Ế khách, giảm giá

Mùa Tết là cao điểm kinh doanh của các khách sạn. Khác hẳn với không khí nhộn nhịp cách đây 1 năm, những tuyến phố cổ khu vực trung tâm, nơi có nhiều khách sạn phục vụ khách du lịch, giờ đìu hiu vắng vẻ. Không có đào, quất hay cờ hoa trang trí đón Tết, thay vào đó là cảnh khách sạn khoá cửa hay treo biển rao bán.

Ông Nguyễn Tuấn Hải, giám đốc quản lý một khách sạn 5 sao tại quận Hai Bà Trưng, cho biết, thị trường khách sạn hồi phục khá chậm. Với các khách sạn hạng sang, dòng khách chính là khách quốc tế, doanh nhân, khách công vụ nên càng khó khăn hơn. Các khách sạn phải giảm giá mạnh, chỉ còn hơn 1 triệu đồng, mức giá thấp kỷ lục nhiều năm lại đây.

Năm 2020, hàng loạt khách sạn giảm giá, đặc biệt là khách sạn 5 sao giảm giá sâu đến 70-80%. Điển hình như khách sạn Pan Pacific giảm hơn 40% giá phòng Deluxe, còn 1,9 triệu đồng/đêm. Khách sạn Metropole giảm giá còn 1,1-1,5 triệu đồng/đêm bao gồm phòng ngủ thuộc khu vực Opera Wing, sử dụng hồ bơi, phòng gym và một số đồ uống không cồn tại bar...

Khách sạn Hilton Opera còn 1,6 triệu/phòng, khách sạn Daewoo chỉ còn 1,5 triệu/phòng. Các dịch vụ đi kèm như dạy trẻ làm bánh, bơi lội, spa, gym, cà phê ngắm cảnh... đều có giá ưu đãi.

{keywords}
Khách sạn 5 sao đua nhau giảm giá

Hiện giá phòng đã giảm 15-25% nhưng công suất phòng vẫn giảm mạnh. Tình trạng khách sạn năm sao tại trung tâm nhưng công suất phòng chỉ đạt dưới 10% trong nhiều ngày giờ là chuyện bình thường. Một số khách sạn tiết giảm chi phí, giảm giá 30-40%, thậm chí hơn nhưng vẫn không có khách

Nhờ các đợt khuyến mãi, giảm giá sâu vì dịch bệnh, nhiều người đã ung dung tận hưởng khách sạn và dịch vụ chuẩn 5 sao. Tuy nhiên, với các ông chủ khách sạn thì điều này không vui chút nào khi họ phải cắn răng chịu lỗ. 

Báo cáo nghiên cứu thị trường mới đây của Savills Việt Nam cho thấy, công suất trung bình phòng cả năm 2020 giảm 44% trong khi giá thuê trung bình giảm 29%. Phân khúc khách sạn 5 sao vẫn dẫn đầu thị trường về doanh thu buồng phòng trung bình, với 35 USD/phòng/đêm (chưa tới 1 triệu đồng/đêm, phân khúc 4 sao đạt 15 USD/phòng/đêm trong khi phân khúc 3 sao chỉ đạt 9 USD/phòng/đêm.

Nguồn cung toàn thị trường Hà Nội đạt khoảng 10.020 phòng từ 16 khách sạn 5 sao, 19 khách sạn 4 sao và 32 khách sạn 3 sao, ổn định theo quý và tăng 2% theo năm. 

Năm 2020, Hà Nội đón 8,65 triệu lượt khách, giảm 70% so với năm ngoái, trong đó khách quốc tế đạt 1,11 triệu lượt, giảm 84% trong khi khách nội địa giảm 65% xuống còn 7,54 triệu lượt. 

Đua nhau rao bán

Sau nhiều tháng vắng khách kéo dài, không ít khách sạn ở phố cổ Hà Nội đã phải đóng cửa, dán thông báo rao bán. Không khó để tìm thấy các tấm biển rao bán khách sạn 2-3 sao ở khu vực phố cổ. Mức giá bán dao động từ vài chục đến vài trăm tỷ đồng. 

Trên phố Hàng Buồm, một khách sạn cuối năm ngoái rao bán 75 tỷ đồng, gần đây chủ nhà chấp nhận hạ xuống 60 tỷ đồng. Mức giảm 15 tỷ, tương đương 650.000 USD, mà vẫn chưa có giao dịch. 

Một khách sạn khách nằm gần phố đi bộ Tràng Tiền có diện tích 374m2 với 65 phòng được rao bán 650 triệu/m2 (khoảng 254 tỷ đồng). Khách sạn có mặt tiền rộng 9m, được chính chủ rao bán gấp với lý do kinh doanh đình trệ và muốn thu hồi vốn nhanh.

{keywords}
Loạt khách sạn rao bán

Ngoài ra, còn có nhiều khách sạn khác được rao bán như: khách sạn mặt phố Hàng Thiếc 156 m2 giá 74 tỷ đồng; khách sạn mặt phố Chợ Hàng Bè, diện tích 100 m2, giá 75 tỷ; khách sạn mặt phố Hàng Bông diện tích 163 m2, giá 125 tỷ...

Không chỉ các khách sạn nhỏ mà hạng sang cũng được rao bán. Mới đây, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển VN (BIDV) vừa thông báo đấu giá Crystal Palace. Đáng chú ý, hồi cuối năm 2019, tòa nhà này được rao bán với giá gần gấp rưỡi mức giá hiện nay là 540 tỷ đồng.

Tương tự, một khách sạn 5 sao sát biển ở Nha Trang, do một tập đoàn quản lý khách sạn nổi tiếng thế giới quản lý, cũng đang được chào giá 1.500 tỷ đồng, giảm khoảng 10%; ở Phú Quốc có khách sạn 4 sao khu trung tâm rao giá 700 tỷ đồng, giảm khoảng 15%...

Theo dự báo, tình hình kinh doanh dịch vụ khách sạn còn xấu đi, nguy cơ một cuộc bán tháo khách sạn hạng sang sắp diễn ra. Tuy nhiên, theo TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, khó có cơ hội cho các nhà đầu tư mua được khách sạn với giá hời.

Lý do là bởi nhiều chủ khách sạn, bất động sản nghỉ dưỡng kêu khó khăn nhưng chưa chấp nhận bán rẻ. Ông Khương cho rằng, thị trường khách sạn thời gian tới sẽ càng khó khăn vì phụ thuộc nhiều vào tình hình dịch bệnh.

Do đó, ngành khách sạn tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức. Tại Hà Nội, 3 khách sạn với khoảng 200 phòng vẫn phải tạm đóng cửa do dịch bệnh và sửa chữa. Còn tại TP.HCM, thị trường có hơn 1.400 phòng tiếp tục đóng cửa, nguồn cung tăng trưởng không chắc chắn.

Chuyên gia kinh tế dự báo, tình trạng ế ẩm của các khách sạn cao cấp sẽ kéo dài ít nhất 1-2 năm nữa. Nguyên nhân là do tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, ngành du lịch được dự báo còn “đóng băng” đến hết 2021 mới có thể dần vực dậy. 

Theo Tourism Economics, khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APAC) dự kiến sẽ phục hồi nhanh hơn và trước 2024, 97% các quốc gia sẽ có số lượng khách quốc tế vượt mức trước khi đại dịch bùng phát. Cùng thời gian đó, Việt Nam dự kiến đón 18 triệu khách quốc tế, ngang với năm 2019.

Duy Anh