Ngày 17/8, tại trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, VNG phối hợp với Google Developer Group MienTrung tổ chức Workshop “Làm Game đi, chờ chi” để chia sẻ về nghề lập trình game ở Việt Nam cũng như cơ hội việc làm của nghề này đến sinh viên CNTT tại Đà Nẵng.
Anh Nguyễn Vũ Tiến, Quản lý sản phẩm của VNG Game Studio North bắt đầu buổi nói chuyện bằng những câu chuyện dẫn chứng về những định kiến tiêu cực của xã hội đối với nghề làm game. Câu chuyện của anh Tiến cho thấy trong suy nghĩ của những bậc phụ huynh, việc phát triển game là vô bổ và không có tác động tốt đến xã hội.
Anh Nguyễn Vũ Tiến, Quản lý sản phẩm của VNG Game Studio North, chia sẻ tại GameTalk. |
Tuy nhiên, theo các nghiên cứu khoa học mới đây cho thấy việc chơi game đòi hỏi nhiều kỹ năng xử lý nhanh nhạy và chính xác, não bộ cũng hoạt động nhiều hơn. Từ những minh chứng khoa học cũng như bằng những trải nghiệm bản thân khi đã gắn bó hơn 10 năm trong ngành game, anh Tiến khẳng định “Game là sản phẩm giải trí có giá trị truyền tải văn hóa hơn cả sách và phim ảnh, điều này đòi hỏi người làm game phải sáng tạo, đam mê hơn người làm phần mềm bình thường”.
“Thậm chí tôi cho rằng phát triển game nên được xây dựng thành ngành công nghiệp mũi nhọn ở Việt Nam, điều mà rất phổ biến ở các quốc gia phát triển như Mỹ, Nhật, Trung Quốc. Về mặt kinh tế, giá trị xuất khẩu một tựa game mang lại tương đương với giá trị xuất khẩu lúa gạo của Việt Nam trong một năm,” anh Nguyễn Vũ Tiến nhấn mạnh.
Bằng những minh chứng cụ thể, anh Tiến đã cho thấy tiềm năng phát triển của game Việt Nam, nhiều tựa game Việt được đón nhận không chỉ ở Việt Nam mà trên thị trường quốc tế như: Thời loạn, Cờ tỷ phú, Khu vườn trên mây. ZingPlay, cổng game giải trí đa nền tảng tiên phong ở Việt Nam bước chân ra thế giới cũng không ngừng thay đổi và phát triển để phù hợp với nhu cầu đa dạng của người dùng toàn cầu.
Sinh viên CNTT Đà Nẵng được giao lưu với các chuyên gia VNG. |
Một mảng không kém phần quan trọng làm nên thành công của việc phát triển ngành game đó chính là nhân lực, đầu tư phát triển con người là nền tảng xây dựng ngành CNTT trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay.
Anh Trần Minh, Quản lý dự án VNG tại Đà Nẵng nhấn mạnh tính cốt lõi của việc đào tạo nhân lực CNTT là làm sao để tạo môi truờng làm việc hấp dẫn để giữ và thu hút nguời tài. Đội ngũ đứng sau những tựa game “Made in Vietnam” là những người biết làm game, làm đến cùng và làm bằng cả trái tim và khối óc, đa số được đào tạo và trưởng thành từ chương trình đào tạo lập trình game chuyên nghiệp hàng đầu Việt Nam – VNG Game Development Fresher (GDF).
Anh Trần Minh định hướng và khuyến khích các bạn trẻ hãy chọn GDF là đích đến vì đây là bệ phóng tốt cho các sinh viên muốn theo đuổi ngành lập trình game. Theo đó, GDF được thiết kế với lộ trình phát triển toàn diện về chuyên môn lẫn kỹ năng mềm. Tại đây các bạn trẻ có 3 tháng trải nghiệm cùng đội ngũ phát triển game trên nền tảng di động từ khâu lên ý tưởng đến lúc hoàn thiện sản phẩm cũng như được cọ xát thực tế và học hỏi cùng các chuyên gia lập trình game đầu ngành tại VNG.
Hơn 100 sinh viên CNTT trong buổi giao lưu bày tỏ sự quan tâm đến cơ hội việc làm trong lĩnh vực game, đặc biệt là vấn đề lựa chọn ngành lập trình game là cơ hội để thử sức sau khi ra trường.
“Thực sự sinh viên tụi em được truyền cảm hứng rất nhiều từ những chia sẻ của các chuyên gia VNG. Những bài học mà VNG chia sẻ giúp sinh viên CNTT tại Đà Nẵng có cách nhìn nhận, đánh giá về tiềm năng phát triển của nghề lập trình game ở hiện tại và tương lai”, Bùi Trọng Nghĩa, Sinh viên năm 4, khoa CNTT Đại học Sư phạm Đà Nẵng cho biết.