VietNamNet có cuộc trò chuyện với ông Lương Nguyễn Minh Triết, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng nhân dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần.

Nền tảng để TP thực hiện trong năm 2022

- Thưa ông, nhìn lại một năm qua ông đánh giá thế nào về tốc độ tăng trưởng của TP Đà Nẵng?

Năm 2021 là năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội lần thứ XXII Đảng bộ TP. Trong bối cảnh phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, nhưng với nhiều cách làm sáng tạo, quyết liệt, linh hoạt, với mục tiêu “bảo vệ sức khoẻ và an toàn tính mạng của người dân là trên hết, trước hết”, TP đã từng bước chuyển trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, phục hồi tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và đạt được kết quả tích cực trên các lĩnh vực.

Tuy có một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội không đạt được theo kế hoạch đề ra; tuy nhiên, GRDP TP năm 2021 đạt được mức tăng trưởng 0,18% so với năm 2020, cụ thể: Khu vực dịch vụ tăng nhẹ 1,24% góp phần “kéo” hai khu vực còn lại là Công nghiệp - Xây dựng và Nông lâm nghiệp, thủy sản giảm lần lượt 2,13% và 2,38%, để tăng trưởng chung không âm…

Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tính đến ngày 31/12/2021 đạt 22.824,2 tỷ đồng, bằng 107,95% dự toán TƯ giao và 104,83% dự toán HĐND TP giao.

{keywords}
Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết

Nhìn lại tổng thể năm 2021, tuy tốc độ tăng trưởng GRDP của TP thấp nhưng có thể khẳng định với tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng, nhất trí của lãnh đạo TP và toàn thể nhân dân đã đóng góp vào thành tựu chung của TP trong những năm qua… Đây là những nền tảng quan trọng để TP thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ năm 2022 và những năm tiếp theo.

- Năm 2020 - lần đầu tiên TP tăng trưởng âm 9,71%, thu ngân sách chỉ đạt trên 60%. Năm 2021, trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung với 5 tỉnh thành, chỉ số tăng trưởng Đà Nẵng vẫn kém Quảng Nam và Thừa Thiên - Huế. Ông đánh giá tiềm năng của TP sẽ vực dậy nền kinh tế trong năm 2022 ở những lĩnh vực đầu tàu nào?

Đại dịch Covid-19 là một cú sốc cho tất cả các nền kinh tế nói chung và Đà Nẵng nói riêng, tuy nhiên, về cơ bản những lợi thế và tiềm năng đến từ vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, quá trình xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của TP vẫn còn, chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng TP sẽ nhanh chóng phục hồi và phát triển đột phá trong thời gian tới.

Theo Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định, TP sẽ tiếp tục ưu tiên phát triển 5 lĩnh vực mũi nhọn về  Du lịch và dịch vụ chất lượng cao gắn với bất động sản nghỉ dưỡng; Cảng biển, hàng không gắn với dịch vụ logistics; Công nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng đô thị sáng tạo, khởi nghiệp; Công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông gắn với nền kinh tế số; Sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao và ngư nghiệp….

2022: Thành phố sẽ lấy đầu tư công dẫn dắt

- Những hạn chế trong năm 2021, theo ông Đà Nẵng phải bắt tay thực hiện ngay từ đầu năm cụ thể là gì?

Năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện Nghị quyết Đại hội đảng các cấp và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Đây cũng là thời điểm đánh dấu chặng đường 25 năm xây dựng và phát triển từ khi TP trở thành đơn vị hành chính trực thuộc TƯ.

{keywords}
Năm 2022 có ý nghĩa rất quan trọng đối với Đà Nẵng

Nghị quyết của Thành ủy về phương hướng, nhiệm vụ năm 2022 đã chọn chủ đề năm 2022 là “Năm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội”. Theo đó, TP sẽ chỉ đạo hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở triển khai đảm bảo thống nhất, đồng bộ, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu quan trọng đề ra tại Nghị quyết nhiệm vụ năm 2022 như: Tổng sản phẩm xã hội (GRDP) tăng 6-7% so với năm 2021, tổng thu ngân sách nhà nước phấn đấu vượt 3-5% số thu của năm 2021...

Thành phố sẽ lấy đầu tư công dẫn dắt, thúc đẩy đầu tư phát triển kinh tế - xã hội; tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng các công trình, dự án động lực, trọng điểm…

Đồng thời, phối hợp với các cơ quan TƯ giải quyết các khó khăn, vướng mắc của TP trong thực hiện các kết luận thanh tra, bản án trong lĩnh vực quản lý đất đai, đầu tư, xây dựng đã tồn tại nhiều năm nhằm tháo gỡ các “điểm nghẽn”, khơi thông các nguồn lực; đây là những định hướng quan trọng làm nền tảng thúc đẩy phát triển thành phố trong thời gian đến.

Cùng với đó, TP nghiên cứu, tìm kiếm động lực phát triển mới, nhất là động lực từ khoa học, công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo. Tiếp tục tranh thủ sự hỗ trợ của TƯ nhằm khơi thông các “điểm nghẽn”, “nút thắt” trong quá trình phát triển TP, nhất là tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án đã kéo dài trong nhiều năm qua.

Áp lực và cơ hội

Đà Nẵng lâu nay vẫn gây ấn tượng cho du khách trong và ngoài nước bởi những cụm từ “thành phố đáng sống”, “điểm đến du lịch và nghỉ dưỡng hấp dẫn”....Với những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đang diễn ra, ông có cho đây là áp lực cho chính quyền TP trong việc vừa tăng chỉ tiêu kinh tế vừa đáp ứng các tiêu chí chấm điểm của du khách?

Những cụm từ “thành phố đáng sống”, “điểm đến du lịch và nghỉ dưỡng hấp dẫn”... không phải là tự nhiên, tức thời mà có được, đó là cả một quá trình xây dựng và phát triển, dần trở thành nét đặc trưng, góp phần hình thành giá trị bản sắc của Đà Nẵng. Do vậy, đây không chỉ là áp lực, thách thức cho thành phố mà còn là cơ hội để TP chứng minh, khẳng định mình trong thời gian tới.

{keywords}
Đà Nẵng tiếp tục tìm động lực mới để phát triển kinh tế

Đối với Đà Nẵng, văn hóa, an sinh xã hội luôn được quan tâm, đặt ngang hàng với kinh tế. Đà Nẵng với “5 không”, “3 có”, “4 an” không chỉ là khẩu hiệu mà còn là thương hiệu và niềm tự hào của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân TP.

Trên thực tế, chúng đóng vai trò là trụ cột để xây dựng “đô thị đáng sống” mang đậm chất văn hóa xứ Quảng. Sẽ là hoàn toàn không hợp lý và khó chấp nhận nếu Đà Nẵng đi nhanh trong phát triển kinh tế mà lại thiếu sự phát triển tương xứng về văn hóa, mức độ hưởng thụ và mức sống của người dân lại thấp. Vì vậy, Đà Nẵng sẽ phải tiếp tục đẩy mạnh công tác đảm bảo về an ninh trật tự, nếp sống văn hóa, nhất là văn hóa ứng xử thân thiện, mến khách.

Cùng với đó, TP tiếp tục những hoạch định, định hướng cho sự phát triển bền vững trong thời gian đến với mục tiêu đưa du lịch Đà Nẵng trở thành trung tâm du lịch và dịch vụ chất lượng cao, điểm đến sáng tạo của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á; xa hơn sẽ trở thành điểm đến du lịch hàng đầu Châu Á, ngày càng khẳng định vai trò, vị thế, thương hiệu của TP trong cả nước và khu vực.

- Nhân dịp đầu năm 2022, ông có thông điệp gì gửi tới người dân, chiến sĩ, cũng như bạn bè quốc tế đang sống và làm việc ở Đà Nẵng?

Thành phố đã lựa chọn chủ đề năm 2022 là “Năm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội”; trong đó, tập trung triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh, kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội TP, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số...

Vì vậy, thay mặt lãnh đạo TP kêu gọi người dân, chiến sĩ, cũng như bạn bè quốc tế đang sống và làm việc ở Đà Nẵng cùng đồng thuận, đoàn kết, nỗ lực vượt qua các khó khăn, thử thách, chủ động, sáng tạo thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế, xã hội, sản xuất kinh doanh, quyết tâm hoàn thành tốt nhất các mục tiêu 2022 đã đề ra, tạo động lực cho TP phát triển nhanh và bền vững hơn trong thời gian đến.

Kiều Oanh - Hồ Giáp

Hình ảnh cảng cá lớn nhất miền Trung tấp nập ngày giáp Tết

Hình ảnh cảng cá lớn nhất miền Trung tấp nập ngày giáp Tết

Cảng Thọ Quang (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) nhộn nhịp khi tàu của các tỉnh cập cảng đưa hải sản về bờ bán sau chuyến đi biển cuối năm.