Tổ yến không còn xa lạ gì với người Việt, do có nhiều nơi cung cấp nên giá cũng không còn quá đắt đỏ. Nhưng có một loại yến được bán với giá rất đắt và không phải ai cũng có hội được nhìn thấy, chứ chưa nói tới dùng thử. Đó là là yến huyết.

Chính vì có giá trị cao, nên yến huyết thường xuyên bị làm giả và cũng rất khó để người tiêu dùng có thể hiểu và phân biệt được đâu là hàng thật.

{keywords}
Yến huyết

Thử tìm kiếm trên mạng, có rất nhiều nơi đăng bán sản phẩm yến huyết, thậm chí một cửa hàng trên phố Đội Cấn (Hà Nội) còn tự tin rao bán cả yến huyết nhà với giá 15 triệu đồng/lạng.

Nhưng thực tế, theo anh Nguyễn Đức Tân chủ một trang trại nuôi yến ở xã Thành Hải (TP. Phan Rang - Tháp Chàm, Ninh Thuận) thì, chỉ yến đảo mới có yến huyết, nếu nuôi yến trong nhà thì sẽ không có.

“Một lạng yến huyết "xịn" rơi vào tầm 200 triệu đồng. Vì cả một đảo may lắm cũng chỉ có một vài lạng yến huyết. Hàng gần như là không có để bán”, anh Tân nói.

Cũng theo anh Tân: “Yến huyết mà rẻ như trên thị trường hiện nay hầu như là yến giả. Thậm chí, có nơi còn ngâm với Kali để cho ra hàng màu.”

“Yến huyết là xa xỉ phẩm, nó cũng giống như tỏi mồ côi, cả mẫu tỏi may ra mới được 1 kg. Nhưng trên thị trường lại bán la liệt, không biết thật giả thế nào”, anh Tân cho biết thêm.

Yến thường cũng không phải ngoại lệ

Không chỉ yến huyết, buôn tổ yến là nghề đem lại lợi nhuận cao, do đó nhiều người bán đã nghĩ ra nhiều chiêu trò “nhập nhằng” để lừa người tiêu dùng.

{keywords}
Tổ yến

Chị Nguyễn Thị Nguyệt (TP. Phan Rang - Tháp Chàm, Ninh Thuận) đã có nhiều năm làm trong nghề, cũng hiểu hết những mánh khoé mà dân kinh doanh yến bày ra. Chị cho biết: “Làm nghề yến thì buôn gian bán lận dễ lắm. Doanh nghiệp (DN) phải cam kết 1 đền 100 trên bao bì nếu phát hiện hàng “dởm”, đểu thì mới làm ăn được. Ghi như thế, không phải để người tiêu dùng soi, mà cho chính các đối thủ của mình soi.”

{keywords}
Chim yến làm tổ

“Vì vốn dĩ, tổ yến không bao giờ trắng do dính cả phân yến. Nếu người tiêu dùng mua hàng mà thấy trắng tinh thì đã bị xử lý qua chất tẩy, oxi già. Một số DN còn chống hao bằng cách hoà đường vào tô nước, sau đó nhúng tổ yến vào rồi đưa qua lò sấy”, chị Nguyệt nói.

Với cách gian lận như vậy, 1 kg yến của họ không những không bị hao, mà còn thành 1,4 kg. Nói là hao vì một 1 kg tổ yến bình thường sau khi thu hoạch sẽ phải gắp lông ra. Gắp hết lông thì sẽ bị hao đi 2 lạng và chỉ còn 8 lạng.

{keywords}
Các nhà nuôi yến sẽ gọi chim yến về bằng tần số sóng.

Cách duy nhất để người tiêu dùng phân biệt tổ yến có ngâm đường hay không theo chị Nguyệt đó là cầm thử vào tay, nếu cầm lâu thấy dính dính, hơi chảy nước thì đã bị ngâm đường.

Thậm chí, chị Nguyệt cho biết: “Một số nơi còn nhúng tổ yến vào mủ chôm để tăng trọng lượng. Mủ chôm hay dai dai ăn trong chè sẽ được dân buôn đổ ra bát, rồi lấy tổ yến nhúng vào. Do tổ yến có nhiều lỗ nhỏ nên mủ chôm sẽ lấp đầy những khoảng trống đó.”

{keywords}
Yến nuôi trong nhà 

“Làm theo cách này thì 5 tổ yến đã nặng 1 lạng, trong khi đó, nếu làm thật thì 12 tổ mới nặng 1 lạng. Vì mỗi tổ sau khi làm sạch sẽ thường chỉ nặng từ 8 - 9g”, chị Nguyệt cho biết thêm.

Đó mới chỉ là cách làm tăng trọng lượng, dã man hơn, một số đối tượng lừa đảo còn làm tổ yến bằng bì lợn. Nếu làm sạch lông, tẩy trắng rồi thái nhỏ, mỏng ra thì bì lợn rất giống tổ yến.

{keywords}
Công nhân đang rút lông yến

Mới đây, anh Đ.H.L (Long Biên, Hà Nội) đã bỏ ra hơn 100 triệu đồng để mua yến huyết biếu Tết. Thế nhưng, sau khi tham khảo một người trong nghề thì mới biết đây hoàn toàn là hàng giả đã ngâm qua hoá chất.

Tết nguyên dán đang tới gần, đây cũng là thời cơ để hàng giả, hàng nhái tung hoành. Người tiêu dùng hãy cẩn trọng, lựa chọn những cơ sở uy tín. Tìm hiểu thông tin về hàng hoá trước khi mua để tránh “tiền mất tật mang”.

(Theo Dân trí)