Bên khối tài sản khổng lồ cùng uy tín doanh nghiệp, ít ai biết doanh nhân Việt từng có khởi đầu hết sức vất vả. Có người phải chăn trâu, kéo cày, thậm chí đi ở, dọn chuồng lợn.

Bầu Đức: 10 năm chăn trâu, kéo cày, 4 lần trượt đại học

Ông chủ Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai Đoàn Nguyên Đức sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo. Mẹ tần tảo làm ruộng nuôi 9 anh em ăn học. Công việc hàng ngày của bầu Đức sau thời gian học là chăn trâu. 10 năm dắt trâu ra đồng, kéo cày, xẻ đất, ông chỉ có tâm nguyện duy nhất là học thật giỏi, đậu đại học và có một cái nghề để thoát ra khỏi cuộc sống bần hàn.

Năm 1982, ông vào TP HCM thi đại học, nhưng cả 4 lần đi thi, bầu Đức đều không đạt kết quả như ý muốn. Không đạt được ước nguyện bằng con đường học vấn, bầu Đức chọn con đường khởi nghiệp riêng không qua trường học mà bằng trường đời.

{keywords}

 4 lần trượt đại học, bầu Đức chọn con đường khởi nghiệp bằng trường đời.

22 tuổi, không tiền, không nghề nghiệp nhưng nuôi khát vọng làm giàu, bầu Đức đã làm đủ mọi nghề để nuôi sống bản thân, tích góp kinh nghiệm và tìm lối đi riêng. Sau một thời gian làm thuê, năm 1990, ông mở phân xưởng nhỏ chuyên đóng bàn ghế cho học sinh tại quê nhà. Ông tự tay làm ra sản phẩm đầu tiên là chiếc bàn cho học sinh. Sau đó ông mở rộng hoạt động kinh doanh sang sản xuất đồ nội thất rồi nhiều lĩnh vực khác, để hình thành nên tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai ngày nay.

Nữ tướng REE Nguyễn Thị Mai Thanh: 6 năm làm lính quân y

Là con gia đình có truyền thống quân đội, bà Mai Thanh sớm gia nhập quân ngũ vào tháng 5/1968. Khi đó, bà chủ của công ty cổ phần Cơ điện Lạnh (REE) mới chỉ là cô nữ sinh 16 tuổi, với nhiệm vụ đầu tiên là tham gia khóa học đào tạo dược tá tại Sư Đoàn 9 chiến đấu khu Đ, miền Đông Nam Bộ. Công việc của một người lính quân y theo bà đến suốt 6 năm sau đó, trước khi được cử ra miền Bắc học văn hóa vào năm 1973.

{keywords}

Bà chủ REE từng có 6 năm là lính quân y.

Tốt nghiệp Đại học Kỹ thuật Karl Marx Stadt (Đức) năm 1982, bà Mai Thanh trở về làm việc tại Xí nghiệp liên hợp Thiết bị Lạnh với vị trí kỹ sư. Năm 1985, bà Thanh được bổ nhiệm làm phó giám đốc, và trở thành Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc REE sau đó 10 năm. REE dưới sự dẫn dắt của bà đã phát triển từ một xí nghiệp cơ khí cũ kỹ, sản xuất thiết bị điện lạnh cho các nhà máy nước đá, thành một thương hiệu trị giá 200 triệu USD. Đây được biết đến là công ty Việt Nam đầu tiên cổ phần hóa, đầu tiên niêm yết trên thị trường chứng khoán, đầu tiên phát hành trái phiếu chuyển đổi...

Bà Mai Thanh và gia đình hiện đang nắm giữ lượng cổ phiếu REE trị giá hơn 900 tỷ đồng, trong đó cá nhân bà khoảng 300 tỷ đồng.

“Vua” cà phê Đặng Lê Nguyên Vũ: Bẻ ngô, nuôi lợn, bỏ trường y

Người sáng lập, chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn cà phê Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ sinh năm 1971 tại Khánh Hoà, trong một gia đình nông dân nghèo. Tuổi thơ đi học của ông “vua” cà phê Việt là những ngày bẻ ngô, chăm lợn và giúp mẹ đóng gạch, lội bộ trên con đường đất đỏ dài 15km suốt 9 năm đến trường.

{keywords}

Là một học sinh giỏi, năm 1990, ông Vũ thi đậu Đại học Y Tây Nguyên. Vừa đi học, ông vừa làm thêm kiếm sống.

Sinh ra trong gia đình nghèo khó, học giỏi, nhưng học y đến năm thứ 3, "vua" cà phê chợt nhận ra mình không muốn làm bác sĩ, và bỏ học tìm mọi cách đến với cà phê.

Khi đang học năm thứ ba, chợt nhận ra mình không muốn trở thành bác sĩ, ông bỏ học tìm đến với cà phê. Năm 1996, cùng với sự hợp tác ban đầu của 3 người bạn, ông Vũ lập nên "Hãng Cà phê Trung Nguyên", là một cơ sở vài m2, chiếc máy rang thủ công cũ kỹ, một quán cà phê nhỏ ở Buôn Mê Thuột và giao cà phê rang xay cho các quán khác. Năm 1998, cà phê của Trung Nguyên mở ở TP.HCM, được nhắc đến như là doanh nghiệp đầu tiên kinh doanh mô hình nhượng quyền thương hiệu, và bắt đầu xuất hiện các quán cà phê nhượng quyền thương hiệu Trung Nguyên.

Với mô hình kinh doanh thành công này, từ năm 2000, thương hiệu Trung Nguyên và cái tên Đặng Lê Nguyên Vũ được nhiều người biết đến.

Lão doanh nhân Tư Hường: Làm người ở, học may, bán hàng...

Bà Tư Hường sinh ra ở Bình Định, là con thứ tư trong một gia đình nghèo khó đông anh em. Nhà nghèo, bà phải đi làm thuê, làm đủ nghề từ buôn dầu dừa, đậu phộng, nhuộm đồ, đến may vá, buôn vải, mối rượu... để có tiền lo cho gia đình. Bà Tư Hường từng chia sẻ rằng: "Mình lớn lên trong hoàn cảnh gia đình thất bát, từng làm người ở, học may, bán hàng,...". Sau khi lấy chồng, bà làm về công nghiệp 5 năm, rồi bắt đầu tham gia lĩnh vực bất động sản, đây cũng là “cửa” đi lên của doanh nhân này.

{keywords}

Là một doanh nhân giàu có, ít ai biết lão doanh nhân Tư Hường từng làm đủ nghề cực nhọc nhất để mưu sinh.

Từ đầu những năm 90, bà Hường đã nổi tiếng với hai phi vụ thu lời hàng chục triệu USD trong ngành đồ uống. Đó là đầu tư 15 triệu USD để xây dựng Nhà máy bia Vinagel rồi bán lại cho San Miguel giá 25 triệu USD. Sau đó, bà Tư Hường bỏ ra 5 triệu USD để xây dựng nhà máy nước giải khát rồi tiếp tục bán lại cho Lipovital với giá 17 triệu USD. Năm 1993, bà thành lập công ty TNHH Hoàn Cầu, chuyên hoạt động trong lĩnh vực bất động sản và sản xuất vật liệu xây dựng. Bà cũng từng có thời gian giữ chức vụ Phó Chủ tịch công ty CP Đầu tư Xây dựng và khai thác công trình giao thông 584 (NTB).

Sự kiện khiến tên tuổi bà Tư Hường được nhiều người biết đến nhất là trở thành nhà đồng tài trợ cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ thế giới (Miss Universe) tổ chức tại Việt Nam năm 2008. Hiện tại, gia đình bà Hường tham gia chủ yếu vào 2 lĩnh vực bất động sản và ngân hàng.

"Chúa đảo" Tuần Châu: Rời quân ngũ là dọn chuồng lợn, bưng bia

Sinh năm 1954, ông Đào Hồng Tuyển từng là chiến sĩ trong binh đoàn tàu không số thời chống Mỹ. Rời quân ngũ vào những năm 80 với số tiền trợ cấp xin việc ít ỏi, ông ở lại TP HCM lập nghiệp. Công việc của ông Tuyển trong những năm đầu là dọn chuồng lợn, bưng bia tại các quán nhậu. Ông cho biết, nhiều lúc phải lang thang khắp Sài Gòn, ngủ trên vỉa hè, gara ô tô, công viên và trên chính ngoài thềm ngôi nhà tại TP HCM của mình bây giờ.

{keywords}

Sau khi thành đạt, ông đã quyết định mua lại căn nhà như một lời nhắc nhở bản thân về một thuở hàn vi.

Trước khi trở thành một trong những người giàu nhất Việt Nam, ông Đào Hồng Tuyển là người lính rời quân ngũ, phải mưu sinh vất vả kiếm sống khắp Sài Gòn.

Năm 1997, dưới danh nghĩa là chủ tịch công ty TNHH Âu Lạc, ông Tuyển thực hiện dự án được xem là "điên rồ" nhất vào thời đó, là đổ 80 tỷ đồng lấy đất lấp biển, xây dựng con đường độc đạo dẫn từ đất liền ra đảo Tuần Châu, đổi lại được khai thác 98 ha đất trên đảo. 3 năm sau, con đường hoàn thành, 15 năm tiếp theo là thời gian ông Tuyển cho xây dựng 110 km đường quanh đảo, 55 công trình giải trí và biệt thự, bến du thuyền, đưa diện tích khai thác trên đảo từ 98 ha lên gần 700 ha. Từ đây, người ta cũng gọi ông là “Chúa đảo”, và trở thành một trong những người giàu nhất Việt Nam.

Mẹ chồng Hà Tăng: Từ diễn viên đến bà chủ đế chế hàng hiệu

Bà Lê Hồng Thủy Tiên sinh ra tại Hà Nội năm 1970. Cha bà qua đời khi bà mới 5 tuổi, mẹ là giáo viên, phải nuôi 6 người con trong tình cảnh hết sức khó khăn. Trước khi dấn thân vào nghiệp kinh doanh, Thủy Tiên từng làm diễn viên điện ảnh (thủ vai chính trong bộ phim “Vị đắng tình yêu” ). Năm 1993, sau khi tốt nghiệp đại học, bà được tuyển vào làm tiếp viên hàng không của Vietnam Airlines. Trong khi làm tiếp viên hàng không, bà đã gặp chồng, ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch tập đoàn IPP Group hiện tại.

{keywords}

Bà chủ đế chế hàng hiệu từng là diễn viên điện ảnh, tiếp viên hàng không. Nhờ chồng, bà bước chân vào lĩnh vực kinh doanh siêu thị khi mới 25 tuổi. Và chính bà đã đưa niềm đam mê và cái nhìn sắc bén về thời trang cao cấp vào Việt Nam.

Bà Thủy Tiên hiện là Tổng giám đốc Tập đoàn IPP. Tập đoàn của bà đang quản lý 25 công ty đầu tư vốn cổ phần tư nhân và đầu tư mạo hiểm. Những công ty này là nhà phân phối độc quyền cho các thương hiệu cao cấp, đầu tư vào các trung tâm thương mại với doanh thu hàng năm lên tới hơn 500 triệu USD.

Dũng "lò vôi": Nghiệp kinh doanh gắn từ quân ngũ

Ông Huỳnh Uy Dũng với biệt danh quen thuộc Dũng "lò vôi" sinh năm 1961, tại Bình Định. Chưa học hết lớp 12, ông nhập ngũ và tham gia Chiến tranh biên giới Tây Nam, phục vụ công tác hậu cần ở Quân khu 5, rồi Quân khu 7, làm nhiệm vụ tiếp tế cho bộ đội ngoài chiến trường.

Một kỷ niệm khiến ông Dũng nhớ nhất trong đời, là dịp được phân công chở heo tiếp tế cho bộ đội ngoài chiến trường. Nhưng heo chở được tới nơi thì chết sạch vì đường xa. Sau nhiều đêm suy nghĩ, ông Dũng quyết định những chuyến sau là chở muối lên bán cho bà con trong vùng mà không chở heo. Bán muối xong, ông lấy tiền mua heo tại chỗ cho anh em chiến sĩ dùng bữa.

{keywords}

Vợ chồng ông Dũng "lò vôi" và cậu con trai mới 1 tuổi đã thừa kế khối tài sản ngàn tỷ của cha mẹ.

Khi chuyển về công tác ở bộ phận hậu cần thuộc Công an thị xã Thủ Dầu Một, thấy cuộc sống quá khổ, ông phát triển ý tưởng làm lò vôi, sản xuất các loại vôi quét tường, vôi bột công nghiệp... Cái tên Dũng “lò vôi” bắt đầu từ khi đó.

Sau đó, ông về làm giám đốc công ty sơn mài Thành Lễ, từ đây ông còn có biệt danh là Dũng Thành Lễ. Để có được giấy phép kinh doanh của tỉnh Bình Dương, ông Huỳnh Uy Dũng từng làm một điều mà giới đầu tư cho là “khùng”, khi quyết định rót vốn vào khu công nghiệp đầu tiên của Việt Nam, đó là khu công nghiệp Bình Đường. Sau Bình Đường, ông tự đứng ra đầu tư 2 khu công nghiệp khác là Sóng Thần 2 và Sóng Thần 3, cùng với nhiều dự án khu dân cư khác.

Khu du lịch Đại Nam Văn Hiến được ông Dũng “lò vôi” xây dựng từ tháng 9/2007, với mục tiêu trở thành khu du lịch lớn nhất Đông Nam Á diện tích 700ha. Dự án này cũng khiến ông chủ Đại Nam mang tiếng “hâm hâm”, với “ước mơ ngu xuẩn” khi rót 5.000 tỷ đồng và huy động 2.000 nhân công xây dựng. Năm 2013, vợ chồng đại gia này khiến dư luận ồn ào khi ủy quyền, trao khối tài sản khổng lồ cho con trai 1 tuổi Huỳnh Hằng Hữu trong ngày thôi nôi.

(Theo Zing)