- Bên lề QH hôm nay, các ĐB chia sẻ nhận định xung quanh việc xử lý trách nhiệm và giám sát vấn đề môi trường sau sự cố do Formosa gây ra.
ĐB Trần Hoàng Ngân (TP.HCM): Trả lời thỏa đáng cử tri về Formosa
- Ông nhận định thế nào về việc xử lý trách nhiệm trong vụ việc Formosa?
Tôi thấy phân công trách nhiệm không rõ ràng, nói là trách nhiệm của Bộ TN&MT cả thì cũng không hẳn. Họ có trách nhiệm phê duyệt báo cáo nhưng theo dõi kiểm tra thì như thế nào.
ĐB Trần Hoàng Ngân |
Lãnh đạo Bộ TN&MT và Chính phủ mới nhận nhiệm vụ đã tập trung xử lý ngay vụ việc, tìm ra nguyên nhân và quy trách nhiệm cụ thể. Nhưng vấn đề ta muốn là đáng nhẽ với lý lịch môi trường không tốt của Formosa, nhà đầu tư đó phải được ưu tiên giám sát. Đó là bài học lớn về thu hút vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là FDI, thời gian qua.
Ta cần huy động vốn, nhưng không có nghĩa là bằng mọi giá. Địa phương cạnh tranh thu hút vốn, nhưng Formosa không chỉ của riêng Hà Tĩnh mà liên quan đến hàng loạt các tỉnh miền Trung, đến kinh tế biển, du lịch...
Vấn đề Formosa không thể giao UBND Hà Tĩnh hay sở TN&MT tỉnh giải quyết, cần một UB quốc gia để xử lý. UB Kinh tế QH cũng cần phải tăng cường giám sát, đây cũng là nội dung đặt hàng của cử tri tới QH, muốn có câu trả lời thỏa đáng.
- Vấn đề tiếp theo sau đây là đền bù cho người dân, khôi phục môi trường như thế nào?
Ta đã có chính sách hỗ trợ, nhưng cũng không thể bù đắp những tổn thương cho kinh tế biển, người dân, lòng biển và tài nguyên thiên nhiên biển. Do đó, nên xem xét thận trọng và có cơ quan để khẳng định việc Formosa có nên tồn tại ở Hà Tĩnh nữa không.
Chính phủ nên có giải quyết minh bạch trong các vấn đề môi trường, không chỉ với nhà đầu tư nước ngoài mà với tất cả DN đang hoạt động trên đất nước VN. Dự án nào không thỏa mãn tiêu chí môi trường thì phải ngừng ngay và Formosa là dự án tiêu điểm.
Tổng thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc: Không nên lặp lại sai lầm của các nước đi trước
- Đối với những dự án lớn như Formosa, QH liệu giám sát không?
Đây là vấn đề phân cấp, tuỳ từng dự án sẽ phân cấp cho địa phương hay cơ quan Trung ương, Bộ, ngành. Những dự án lớn, rất nhạy cảm thì phải cáo QH, hoặc CP quyết định. Nhưng có những dự án nhỏ mà ảnh hưởng môi trường lớn, ví dụ đập thuỷ điện, thì từ trung ương đến địa phương cùng phải quản lý, không thể chỉ nơi nào biết nơi đó.
Tổng thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc. Ảnh: Phạm Hải |
- ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) có đề nghị lập UB lâm thời để giám sát Formosa, ý kiến ông thế nào?
Chúng tôi chưa nhận được ý kiến này. UB lâm thời lập phải theo quy trình, theo luật.
- Vậy theo ông làm thế nào để tránh lặp lại sự cố môi trường như do Formosa gây ra?
Formosa là bài học rất đắt giá về việc thu hút đầu tư trong và ngoài nước, phải chú ý nhiều hơn đến môi trường vì đây là lĩnh vực ảnh hưởng lâu dài đến đời sống của người dân, đến tài nguyên thiên nhiên của đất nước.
Chúng ta không phát triển kinh tế bằng mọi giá. Khi nhà đầu tư vào VN, phải kiểm soát để tránh biến VN trở thành nơi xử lý rác thải. Đã có nhiều bài học đắt giá của các nước đi trước, chúng ta đi sau không nên lặp lại.
Đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau): Muốn giám sát Formosa
- Ông nghĩ thế nào về giám sát của QH đối với các dự án lớn như Formosa, khi có ý kiến rằng các cơ quan chuyên trách của QH chưa làm tròn trách nhiệm, để xảy ra các sự cố lớn về môi trường?
Tôi thiết nghĩ đã để xảy ra vụ việc như Formosa, khiến cá chết, chôn chất thải gần khu dân cư... thì đại biểu QH và HĐND các cấp, chính quyền các cấp phải tăng cường, có trách nhiệm phát hiện kịp thời, các vấn đề liên quan đến môi trường, không riêng Formosa.
Với những vụ việc như Formosa, mỗi thành viên của các đoàn giám sát của QH cũng phải tăng cường hơn chức trách, nhiệm vụ của mình. Một đoàn giám sát của QH kết hợp với các chuyên gia trong và ngoài nước là hoàn toàn đủ thẩm quyền và khả năng. Nhưng cần chọn thời điểm thích hợp để giám sát.
Cá nhân tôi sẽ kiến nghị đưa việc này vào chương trình giám sát năm 2016-2017 của QH. Nếu QH không đồng ý, tôi sẽ đưa vào chương trình giám sát của cá nhân ĐB.
Chung Hoàng (ghi)