Chia sẻ với chúng tôi, ông Lê Minh (Sa Pa, Lào Cai) cho biết, hiện ông đang tiếp cận một cây tùng du sam nghìn năm tuổi ở đất nước Lào. Đây là dòng tùng quý, ở Việt Nam gần như đã cạn kiệt. Theo đó, cây tùng du sam quý hiếm này cao hơn 10m, đường kính thân gần 1m. Sở dĩ cây có giá cao bởi toàn thân u bướu, u cục rất quái dị.
“Nếu thân cây không u cục thì giá rẻ, vì rất hiếm để tìm được một cây nào mà toàn thân như vậy. Đây có thể được gọi là “quái kiệt” trong dòng tùng”, ông Minh nói.
Cây tùng du sam “khủng” hiện ở trong rừng thuộc Lào. Cây cao hơn 10m, đường kính gốc gần 1m. |
Được biết trong dòng cây tùng, tùng du sam được liệt vào dòng quý hiếm bậc nhất. Ở Việt Nam, tùng du sam được xếp vào nhóm thực vật nguy cấp cần được bảo vệ nghiêm ngặt. Loại cây này phân bố ở khu vực đồi núi và các thung lũng có độ cao 200m đến 1.000m. Cây có thể cao đến 40m – 50m. Lá kim, dài 2-6,4cm và rộng 3,6-4,2m.
Gỗ du sam thớ mịn, màu vàng nhạt và có hương thơm đặc trưng dùng làm đồ mỹ nghệ, nội thất, xây dựng. Cây tùng du sam này nếu làm tạo tác làm cây cảnh đặt trong khuôn viên biệt thự thì chúng có giá cao hơn nhiều so với việc bán gỗ.
"Do cây tùng này sống ở độ cao khoảng 600m so với mực nước biển nên cây này vẫn phát triển tốt ở mọi môi trường, kể cả vùng nóng hay xứ lạnh", ông Minh thông tin.
Toàn thân cây u bướu, nổi u cục, kích thước thân cây phải hai người lớn ôm mới hết. |
Ông Minh cho biết: "Trong khoảng 10 ngày tới, tôi sẽ đưa cây tùng này về Việt Nam, chi phí dự kiến hết 1,6 tỷ đồng. Cách đây mấy năm, tôi có đem một cây nhỏ hơn từ Lào về Việt Nam, sau một thời gian bán được 3 tỷ đồng".
Hiện, cây tùng du sam có kích thước khủng này vẫn nằm sâu trong rừng ở Lào, phải đi bộ gần 2 ngày đi bộ mới tiếp cận được. Vì vậy, việc vận chuyển và bứng cây khá khó khăn và tốn kém chi phí. "Cây này về Việt Nam, sau khoảng 3 năm tạo tác, làm tay cành thì giá trị gấp 10 lần giá đánh về. Thời điểm đó, 16 tỷ đồng chưa chắc đã mua được", ông Minh nói.
“Đa số những cây quý hiếm như thế này các nghệ nhân người Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản tìm mua hết. Đặc biệt, các nghệ nhân Nhật Bản rất thích dòng cây này bởi nó quý hiếm, sau khi tạo tác thành cây cảnh họ bán giá rất đắt”, ông Minh cho hay.
Khoảng 10 ngày tới, ông Minh sẽ đánh cây tùng du sam về Việt Nam nuôi dưỡng, tạo tác thêm tay cành. |
Tuy nhiên, để đánh thành công cây tùng “khủng long” này về Việt Nam không phải dễ dàng bởi đây là cây cổ thụ, yêu cầu người bứng phải có kinh nghiệm và kỹ thuật. "Tôi may mắn học được kỹ thuật đánh cây nên mới dám vào rừng sâu và bỏ số tiền không nhỏ để vận chuyển cây này về Việt Nam", ông cho hay.
Theo đó, những cây cổ thụ trước khi đánh gốc thường phải truyền dịch và chỉ cắt tán cây đi 2/3. Người Nhật có những kỹ thuật siêu đẳng trong việc cứu cây cổ thụ nên họ thường sang Việt Nam mua những cây cổ thụ đã chết, đem về cứu. Sau một thời gian họ bán ra lãi gấp rất nhiều lần.
Ông Minh cho biết, hiện những cây tùng du sam đang “gây bão” ở Việt Nam. Các nhà vườn săn tìm về tạo tác bán lại cho các đại gia nhiều tiền để thỏa mãn thú chơi cây cảnh.
(Theo Dân Việt)