Cận cảnh những chiếc cáp treo chở na "bay vèo" từ trên núi xuống

Chính những chiếc cáp treo thô sơ này đã giúp giảm đi gánh nặng trên đôi vai của người trồng na mà vẫn có những trái na đẹp và chất lượng.

Theo tìm hiểu của phóng viên DANVIET.VN, với phần lớn diện tích là núi đá vôi, tưởng chừng nơi đây sẽ chỉ có cây dại mọc, vậy mà người dân Chi Lăng (Lạng Sơn) đã “bắt” những vách đá vôi nở hoa và nhả vàng. Không ai ngờ cây na lại phù hợp với điều kiện của núi đá vôi đến vậy. Ở Chi Lăng, na cho năng suất và chất lượng hoàn hảo không nơi nào có được.

Cùng với thương hiệu đã có từ lâu, những năm gần đây, người dân chuyển hướng canh tác na an toàn theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, giúp sản phẩm này từng bước chinh phục thị trường trong nước và quốc tế. Na Chi Lăng đã lọt Top 10 thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam, Top 50 đặc sản Việt Nam. Đây được xem là sản phẩm chủ lực cấp tỉnh của chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới của Lạng Sơn.

{keywords}
Những thúng na mở mắt căng tròn đều tưới rói vừa được bà con hái về.

Đến Chi Lăng vào những ngày đầu tháng 8 này, không khó để chúng ta được tận mắt chứng kiến những thúng na đang đu dây cáp “bay vèo” xuống núi để kịp giờ ra chợ.

Nói về của những dây cáp treo dài gần cả cây số này với phóng viên DANVIET.VN, ông Mã Văn Lét, thôn Quán Thanh, xã Chi Lăng cho biết: “Nói là cáp treo chứ nó chỉ là những sợi dây sắt được kéo đấu nối 2 điểm với nhau thông qua hệ thống bánh ròng rọc để thả những thúng na từ trên núi xuống. Còn khi muốn vận chuyển phân bón ngược trở lên núi thì phải có sức kéo của máy nổ. Việc có những chiếc ròng rọc tham gia vào quá trình vận chuyển giúp người trồng na tiết kiệm được nhân lực, sức lực, vận chuyển nhanh mà những trái na không bị trầy xước ảnh hưởng đến “mã” quả na”.

{keywords}
Na theo dây cáp treo, từ từ trôi xuống dưới.

Ông Lét cho biết thêm, cũng không ai còn nhớ là ai là người sáng tạo và lắp chiếc cáp treo đầu tiên để chuyển na xuống núi, chỉ biết là nó đã giúp bà con trong khâu vận chuyển được hơn 10 năm nay.

“Nếu trước đây bà con phải còng lưng gánh na từ trên núi về nhà thì giờ đây cáp treo đã đỡ bà con khâu đó. Và nếu trước kia người dân rất “dè dặt” trong khâu bón khâu vì khâu vận chuyển phân lên núi rất vất vả, mỗi cây chỉ được bón 1 số lượng ít ỏi thì giờ đây phân bón cho từng cây đúng từng liều lượng, thời điểm. Nhờ được chăm sóc tốt, đúng khoa học kỹ thuật nên giờ cây na xanh tốt, quả na to đều, đảm bảo chất lượng”, ông Lét nói.

{keywords}
Đầu dưới sẽ có người đón từng thúng na. Trung bình mỗi thúng na nặng khoảng 20-30kg.

Bằng hệ thống cáp treo vận chuyển vật tư lên núi, vận chuyển na xuống núi, người trồng na đã chủ động nâng cao giá trị sản xuất, rút ngắn khoảng cách, tiết kiệm thời gian và sức lực của con người. Từ đó, cây na cũng được người dân chăm sóc tốt hơn, sản lượng tăng liên tục. Những đường tời dài tới nửa cây số đơn giản mà hiệu quả giúp người trồng na không phải vận chuyển nặng nhọc mà trái na lại giữ nguyên chất lượng.

Trong khi đó, trò chuyện với phóng viên DANVIET.VN, chị Phùng ở xã Chi Lăng đang trèo hái na cho biết: Hái na phải cẩn thận để tuyển quả to, đẹp, bán được giá cao nhất. Gia đình chị có 3 người, mỗi ngày đi gần 3km để hái na từ 5h đến 8h sáng để thả tời ròng rọc kịp đưa xuống chợ bán. Na được xếp gọn gàng vào thúng, xô, chậu; sau đó bọc kỹ để vận chuyển xuống núi. Mỗi thúng na chuyển xuống núi nặng từ 20 - 30 \kg.

{keywords}
Những đường tời dài khoảng 1.000m, mỗi dây tời vận chuyển tối đa 70kg dùng được khoảng 3 năm.

Để có được đường tời ròng rọc chuyển na người dân phải mất khoảng 10-20 triệu đồng, có thể hơn kém về kinh phí vì còn tùy vào độ ngắn dài của đường dây. Thường mỗi đường tời là chung của vài hộ gia đình bỏ vốn kéo chung để tiết kiệm chi phí. Những đường tời dài khoảng 1.000m, mỗi dây tời vận chuyển tối đa 70kg, dùng được khoảng trong 3 năm.

Na Chi Lăng đã trở thành một thương hiệu và ngon nổi tiếng nhất miền Bắc hiện nay. Năm 2011, Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học Công nghệ) đã ra quyết định cấp giấy đăng ký nhãn hiệu “na Chi Lăng” và năm 2013 được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đưa vào danh sách 50 đặc sản trái cây nổi tiếng Việt Nam theo bộ tiêu chí công bố giá trị đặc sản Việt Nam.

(Theo Dân Việt)