- Giữ hoặc giảm chỉ tiêu nhưng phải đảm bảo uy tín, nâng chất lượng đào tạo là câu hỏi khó đối với các trường ĐH-CĐ trong những năm tới.

Tại hội nghị triển khai “Chiến lược phát triển giáo dục” và “Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục”sáng 23/1, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận phát đi thông điệp "mong hiệu trưởng, lãnh đạo các ĐH,CĐ,TCCN tập trung nâng chất lượng, giữ gìn thương hiệu và uy tín của trường...."

VietNamNet ghi lại ý kiến của các trường ĐH "đáp" lại thông điệp của Bộ trưởng.

Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Nguyễn Văn Minh: "Sẵn sàng khẳng định chất lượng"

Việc đào tạo giáo viên hiện nay ở một số trường chưa gắn với nhu cầu thực tế của địa phương, trong khi chủ trương của Đảng và Nhà nước coi đây là nguồn lực 'xương sống' cho sự phát triển của đất nước.

Hiệu trưởng Nguyễn Văn Minh (Ảnh: Văn Chung)

Hiện, đang có sự bất bình trong khâu xét tuyển và đào tạo giáo viên. Một số trường điểm đầu vào ngành sư phạm quá thấp. Việc đánh giá kết quả học tập ở mỗi nơi có sự chênh lệch, trường chặt trường lỏng.

Tôi không tin có thể biến một học sinh trung bình sau 4 năm học ĐH trở thành sinh viên xuất sắc được.

Việc đánh giá thiếu chặt chẽ của trường và nhà tuyển dụng dựa vào bằng cấp khiến SV trường tôi nhiều thua thiệt.

Được chọn là trường trọng điểm đào tạo nguồn lực sư phạm cho cả nước nhưng thực tế trường chưa được tạo cơ chế, chính sách. Không chờ đợi, chúng tôi phải tìm nhiều nguồn, tận dụng các học bổng trình độ cao để bồi dưỡng sinh viên giỏi.

Hiện 35-45% giảng viên của chúng tôi thạc sĩ, tiến sĩ. Trường sẵn sàng khẳng định, đảm bảo chất lượng sinh viên ra trường trước yêu cầu của xã hội.

Giám đốc ĐH Thái Nguyên Đặng Kim Vui: "Để xã hội quyết định"

Mấy năm gần đây, giữ gìn và nâng cao chất lượng thương hiệu là lo lắng thường trực của chúng tôi cũng như nhiều trường. Đang có sự cạnh tranh mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng giữa các trường.

Giám đốc Đặng Kim Vui (Ảnh: X.Trung)

Nhận thấy việc mở rộng quy mô đào tạo ở một số ngành quá nóng, năm 2012 trường đã xin giảm chỉ tiêu tuyển sinh 10% so với năm 2011.

Đây là khó khăn khi nguồn thu chính từ học phí giảm trước nhiệm vụ phải nâng chất lượng. Trường phải giảm tích lũy đầu tư cho cơ sở vật chất chuyển sang cho giảng viên song song với các nguồn từ hợp tác quốc tế.

Chúng tôi coi nhằm nâng chất lượng đội ngũ giảng viên là khâu then chốt để nâng chất lượng và uy tín nhà trường. Hiện trường có 350/3000 giảng viên đạt trình độ thạc sĩ, tiến sĩ. Theo yêu cầu của Bộ, từ nay đến hạn chót là năm 2015, những giảng viên chỉ có trình độ cử nhân sẽ phải loại bỏ.

Về chất lượng SV: thực tế một số ngành đào tạo, ở một số nơi do yêu cầu khắt khe của nhà tuyển dụng SV của trường hơi yếu thế.

Trường không tuyên bố khẳng định thương hiệu nhưng đảm bảo chuẩn đầu ra theo quy định đào tạo tín chỉ hiện hành. Thực tế 25-30% cán bộ của các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc do trường đào tạo ra. Nhiều trong số này hiện đang đảm nhiệm chức vụ quan trọng ở các các cơ quan, ban ngành.

Với nhiều khó khăn trên, trường mong Bộ sớm có quy hoạch mạng lưới trường ĐH-CĐ-TCCN cũng như quy hoạch nguồn nhân lực và đầu tư tài chính để các trường tập trung nâng chất lượng đào tạo.

Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội Nguyễn Cảnh Lương: "Từ 2013 không tuyển sinh hệ cao đẳng"

Đòi hỏi tăng học phí của các trường là chính đáng. Nhưng muốn tăng phải đi kèm cam kết đảm bảo chất lượng đào tạo.

Phó Hiệu trưởng Nguyễn Cảnh Lương. (Ảnh: Văn Chung)

Trong bối cảnh khó khăn chung của đất nước, ngân sách chi cho giáo dục chắc chắn không thể đáp ứng toàn bộ nhu cầu tài chính của các trường. Việc cần làm lúc này của các trường là phải đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ tạo nguồn thu chính đáng. Không chỉ giữ mà từng trường phải nghĩ cách nâng chất lượng lên.

Với riêng Trường ĐH Bách khoa HN, từ 2013 trường sẽ không tuyển sinh hệ cao đẳng, tập trung đào tạo hệ đại học và sau đại học nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao của đất nước.

Hiệu trưởng Trường ĐH DL Hải Phòng Trần Hữu Nghị: "Khó tồn tại khi tuyển sinh giảm"

Suốt 15 năm từ khi thành lập, chúng tôi khẳng định về cơ sở vật chất, điều kiện học tập và sinh hoạt của SV trong trường không thua kém ĐH nào trên cả nước. Hiện 82% GV của trường có trình độ từ thạc sĩ đến giáo sư. Nếu tính số đang được đi học thì xấp xỉ 100%. 

Hiệu trưởng Trần Hữu Nghị

Trong khi các trường công muốn tăng học phí thì SV của chúng tôi chỉ phải đóng hơn so với trường công lập (gần 10 triệu đồng/năm). Nhờ quản lí tốt nên lương của GV vẫn cao hơn các trường công lập từ 2 đến 3 lần.

Chất lượng của trường được khẳng định bằng việc SV ra trường kiếm được việc làm luôn đạt trên 80%, có năm như 2008 là 93,46%. Trường cũng đưa các tiêu chuẩn đánh giá của khu vực và thế giới áp dụng với SV, GV.

Thậm chí SV muốn tốt nghiệp phải đạt tiêu chuẩn điểm TOEIC từ 500-600, có chứng chỉ tin học của quốc tế. Thực tế, nhiều em đầu vào điểm chỉ bằng sàn nhưng ra vẫn làm tốt công việc của mình.

Song với cơ chế thi, xét tuyển ĐH như 2012 vừa qua khiến các trường ngoài công lập như chúng tôi đứng trước nguy cơ đóng cửa vì không tuyển đủ hoặc tuyển được quá ít chỉ tiêu.

  • Văn Chung (ghi)