Cho đến nay, hầu như vùng định cư tập trung, phương thức canh tác ruộng bậc thang, kiến trúc nhà ở theo bộ nhà sàn kết hợp với khu chăn nuôi và kho chứa nông sản, lễ hội cộng đồng và tín ngưỡng trò chơi dân gian... đều còn khá nguyên vẹn. Họ cho rằng người La Chí định cư ở Bản Díu (Xín Mần), Bản Phùng và Bản Máy (Hoàng Su Phì) của tỉnh Hà Giang đều có tổ tiên là anh em một nhà.

Người La Chí có cách nấu và ghế cơm bằng hơi nước rất độc đáo. Cơm nấu trong chảo to, cơm sôi thì vớt lên cho vào chõ đồ như đồ xôi. Cơm dỡ ra không bị nát mà khô dẻo nhờ được đồ chín bằng hơi nước nóng. Có nhiều cách giữ thực phẩm để ăn dần như sấy khô, làm thịt chua là phổ biến nhất. Da trâu sấy khô là món ăn rất được ưa chuộng.

Họ thích để răng đen. Răng càng đen càng đẹp. Thanh niên thích bịt răng vàng coi đó là hình thức làm duyên làm dáng, dấu hiệu của sự trưởng thành.

Khác với nhiều dân tộc thiểu số ở phía Bắc, trang phục truyền thống của người La Chí chủ yếu là màu đen, hoa văn nhã nhặn. Trước đây, nam giới La Chí mặc áo năm thân dài tới bắp chân, ngày nay áo được thiết kế ngắn hơn. Chiếc quần lá tọa và đầu quấn khăn nhuộm chàm.

Trang phục của phụ nữ La Chí gồm áo tứ thân xẻ ngực, bên trong có yếm thêu tay, thắt lưng bằng vải. Khăn đội đầu của phụ nữ La Chí được dệt bằng vải chàm, thêu trang trí bằng các màu chỉ khác. Cả thắt lưng và khăn đội đầu đều có cách buộc, quấn riêng, để vừa có thể giúp người phụ nữ thoải mái hoạt động vừa không làm trang phục bị xộc xệch. Ngay cả trang sức của người La Chí cũng đơn giản chỉ gồm vòng tay và vòng tai… tất cả đều được chế tác bằng bạc, hình dáng mảnh mai, nhẹ nhàng.

Phụ nữ phổ biến dùng địu đan bằng giang hoặc địu vải. Địu có quai đeo trên trán. Ðàn ông dùng địu có hai quai đeo vai kiểu địu của người Hmông hoặc dùng đòn gánh đôi dậu. Ði xa người La Chí thường đeo túi vải nhuộm chàm vắt chéo qua vai.

Họ thường sống từng làng ở vùng núi đất các huyện Hoàng Su Phì, Xín Mần (Hà Giang). Mỗi nhà gồm hai phần bằng nhau, mái lồng vào nhau, phần nhà sàn để ở, phần nhà trệt là nơi làm bếp. Phía dưới là nơi chứa củi, nuôi gia súc gia cầm, vệ sinh.

Người La Chí cúng tổ tiên vào các dịp lễ tết. Tổ tiên được cúng ba đời đối với nam, hai đời đối với nữ. Theo phong tục, bố mẹ chôn ngày nào con cái nhớ suốt đời không được gieo giống hay cho vay, mượn vào ngày đó. Ðó không phải là ngày sinh sôi, phát triển. Trong một mái nhà mỗi người đàn ông có một chỗ thờ riêng, theo thứ tự: bố, con trai út, các con trai thứ, trong cùng là của con trai cả. Mỗi bàn thờ được coi là hoàn thành phải qua ba lần cúng dỡ đi lập lại bàn thờ mới. Khu thờ cúng không có ban thờ hay bát hương, chỉ treo một chiếc đầu trâu. Chiếc đầu trâu sẽ luôn đi theo người đàn ông La Chí, cho đến khi mất sẽ được đặt ở ngay đầu mộ chí. 

Thực hiện: Thúy Tình, Lệ Yên, Duy Tiến

Ảnh 360 - Dân tộc La Chí

(Thực hiện: Nhóm PV)