình to và vươn cao cổ khi con vật phòng thủ. BS Trịnh Hồng Nhựt, Trưởng khoa Hồi sức tích cực và Chống độc nhận định khả năng đây là một loại rắn hổ, loài rắn này rất độc. Trọng lượng con rắn khá to nên nọc độc vào trong cơ thể cháu rất nhiều, vì vậy khả năng tử vong rất cao nếu không tìm ra huyết thanh kháng nọc rắn đặc hiệu để giải độc cho cháu.

Qua khai thác bệnh sử và thăm khám kỹ lưỡng về lâm sàng, BS Nhựt quyết định thăm dò dùng huyết thanh kháng nọc rắn hổ đất. Sau liều kháng huyết thanh rắn hổ đất đầu tiên bệnh nhân có nhịp tự thở trở lại, tri giác trên lâm sàng khá hơn. 

Trước diễn biến lâm sàng đang cải thiện tốt, các bác sĩ dùng thêm huyết thanh kháng nọc rắn như trên đa liều cho bệnh nhi. Sức khỏe của cháu dần hồi phục, giảm dần thuốc, cải được máy thở và rút nội khí quản. Sau một thời gian điều trị tại bệnh viện qua nhiều chuyên khoa để giải quyết các biến chứng do nọc độc rắn gây ra, cháu D. đã khỏe mạnh xuất viện.

Được biết gia đình bệnh nhi là người H’mông rất nghèo lại đông con, không ai nói được tiếng phổ thông (phải nhờ người hàng xóm đi cùng phiên dịch). Khi đưa con đi cấp cứu ở bệnh viện không có tiền, không có khai sinh của trẻ, không có bảo hiểm y tế, các bác sĩ đã phải kêu gọi các tấm lòng hảo tâm để giúp đỡ bé. 

Ngay cả bữa ăn của cháu và người đi nuôi, nhân viên cũng đi xin từng ngày từ bếp ăn tình thương. Chính vì vậy, gia đình vô cùng cảm ơn các y bác sĩ đã hết lòng cứu sống cháu D.

(Theo SK&ĐS)