- Sáng nay, trong phiên tòa "đại án" 9.000 tỷ tại Ngân hàng Xây dựng, có 36 bị cáo bị đưa ra xét xử. 156 cá nhân được tòa triệu tập, 98 người có mặt với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

Phiên tòa có 45 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn dân sự, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án. Riêng bị cáo Phạm Công Danh có 5 luật sư tham gia bào chữa.

{keywords}
Toàn cảnh phiên tòa sáng nay. Ảnh: Đinh Tuấn

Với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, 156 cá nhân được tòa triệu tập, 98 người có mặt. Trong danh sách các cá nhân được triệu tập có bà Trần Ngọc Bích (Giám đốc Công ty TNHH Tân Hiệp Phát) và cha bà Bích là ông Trần Quí Thanh (Dr.Thanh). Bà Bích và một số người thân có mời luật sư tham gia phiên tòa để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trong vụ án.

Bên cạnh đó, hàng loạt pháp nhân, đơn vị cũng được triệu tập đến tòa để tham gia tố tụng như: đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, một số ngân hàng, đại diện Hội đồng định giá tài sản trong Tố tụng Hình sự thành phố Đà Nẵng, đại diện Hội đồng định giá tài sản trong Tố tụng Hình sự các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu; đại diện Tập đoàn Thiên Thanh...

Đáng chú ý, trong danh sách các công ty được triệu tập đến tòa có công ty TNHH Đầu tư phát triển nhà Quốc Cường do bà Nguyễn Thị Như Loan làm Chủ tịch HĐQT và ông Nguyễn Quốc Cường (tức Cường đôla) là Chủ tịch HĐTV.

Riêng phần thủ tục khai mạc phiên tòa đã diễn ra trong nhiều giờ. Sau phần công bố quyết định đưa vụ án ra xét xử, chủ tọa thẩm tra lý lịch các bị cáo.

Vì sao nhắc đến Cường đô la?

Theo cáo trạng, đối với tội vi phạm quy định về cho vay: Từ ngày 28/12/2012 đến 11/3/2014, do cần tiền để sử dụng, Danh đã tổ chức nhiều cuộc họp, chỉ đạo các cấp dưới ở VNCB và tập đoàn Thiên Thanh sử dụng pháp nhân của 12 công ty thuộc tập đoàn Thiên Thanh và 2 pháp nhân khác là công ty TNHH Đầu tư phát triển Nhà Quốc Cường và công ty TNHH MTV Thương mại xây dựng đầu tư phát triển Nhà Hưng Thịnh.

Mục đích là để xây dựng hồ sơ kinh doanh mua bán nguyên vật liệu khống, phương án trả nợ khống, nâng giá các lô đất là tài sản đảm bảo... để vay tại VNCB 5.000 tỷ đồng.

{keywords}
Bị cáo Phạm Công Danh tại phiên toà. Ảnh Đinh Tuấn

Đối với công ty phát triển Nhà Quốc Cường, ngày 28/6/2013, Đinh Văn Hùng là đại diện ký giấy đề nghị vay 450 tỷ đồng tại VNCB chi nhánh Sài Gòn. Mục đích kinh doanh bất động sản là quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất với hai lô đất tại sân vận động Chi Lăng, Đà Nẵng của công ty TNHH Thành Thành Công (không phải Tập đoàn Thành Thành Công, số 62 Trần Huy Liệu, quận Phú Nhuận, TPHCM - P.V)  

Phương án vay vốn và trả nợ là từ doanh thu và lợi nhuận của việc chuyển nhượng lại bất động sản nêu trên.

Ngày 29/6/2013, VNCB giải ngân 300 tỷ đồng vào tài khoản của công ty Nhà Quốc Cường. Sau đó số tiền này được chuyển vào tài khoản một công ty khác rồi chuyển đến Thiên Thanh để Danh rút ra sử dụng.

Tuy nhiên, khoản vay này sau đó đã được công ty Nhà Quốc Cường chuyển toàn bộ nghĩa vụ trả nợ trên sang công ty Thành Thành Công. Đến nay, quá hạn vay nhưng công ty Thành Thành Công không trả tiền nên VNCB không thể thu hồi. Công ty TMXD Đầu tư phát triển Nhà Hưng Hưng Thịnh cũng vay 300 tỷ đồng tại VNCB nhưng đến nay đã tất toán.

Tuy nhiên, đây là khoản vay có thế chấp nên sau khi đối trừ trị giá tài sản thế chấp và khoản vay thì không còn thiệt hại. Dù vậy, Công ty Đầu tư phát triển Nhà Quốc Cường vẫn được triệu tập với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án.

Hôm nay, cả bà Nguyễn Thị Như Loan và Cường đôla đều không đến tòa mà ủy quyền cho bà Ngô Kim Lan. Bà Lan cũng được ủy quyền đại diện công ty Nhà Quốc Cường và công ty Hưng Hưng Thịnh tham gia phiên tòa.

Đề nghị triệu tập thêm nhiều người có liên quan

Chiều 19/7, phiên tòa tiếp tục với phần chủ tọa thẩm tra thông tin, lý lịch của những cá nhân, đơn vị có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án.

Trong số các cá nhân có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, bà Trần Ngọc Bích (SN 1984, nữ Giám đốc Tân Hiệp Phát) có mặt. Ông Trần Quí Thanh vắng mặt và ủy quyền cho một người khác tham gia phiên tòa.

{keywords}
Bị cáo Phạm Công Danh rời tòa sau phiên xử ngày 19/7 
Phát biểu tại tòa, VKS và các luật sư đề nghị tòa tiếp tục triệu tập những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan vắng mặt để thẩm vấn nhằm làm rõ sự thật khách quan trong vụ án.

Bào chữa cho bị cáo Phạm Công Danh, luật sư Phan Trung Hoài đề nghị HĐXX giải mật các tài liệu là các biên bản định giá để luật sư có thể tranh luận công khai tại tòa (vì các văn bản này đóng dấu MẬT).

Cũng trong phần này, luật sư Hà Hải - Đoàn luật sư TP.HCM đề nghị tòa triệu tập thêm hàng loạt cá nhân là cán bộ, nhân viên của một số ngân hàng đến tham gia phiên tòa. Một số luật sư khác cũng đưa ra một số ý kiến, đề nghị HĐXX triệu tập thêm nhiều cá nhân có liên quan đến tòa để tham gia tố tụng.

{keywords}

Phát biểu về vấn đề này, VKS đồng tình khi cho rằng cần triệu tập những cá nhân được xác định có quyền lợi liên quan trong vụ án. Về ý kiến cho rằng việc tách vụ án ra làm ảnh hưởng đến quyền lợi của Phạm Công Danh là không có căn cứ.

Về đề nghị giải mật các kết luận định giá tài sản, tòa cho rằng tòa đã triệu tập các Hội đồng định giá đến tòa để làm rõ. Phiên tòa xét xử hoàn toàn công khai, minh bạch nên các luật sư hoàn toàn được đảm bảo các quyền lợi để tham gia tranh tụng theo quy định pháp luật.

Sau phần giải đáp ý kiến của các luật sư, HĐXX tuyên kết thúc phần thủ tục, bước sang phần xét hỏi. Sáng mai, phiên tòa tiếp tục với phần công bố cáo trạng của VKS.

Mai Phượng - Đinh Tuấn