Ngày 15/2 vừa qua, trang web của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Trung Quốc đưa tin, Vương Mẫn - nguyên Ủy viên thường vụ tỉnh ủy Sơn Đông, Bí thư thành ủy Tế Nam đã bị Viện KSND thành phố Ninh Ba, Chiết Giang khởi tố về tội nhận hối lộ và sẽ bị Tòa án thành phố này xét xử trong ngày gần đây.
Vương Mẫn chỉ là 1 trong số 7 quan chức cấp Bộ, tỉnh bị ngã ngựa bởi liên đới đến tỷ phú địa ốc nổi tiếng Triệu Tấn trong mê trận “quan thương câu kết”...
Tỷ phú trẻ lắm chiêu với hội quán bẫy quan chức
Triệu Tấn sinh năm 1973, là con trai Triệu Thiếu Lân, nguyên Ủy viên thường vụ, Tổng thư ký tỉnh ủy Giang Tô, sau khi nghỉ hưu là Phó Chủ tịch Quỹ phát triển Người cao tuổi Trung Quốc. Quê gốc Sơn Tây, nhưng lớn lên ở Nam Kinh.
20 năm qua, Triệu Tấn đã mở hàng trăm công ty ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Thiên Tân, Giang Tô, Sơn Đông và cả ở nước ngoài kiếm được hàng trăm tỷ Nhân dân tệ, để lại phía sau hàng ngàn công trình quy hoạch không phù hợp, nội thất thiếu thốn, chất lượng “bã đậu”. Trên thị trường nhà đất nhiều thành phố như Thiên Tân, Nam Kinh... Triệu Tấn hầu như không có đối thủ cạnh tranh, y muốn chỗ nào được chỗ ấy, tùy tiện thay đổi thiết kế, xây nhà vượt tầng... Chỉ sau khi Triệu Tấn sa lưới pháp luật tháng 7/2014 và cha đẻ Triệu Thiếu Lân bị bắt sau đó 3 tháng, mọi chuyện mới dần được phanh phui, kéo theo sự ngã ngựa của 7 quan chức, trong đó có 1 Ủy viên Trung ương (UVTW), 2 UVTW dự khuyết…
Hà Gia Thành, Vương Mẫn và Vũ Trường Thuận (từ trái sang), 3 trong 7 quan tham liên đới tới Triệu Tấn. |
Ngày 12/6/2015, tờ The Paper (Thượng Hải) đã đăng bài “Điều tra về Đế quốc địa ốc Triệu Tấn”, phanh phui chuyện Triệu Tấn xây dựng một hội quán riêng làm nơi giao lưu gặp gỡ, ăn chơi thác loạn cùng bạn bè, nhất là các quan chức, trong đó nêu đích danh Vương Mẫn, UVTW dự khuyết, Ủy viên thường vụ tỉnh ủy Sơn Đông, Bí thư thành ủy Tế Nam, người đã bị điều tra từ hôm 18/12/2014. Báo này cho biết, tháng 6/2014 khi về Bắc Kinh học tại Trường Đảng trung ương, Vương Mẫn đã nhiều lần lui tới hội quán của Triệu Tấn để ăn chơi, hưởng lạc.
Nơi Vương Mẫn lui tới chỉ là 1 trong mấy hội quán của Triệu Tấn, nằm ở tiểu khu Lục Khê Đường gần hồ Ngọc Uyên, phía Tây Thế Kỷ Đàn, đối diện Nhà khách quốc gia Điếu Ngư Đài qua hồ. Triệu Tấn đã chi 100 triệu tệ (350 tỷ VND) để mua và trang trí nội thất. Nơi chốn ăn chơi được đưa vào sử dụng từ ngày 1/5/2014 này không mở cửa với người ngoài, chỉ tiếp khách nội bộ và các quan chức. Ngoài ăn uống, các dịch vụ giải trí, còn có phục vụ tình dục, tất nhiên có đặt các máy ghi hình để khống chế. Từ băng ghi hình của hội quán này, người ta đã nhận mặt hàng trăm gương mặt sáng giá trong giới kinh doanh và quan chức…
Cha đẻ cùng 6 quan chức liên tiếp ngã ngựa
Báo Pháp Chế buổi chiều ngày 17/2 cho biết, sau khi Triệu Tấn sa lưới đã có 7 người liên đới đến y nối nhau bị bắt và điều tra, trong đó có cha đẻ là Triệu Thiếu Lân, đã nghỉ hưu 8 năm, 2 “cha nuôi” là Hà Gia Thành, Phó Viện trưởng thường trực Viện Hành chính quốc gia và Chu Bản Thuận, nguyên UVTW, Bí thư tỉnh ủy Hà Bắc; những người còn lại là Vũ Trường Thuận, Dương Vệ Trạch, Vương Mẫn và Nhan Thế Nguyên.
Người đầu tiên bị “nhập kho” tháng 10/2014 chính là cha đẻ của y - Triệu Thiếu Lân. Trong thông báo của Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (UBKTKLTW) có ghi rõ các tội của Triệu Thiếu Lân: “Lôi kéo, làm hỏng cán bộ lãnh đạo, dung túng con trai lập ra hội quán tư nhân, nhiều lần mời cán bộ lãnh đạo đến ăn chơi chè chén, đồng lõa cùng con trai đưa hối lộ, tặng tiền người khác”.
Người thứ hai là Vũ Trường Thuận, Giám đốc CA, Phó Chủ tịch Chính Hiệp thành phố Thiên Tân. Vũ Trường Thuận khét tiếng Thiên Tân với biệt danh “Vũ gia”. Thuận đã giúp Tấn “thu xếp gọn” nhiều vụ tranh chấp trong làm ăn và là khách thường xuyên lui tới hội quán Hồng lâu của Triệu Tấn. Với sự chống lưng của Vũ Trường Thuận, Triệu Tấn trở thành “Nhà khai thác địa ốc ngang tàng nhất Thiên Tân”: chung cư quy hoạch 31 tầng xây 41 tầng, quy hoạch 41 tầng xây thành 66 tầng. Một chuyên gia nhà đất Thiên Tân tính toán: nếu tính theo giá nhà 10 ngàn tệ/m2 thì chỉ riêng số diện tích xây dựng vượt quá quy hoạch, Tấn đã kiếm lợi hàng tỷ tệ.
Chu Bản Thuận, nguyên UVTW, Bí thư tỉnh ủy Hà Bắc. |
Người thứ ba là Chu Bản Thuận, UVTW Đảng, Bí thư tỉnh ủy Hà Bắc, bị bắt giữ điều tra ngày 24/7/2015. Tạp chí Tài Kinh đưa tin, vợ Thuận là Đoàn Nhạn Thu nhận Tấn làm con nuôi.
Được mẹ nuôi dẫn dắt, Triệu Tấn bỏ ra rất nhiều tiền sưu tập các tác phẩm tranh, thư pháp quý giá, đắt tiền. Triệu Tấn có hẳn 4 trợ lý thư họa chuyên phụ trách việc sưu tập các tác phẩm. Con trai Thuận là Chu Tĩnh và Triệu Tấn gắn bó thân thiết, có chung 2 cửa hàng chuyên doanh siêu xe Porches ở Hồ Nam và cùng kinh doanh địa ốc.
Quan tham thứ tư là Dương Vệ Trạch, UVTW dự khuyết, UVTV tỉnh ủy Giang Tô, Bí thư thành ủy Nam Kinh, bị bắt giữ điều tra tháng 1/2015. Sau khi Trạch làm Bí thư Nam Kinh năm 2011 thì Triệu Tấn bắt đầu mở công ty, liên tiếp gom đất với sự tiếp tay của ông ta. Trong thông báo kỷ luật Trạch ngày 31/7/2015, UBKTKLTW nêu một trong các tội của ông ta là: “… lợi dụng chức quyền mưu lợi cho người khác rồi nhận hối lộ nhiều tiền bạc; vi phạm nghiêm trọng 8 điều quy định của trung ương, nhiều lần ra vào khách sạn cao cấp và hội quán tư nhân, ăn uống chè chén…”, ám chỉ đến mối quan hệ đặc biệt giữa Trạch với Tấn.
Triệu Tấn đại gia địa ốc dùng tiền thao túng các quan chức. |
Một “cha nuôi” khác của Triệu Tấn bị bắt cùng ngày 11/10/2014 với cha đẻ Triệu Thiếu Lân là Hà Gia Thành, Phó Viện trưởng thường trực Viện Hành chính quốc gia. Tấn nhận Thành làm cha nuôi, đưa con gái Thành vào công ty của mình ngồi chơi nhận lương. Điều khôi hài là bình thường Hà Gia Thành ăn mặc giản dị, hút thuốc lá rẻ tiền, trong nhà ở và phòng làm việc không bài trí thứ gì đắt tiền. Nhưng trong thông báo của UBKTKLTW đã vạch rõ, Thành đã “lợi dụng thuận lợi về chức vụ mưu lợi cho người khác để đòi hối lộ tiền và vật; vi phạm nghiêm trọng 8 điều quy định của trung ương, nhiều lần lui tới hội quán cá nhân”.
Người thứ 6 ngã ngựa do bị Triệu Tấn khai ra là Vương Mẫn. Suốt 10 năm dưới sự chống lưng của Vương Mẫn, Triệu Tấn đã thỏa sức kiếm tiền ở Tế Nam. Đổi lại, Vương Mẫn coi Triệu Tấn là “két bạc”, “máy rút tiền” của gia đình ông ta. Tấn đã đưa vợ Mẫn đi du lịch khắp Bắc Kinh, Hong Kong, Ma Cao, chi tiền để bà ta thỏa sức mua sắm túi xách, quần áo, nữ trang hàng hiệu, đánh bạc. Tấn khai nhận đã hối lộ cho Mẫn hơn 18 triệu tệ (63 tỷ VND), mua nhà và nhận con gái Mẫn vào công ty ngồi chơi hưởng lương, giúp con rể ông ta nhận thầu các công trình để kiếm lợi.
Sau khi Vương Mẫn bị ngã ngựa, một đệ tử của ông ta là Nhan Thế Nguyên, nguyên UVTV tỉnh ủy, Trưởng ban Mặt trận tỉnh ủy Sơn Đông, Ủy viên Chính Hiệp toàn quốc cũng bị xử lý kỷ luật cách chức, khai trừ lưu đảng 2 năm. Nguyên là quan tham thứ 7 “chết” do có mặt trong băng ghi hình ở hội quán của Triệu Tấn với hình ảnh không xứng với tư cách quan chức.
(Theo Tiền Phong)