Trước tình trạng giá trứng gia cầm các loại tăng giá mạnh sau khi Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, trao đổi với PV. VietNamNet, ông Nguyễn Văn Kho - chủ một trang trại gà Ai Cập đẻ trứng tại Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) - cho biết, khoảng một tuần trở lại đây, giá trứng gà Ai Cập mỗi ngày một khác. Cứ hôm sau tăng hơn so với ngày hôm trước 1-2 giá (tức tăng thêm 1.000-2.000 đồng/chục quả).

Giữa tháng 7, giá trứng gà loại này chỉ khoảng 23.000-25.000 đồng/chục quả xuất bán tại chuồng. Đến nay, giá trứng tăng lên 31.000 đồng/chục quả. Nhà ông mỗi ngày thu 7.000 quả trứng, dân buôn trong huyện tranh nhau đến tận trại gom mua.

“Ngày trước, khi giá rẻ họ còn chọn lựa và loại ra rất nhiều quả nhỏ, quả vỏ mỏng. Giờ thì có bao nhiêu lấy hết bấy nhiêu”, ông chia sẻ. Cũng theo ông Kho, dịp này ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhu cầu về trứng gia cầm trên thị trường tăng cao đẩy giá trứng tăng theo. Có mối buôn còn nói, họ mua để chuyển vào trong Nam.

{keywords}
Trứng gia cầm tăng giá phi mã thời gian gần đây (ảnh: BH)

Anh Trần Văn Mạnh, chủ trang trại 3 vạn gà công nghiệp đẻ trứng ở xã Long Xuyên (Kinh Môn, Hải Dương), cũng cho hay, giá trứng gà công nghiệp đang tăng mạnh. So với thời điểm tháng 6, trứng gà tăng thêm khoảng 12.000 đồng/chục quả.

Hiện, trang trại gà đẻ trứng của anh mỗi ngày thu được 2,5 vạn quả. Toàn bộ số trứng này được thương lái thu mua với giá 28.000 đồng/chục quả để đưa đi các tỉnh tiêu thụ.

Chia sẻ về lý do giá trứng giá cầm tăng cao, theo anh Mạnh, dịp này ảnh hưởng dịch bệnh, đặc biệt Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, người dân có nhu cầu mua tích trữ đã đẩy giá trứng tăng cao hơn trước.

Thêm nữa, suốt cả năm 2020 cho tới nay, trứng gia cầm giảm mạnh, có dịp "chạm đáy", người chăn nuôi thua lỗ nặng. Cộng với giá thức ăn chăn nuôi tăng dựng ngược khiến nhiều trang trại không thể tiếp tục gồng lỗ nữa, đành bán tháo đàn, treo chuồng. Thành ra, nguồn cung dịp này giảm hơn trước rất nhiều.

Như quanh khu vực trang trại nhà anh, nhiều hộ bỏ nuôi gà đẻ trứng vì không chịu được thua lỗ, chuyển sang chăn nuôi lợn.

“Nhà tôi có thời điểm lỗ ròng vài tháng. Dịp đầu năm nay, có lúc giá trứng giảm xuống còn 900 đồng/quả, mỗi ngày như vậy tôi lỗ 14 triệu đồng. Cũng may, đến tháng 6, giá trứng tăng trở lại, từ lỗ chuyển sang hoà vốn và giờ thì có lãi”, anh Mạnh nói. Song theo anh, với giá trứng hiện tại, dù người chăn nuôi đã có lãi nhưng số lãi này chưa thể bù lại với khoản lỗ mà họ phải chịu trong suốt thời gian dài vừa qua. 

Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, thời gian qua, ở các tỉnh phía Bắc giá các sản phẩm gia cầm nói chung và giá trứng gia cầm nói riêng đều tăng so với thời điểm tháng 5 và tháng 6.

{keywords}
Một thời gian dài người chăn nuôi phá đàn do giá trứng quá thấp. Nay nhu cầu tăng, cung lại sụt giảm dẫn đến giá tăng cao (ảnh: BH)

Theo ông, có nhiều nguyên nhân đẩy giá trứng gia cầm tăng cao. Trên bình diện chung, tổng cung không được tăng nhiều so với tổng cầu. Bởi, sau một thời gian dài, trong quý 4/2020 và quý 1 năm nay, giá sản phẩm gia cầm luôn ở mức thấp dẫn đến tổng đàn có xu hướng giảm, đặc biệt là đàn gà đẻ trứng.

Trong lúc đó, một số tỉnh phía Bắc kiểm soát được dịch bệnh như: Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương,... thì nhu cầu về gia cầm, trứng gia cầm tăng lên, đẩy giá các sản phẩm này tăng 20-30% so với quý 1 và đầu quý 2 năm 2021.

Ngoài ra, thời điểm này hàng năm giá trứng cũng tăng cao do nhu cầu mua trứng gia cầm của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất bánh trung thu rất lớn.

Sau khi Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, giá trứng tại chợ truyền thống có xu hướng tăng. Nhiều chợ truyền thống, giá trứng gà công nghiệp, trứng vịt, trứng gà đều tăng từ 30-40%.

Theo phân tích của Hiệp hội gia cầm Việt Nam, lý do khiến giá trứng ở chợ Hà Nội tăng là người tiêu dùng có tâm lý mua gom tích trữ. Thêm nữa, Hà Nội đang thực hiện kiểm soát chặt các phương tiện ra vào thành phố, trong đó có các phương tiện chuyên chở hàng hoá. Thế nên, phương tiện vận chuyển hàng hoá, trong đó có trứng và các sản phẩm gia cầm khác, cũng ít nhiều gặp khó khăn.

“Hà Nội chắc chắn sẽ có những biện pháp để tháo gỡ", ông Sơn nói.

Ông thông tin, sáng 25/7, một số doanh nghiệp trong Hiệp hội gia cầm có gọi điện phản ánh rất nhiều xe vận chuyển gà con từ các tỉnh đi qua Hà Nội đều phải quay đầu. Hiệp hội đang kiểm tra thông tin này. Nếu thật sự có hiện tượng như vậy thì chắc chắn phải có biện pháp tháo gỡ để việc lưu thông vận chuyển hàng hoá ra vào và đi qua thành phố được thuận lợi. Nếu không, sẽ ảnh hưởng tới sản xuất, kéo theo nguồn cung thời gian tới sụt giảm, giá thực phẩm sẽ tăng.

Tâm An

Hà Nội: Trứng gà tăng giá mạnh, nhiều nơi ‘cháy hàng’

Hà Nội: Trứng gà tăng giá mạnh, nhiều nơi ‘cháy hàng’

Tại một số khu chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội, trứng gia cầm đều tăng giá mạnh, có loại giá tăng gần gấp đôi so với ngày thường, song vẫn “cháy hàng”.