Người dân có niềm tin, tiền gửi vào ngân hàng cao kỷ lục

Theo số liệu vừa được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố, lượng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng vẫn tăng mạnh và đạt gần 12,7 triệu tỷ đồng vào cuối tháng 9/2023 cho dù lãi suất tiền huy động giảm nhanh trong nhiều tháng qua, xuống còn 3-5%/năm cho kỳ hạn 6 tháng.

Tới cuối tháng 9, người dân gửi thêm hơn 538 nghìn tỷ đồng (khoảng 22 tỷ USD), tương đương mức tăng 9,95% so với cuối năm 2022. Còn các tổ chức gửi thêm gần 277 nghìn tỷ đồng (khoảng 11 tỷ USD), tăng 4,65% so với cuối năm 2022.

Lượng tiền gửi ngân hàng tăng mạnh và lên mức cao kỷ lục phần nào cho thấy dòng tiền vẫn ưu tiên chảy vào kênh tiết kiệm, thay vì đổ vào các kênh khác. Người dân và tổ chức vẫn tin tưởng gửi tiền vào các tổ chức tín dụng.

Các vụ việc tại Ngân hàng SCB liên quan tới Vạn Thịnh Phát hay trước đó là một số ngân hàng bị Nhà nước mua lại với giá 0 đồng… đã không ảnh hưởng tới khoản tiền tích lũy của người dân và chưa làm xói mòn niềm tin đối với hệ thống.

Trên thực tế, sau khi Chủ tịch Vạn Thịnh Phát - Trương Mỹ Lan bị bắt hồi tháng 10/2022, có tình trạng người dân xếp hàng rút tiền tại Ngân hàng SCB. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước đã nhanh chóng đảm bảo thanh khoản, đồng thời tăng cường tuyên truyền để ổn định hệ thống.

Trước đó, hệ thống tài chính cũng đã chứng kiến những vụ việc tại Đông Á Bank, và tại 3 ngân hàng sau đó đã được bị chuyển giao bắt buộc, gồm OceanBank, GPBank, CBBank. Xa hơn nữa là vụ việc tại Ngân hàng ACB…

Tuy nhiên, ở tất cả các sự kiện ngân hàng thương mại gặp khó, Ngân hàng Nhà nước đều đã đứng ra đảm bảo thanh khoản và xử lý êm đẹp mọi việc. Tiền gửi của người dân được đảm bảo. Các ngân hàng yếu kém dần được tái cấu trúc và sắp được chuyển giao cho các tổ chức có tiềm lực tài chính mạnh.

taichinhtoandien hh ok.gif
Niềm tin giúp giữ an toàn hệ thống, đồng thời thúc đẩy tài chính toàn diện, đặc biệt với người nghèo. (Ảnh: Hoàng Hà)

Niềm tin đối với hệ thống ngân hàng được giữ vững trong hai thập kỷ qua. Đây cũng là cơ sở để các tổ chức tín dụng huy động vốn cho nền kinh tế.

Bên cạnh nỗ lực đảm bảo của NHNN, những người gửi tiền, đặc biệt là đối tượng người nghèo, ít thông tin về tài chính ngân hàng còn có một công cụ bảo hiểm giảm bớt rủi ro là bảo hiểm tiền gửi.

Tại Luật Các tổ chức tín dụng 2010, Việt Nam cho phép ngân hàng, các tổ chức tín dụng được yêu cầu tòa án tuyên bố phá sản. Theo đó, một ngân hàng có thể bị coi là phá sản khi ngân hàng đó rơi vào trạng thái mất khả năng thanh toán, không thể thực hiện nghĩa vụ tài chính với khách hàng.

Do ngân hàng được phép phá sản, nên để giảm thiểu rủi ro cho người gửi, Luật Bảo hiểm tiền gửi 2012 yêu cầu các ngân hàng nhận tiền gửi của cá nhân phải tham gia bảo hiểm tiền gửi, trừ ngân hàng chính sách.

Hệ thống an toàn, thúc đẩy tài chính toàn diện

Khi có bảo hiểm tiền gửi, người gửi tiền sẽ được chi trả một khoản tiền trong hạn mức khi ngân hàng phá sản.

Trước đây, theo Quyết định 21/2017/QĐ-TTg, số tiền bảo hiểm được trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm theo quy định của Luật bảo hiểm tiền gửi (gồm cả gốc và lãi) của một cá nhân tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi tối đa là 75 triệu đồng. Điều đó có nghĩa là ngân hàng phá sản thì người gửi tiền được chi trả tối đa 75 triệu đồng.

Tuy nhiên, theo Quyết định 32/2021/QĐ-TTg về hạn mức trả tiền bảo hiểm mới, số tiền tối đa bảo hiểm trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm (cả gốc và lãi) của một người tại một ngân hàng khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm là 125 triệu đồng. Ngoài việc nhận tiền bảo hiểm, người gửi còn có thể được nhận tiền đền bù từ hoạt động thanh lý tài sản của ngân hàng phá sản.

Có thể thấy, bảo hiểm tiền gửi và nỗ lực đảm bảo hệ thống của Ngân hàng Nhà nước giúp gia tăng niềm tin của công chúng vào hệ thống các tổ chức tín dụng và từ đó khơi nguồn thúc đẩy tiền gửi tiết kiệm với đối tượng người nghèo. Nó cũng giúp bảo vệ người gửi tiền nhỏ lẻ.

Từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2008, vấn đề tài chính toàn diện được nhiều quốc gia, tổ chức đặc biệt quan tâm.

Trên thế giới, đa số các tổ chức bảo hiểm tiền gửi đặt mục tiêu chính sách công là bảo vệ người gửi tiền nhỏ lẻ, thông qua các hoạt động như giáo dục tài chính, nâng cao nhận thức công chúng…

Còn tại Việt Nam, chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 cũng đã đề ra nhóm giải pháp về bảo vệ người tiêu dùng tài chính là: giáo dục tài chính, nâng cao năng lực và kiến thức tài chính; bảo vệ người tiêu dùng tài chính.

Thời gian qua, NHNN đã có nhiều chính sách hợp lý để đảm bảo an toàn hệ thống, duy trì ổn định tỷ giá và giữ lạm phát ở dưới mức mục tiêu đúng như vai trò của tổ chức này. Trong khi đó, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã có nhiều thay đổi tích cực trong việc triển khai chính sách bảo hiểm tiền gửi phù hợp với định hướng của hoạt động tài chính toàn diện.

Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam hiện bảo vệ tiền gửi của người gửi tiền tại 1.280 tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, gồm 96 ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, hơn 1.000 quỹ tín dụng nhân dân và các tổ chức tài chính vi mô... Đặc biệt, người gửi tiền tại quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô là những đối tượng mục tiêu chính của hoạt động tài chính toàn diện.

Mạnh Hà