Những ngày này, khi đi qua một số cánh đồng lúa ở huyện Yên Thành, sẽ dễ dàng bắt gặp từng nhóm từ người lớn đến trẻ con săn chuột trên đồng. Sau những ngày mưa lụt, nước ở các cánh đồng dâng lên khiến chuột đồng phải tìm chỗ để tránh hoặc chui vào các hang ở bờ ruộng để trú ngụ . Lúc này cũng là thời điểm thích hợp để những thợ săn chuột "hành nghề".
Cứ mỗi sau mùa vụ, người dân lại đổ xô ra đồng để săn bắt chuột. |
Dụng cụ để săn chuột cũng rất đơn giản gồm: cuốc, xô múc nước và một chiếc bao để đựng chuột. Theo những thợ săn có kinh nghiệm, muốn săn được chuột hiệu quả thì phải biết tập tính của nó như: nơi thường trú ngụ nhiều, bắt chuột vào thời gian nào là hợp lý...
Trung bình mỗi nhóm thợ săn thường có 3 - 4 người. |
Thông thường có rất nhiều cách để bắt chuột đồng hiệu quả như: Đổ nước, dùng cuốc đào hoặc lợi dụng mực nước ngập sau mưa lớn chuột sẽ chủ động ra khỏi hang trèo lên các gò đất, cây xanh...
Đối với cách đổ nước, hang chuột thường có rất nhiều ngách, người săn chuột chỉ cần lấy đất dẻo hoặc bùn non bịt các ngách còn lại rồi chọn hang chính lấy xô múc nước đổ vào. Khi hang đầy nước khiến chuột bị ngạt, chuột tìm cách ra ngoài.
Sau khi tìm được hang chuột, mọi người sẽ đào khoét miệng hang và múc nước đổ vào hang. Khi nước ngập các ngóc ngách trong hang, chuột sẽ chạy ra. |
Lúc này, đa số chuột đã bị ướt lông nên khó chạy nhanh nên người bắt sẽ dễ dàng. Tuy nhiên cũng có những con lao nhanh ra khỏi hang rồi nhảy xuống ruộng tìm đường thoát thân khiến việc tìm kiếm của các thợ săn gặp không ít khó khăn.
Đối với cách dùng cuốc đào thì nhóm thợ săn thường "bày binh bố trận" trước. Một người sẽ dùng cuốc đào hang còn 3 -4 người đứng xung quanh chờ chuột ra bằng nhiều cách để bắt như: dùng tay không, gậy gộc đánh chết... Bên cạnh đó, phương pháp lợi dụng chuột bị ngập nước sẽ leo lên cây, các gò đất cao nên khi bắt cũng rất hiệu quả.
Gặp mùa nước dâng, chuột sẽ leo lên cây, các gò đất cao nên việc săn bắt sẽ dễ dàng hơn. |
Theo tập tính, chuột đồng thường sống theo tập thể, vì vậy mà có những hang chỉ có 2 - 3 con, nhưng có những hang có thể chứa khoảng 10 - 15 con.
Anh Thái Hữu Thập (SN 1980, trú tại xã Xuân Thành, huyện Yên Thành), một tay săn chuột có tiếng trong vùng cho biết: "Cứ sau mỗi mùa gặt, tôi và anh em lại ra các cánh đồng để săn chuột. Sau vụ mùa, chuột rất béo nên được chế biến thành các món nhậu rất thích hợp. Trung bình một ngày bỏ ra 2 giờ đồng hồ sẽ bắt được 3- 5 kg chuột là chuyện bình thường".
Không chỉ người lớn, trẻ con ở vùng này đã quá quen thuộc với việc săn bắt chuột. |
Mặc dù mới chỉ 15 tuổi, nhưng em Phan Trọng Khánh (trú tại xã Quang Thành, huyện Yên Thành) đã trở thành 1 thợ săn chuột khá lành nghề.
Khánh kể: "Từ nhỏ em đã theo chân các anh, các bác ra đồng để săn bắt chuột nên bây giờ đã thành thói quen. Việc bắt chuột vừa ngăn chúng phá hoại mùa màng vừa có những món ăn bổ dưỡng".
Chuột là loài gặm nhấm sống ở những nơi thoáng mát, chủ yếu ăn các thức ăn nông sản và các thức ăn trong tự nhiên như: cua, ốc… nên rất béo và dinh dưỡng.
Những người thợ săn chuột ở vùng quê này cho hay, chuột sau khi bắt về sẽ được thui rơm vàng, rồi bắt đầu tiến hành lột da, cắt bỏ phần đầu, đuôi, chân.
Món chuột xào sả ớt cuốn với lá cải cay được nhiều người ưa chuộng. |
Tùy vào sở thích mỗi người mà thịt chuột được chế biến thành nhiều món khác nhau như: chuột xào sả ớt cuốn với lá cải cay, chuột nấu giả cầy, chuột nướng, chuột rim xúc bánh đa…
Thịt chuột hiện nay không phải chỉ là thực phẩm ăn hàng ngày của các gia đình ở thôn quê mà còn là những món ăn "đặc sản" mà ở thành phố nhiều người cũng rất ưa thích.
(Theo Dân Trí)
Hết hồn đặc sản thịt chuột của người Hà Nội, nhìn khiếp đảm nhưng giá không hề rẻ
Vào mùa săn chuột đồng hàng năm, nhiều thợ săn chuột đồng ở xã Canh Nậu (Thạch Thất, Hà Nội) có thể kiếm tiền triệu mỗi ngày.