Tại Hội nghị về phát thanh, truyền hình mới đây, ông Phạm Thanh Xuân, Phó Giám đốc Đài PT-TH tỉnh Vĩnh Long nêu ra một số khó khăn trong hoạt động sản xuất nội dung của các đài truyền hình địa phương, trong đó có vấn đề về quyền kinh doanh khai thác nội dung chương trình của các đài bị hạn chế.

Theo ông Xuân, căn cứ vào Nghị định 06/2016/NĐ-CP các đài chỉ được quảng bá mà không được phép kinh doanh nội dung trên Internet, chỉ có doanh nghiệp mới được triển khai dịch vụ này. Như vậy, các đài muốn khai thác nội dung phải thành lập doanh nghiệp, không có doanh nghiệp không triển khai được. Quy định này gây hạn chế cho các đài địa phương, hiện nhiều Đài đã tự chủ về tài chính nếu chỉ được quảng bá chương trình thôi mà không được kinh doanh, khai thác nội dung thì các Đài sẽ không có nguồn kinh phí để tái đầu tư sản xuất chương trình, điều này cũng trái với quy định của Luật Doanh nghiệp. Bởi vì theo Nghị định 16/2015/NĐ-CP đã cho phép các đơn vị sự nghiệp tự chủ về tài chính được vận dụng cơ chế hạch toán tài chính như doanh nghiệp. Luật Doanh nghiệp cũng cho phép các doanh nghiệp được phép kinh doanh những dịch vụ pháp luật không cấm.

Ông Xuân kiến nghị nhà nước tạo cơ chế thông thoáng cho các Đài PT-TH để có thể đẩy mạnh hoạt động kinh doanh trên Internet, khai thác nội dung chương trình nhằm tạo thêm nguồn thu để tái đầu tư vào hoạt động sản xuất chương trình.  

Cũng theo ông Xuân, Nghị định 06/2016 cho phép các đơn vị truyền hình trả tiền phát sóng kênh truyền hình thiết yếu mà không cần thỏa thuận bản quyền. Điều này là thiếu tôn trọng về quyền chủ sở hữu của các đài và không phù hợp với các quy định của Luật sở hữu trí tuệ về quyền tác giả và các quyền liên quan khác, cũng như các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia ký kết. Gần đây tại các hội nghị có đề cập đến vấn đề này và Bộ TT&TT đã có điều chỉnh kịp thời, hướng dẫn đơn vị sử dụng phải có thỏa thuận về bản quyền chương trình các kênh thiết yếu với với các đơn vị sở hữu, tuy nhiên chưa được cụ thể hóa bằng văn bản. Do đó, ông Xuân đề nghị Bộ TT&TT sớm ban hành văn bản quy định cụ thể về vấn đề bản quyền chương trình các kênh thiết yếu.

Liên quan đến việc đưa thông tin lên mạng xã hội, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đã nhắc nhở các đài truyền hình hết sức lưu ý khi đưa thông tin lênmạng xã hội. Thời gian gần đây, Bộ TT&TT đã làm quyết liệt về việc mạng xã hội nước ngoài có cài quảng cáo của các nhãn hàng lớn trên các clip có nội dung độc hại, thậm chí còn có trường hợp dùng clip độc hại cài vào trang web của các cơ quan báo chí chính thống của chúng ta.

“Có lần tôi đã từng gọi trực tiếp cho Tổng biên tập một tờ báo khi phát hiện bị clip sex cài vào trong trang báo điện tử, xảy ra chuyện này là do lỗi của cơ quan báo chí không kiểm soát kỹ nội dung quảng cáo. Đây là cảnh báo với các đài truyền hình, nếu xảy ra thì các đài phải chịu trách nhiệm”, Bộ trưởng nêu rõ.

Theo Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, việc lựa chọn nội dung phát trên nhiều kênh chương trình thiết yếu chưa phù hợp, nội dung giải trí thời lượng nhiều hơn nội dung thiết yếu. Các đài truyền hình phải lưu ý kênh quảng bá không phải kênh trả tiền, phải tập trung sản xuất nội dung phục vụ cho đồng bào vùng sâu, vùng xa. Bộ trưởng đề nghị các đài PT-TH tập trung sản xuất nội dung bám sát các vấn đề quan trọng của đất nước, đẩy mạnh tuyên truyền đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, tư tưởng Hồ Chí Minh, tuyên truyền nội dung về các cuộc vận động của Đảng và nhà nước.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn cũng đề nghị các đài PT-TH phải tập trung năng lực để tự nâng cao khả năng sản xuất chương trình của mình. Không được để truyền hình bị tụt hậu so với các mạng xã hội. Sản xuất chương trình là vấn đề sống còn, vấn đề cốt tử của các đài. Làm tốt nội dung rồi các mạng xã hội sẽ mua nội dung chương trình, thậm chí có những nội dung không phải cần phát ở đài nào mà vẫn thu được tiền, vẫn có người xem. Đối với các chương trình liên kết, xã hội hóa phải nắm được quyền chủ động trong các hoạt động liên kết, không để đối tác thao túng. Đừng để liên kết trá hình thành hiện tượng “bán kênh, bán sóng”, để tư nhân thao túng nội dung chương trình.