- Gần 1 năm sau khi cấy que tránh thai, chị Liên bất ngờ phát hiện có bầu. Do đã 3 lần sinh mổ, gia đình bất đắc dĩ phải phá bỏ đứa con 7 tuần tuổi.
Chị La Thị Liên (SN 1990, trú phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) gửi đơn đến báo VietNamNet phản ánh nội dung trên.
Chị cho biết, ngày 25/3/2015, chị đi cấy que tránh thai tại Trung tâm Y tế quận Sơn Trà. 9 tháng sau, chị bất ngờ phát hiện mình có thai. Chị đi kiểm tra có kết quả mang thai tuần thứ 7.
Ngày 15/12/2015, chị bất đắc dĩ phải nạo bỏ thai nhi tại Trung tâm Y tế Sơn Trà. Lý do chị Liên đã 3 lần mổ sinh trước đó, không thể sinh thêm.
Điều đáng nói sau khi phá thai, chị đề nghị bác sỹ tìm lấy que tránh thai ra khỏi cơ thể, tuy nhiên các bác sỹ tại trung tâm không tìm thấy que tại vị trí đặt ban đầu.
Chị Liên lo lắng vì không biết que tránh thai còn ở trong cơ thể hay không |
“Bác sỹ Nguyễn Thị Thanh Lâm siêu âm cho tôi nhưng không thấy. Bác sỹ bảo tôi tự đi chụp MRI, nếu phát hiện còn que thì đưa kết quả về”, chị Liên nói và tố cáo bác sỹ sỹ tại Trung tâm Y tế Sơn Trà thiếu trách nhiệm.
Chị cho biết thêm, sau khi phá thai, chị đã đi khám rất nhiều lần ở các bệnh viện, chụp X-quang…để tìm nguyên nhân và que tránh thai nhưng không thấy ở vị trí cấy ban đầu. Sau khi nạo thai đến nay, chị Liên bị tắt kinh nên rất lo lắng.
Bác sĩ nhận sai
Làm việc với PV, lãnh đạo và bác sĩ tại Trung tâm Y tế Sơn Trà thừa nhận đây là tai nạn nghề nghiệp, điều không ai mong muốn.
Ông Phạm Hồng Nam, PGĐ trung tâm cho biết đã nắm đủ các thông tin về bệnh nhân Liên. “Tôi trực tiếp cho siêu âm, kiểm tra phát hiện chị Liên có bầu 7 tuần, sau đó đơn vị cho hút thai vì chị đã 3 lần đẻ mổ, giữ lại rất nguy hiểm”, ông Nam cho biết.
Các bác sỹ tại Trung tâm Y tế Sơn Trà làm việc với PV |
Lãnh đạo trung tâm xác nhận đã kiểm tra nhưng không tìm thấy que tránh thai tại vị trí ban đầu. Tuy nhiên ông Nam nhận định rằng, nếu bệnh nhân bị tắt kinh thì rất có thể que tránh thai vẫn nằm trong người. Ông cho biết thêm, que này rất khó để rơi ra ngoài cũng như di chuyển đến khu vực khác trong cơ thể. Tuy nhiên để kiểm tra chỉ còn cách chụp cộng hưởng từ (MRI).
Vị trí đặt que tránh thai ban đầu là mặt trong khuỷu tay chị Liên. Ông Nam cho biết tỷ lệ tránh thai thành công với phương pháp này là 99,7%.
Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Lâm, trưởng khoa Sản xác nhận trực tiếp đặt que và theo dõi tình hình sức khỏe chị Liên. Bà Lâm cho rằng đây chỉ là một tai nạn ngoài ý muốn, và đã hết sức trách nhiệm, quan tâm đến bệnh nhân.
“Tôi nói vợ chồng Liên đến bệnh viện khác vì trung tâm không có chụp cộng hưởng từ. Nếu kết quả phát hiện que còn trong người thì đưa kết quả về, tôi sẽ xin trung tâm có phương án hỗ trợ”, bà Lâm nói.
Trung tâm Y tế Sơn Trà |
Trả lời VietNamNet, PGĐ Phạm Hồng Nam khẳng định sẽ chỉ đạo bác sỹ khám tổng quát, nếu vẫn không phát hiện que tránh thai thì đưa bệnh nhân đi chụp MRI theo chỉ định. Nếu phát hiện thì tùy theo nguyện vọng của chị Liên để xử lý.
Được biết chị Liên có hoàn cảnh rất khó khăn, chồng làm ăn xa, một mình chị nuôi 3 con nhỏ.
Cao Thái