- Lần đầu tiên, Trung ương xem xét, quyết định quy chế mới về bầu cử trong Đảng. Đây được coi là luật thủ tục quan trọng nhất của Đảng, qua đó tạo ra các tổ chức, bộ máy, cũng như nhân sự cho từng vị trí trọng trách... 

{keywords}

Truyền thông về hội nghị Trung ương lần thứ 8 đang diễn ra không chỉ là thông báo khai mạc, bế mạc. Xen giữa vào đó, lần đầu tiên, sau mỗi ngày làm việc, Trung ương lại phát đi thông cáo báo chí, cho biết trong ngày đã họp bàn chủ đề gì, hình thức thảo luận ra sao và ai chủ trì.

So với yêu cầu về công khai minh bạch, yêu cầu thực hiện quyền giám sát của nhân dân với Đảng, thì mức độ “cởi mở” ấy chưa phải là nhiều. Nhưng nếu đặt chỉ dấu đó trong tổng thể nội dung làm việc của hội nghị Trung ương này thì thấy đang có những hi vọng mới.

Đấy là việc, cũng là lần đầu tiên, Trung ương xem xét, quyết định quy chế mới về bầu cử trong Đảng. Đây được coi là luật thủ tục quan trọng nhất của Đảng, qua đó tạo ra các tổ chức, bộ máy, cũng như nhân sự cho từng vị trí trọng trách của Đảng, và cũng là cơ chế để qua đó Đảng lựa chọn, tiến cử thành viên của mình vào bộ máy nhà nước.

Lâu nay, thẩm quyền ban hành quy định về bầu cử trong Đảng được trao cho Bộ Chính trị. Giờ với không khí dân chủ mới, Đại hội XI quyết định giao thẩm quyền đó cho Ban chấp hành Trung ương - cơ quan quyền lực cao nhất của Đảng giữa hai kỳ đại hội. Với 175 thành viên, ý kiến ở đó ắt đa dạng hơn, dân chủ hơn, đúng đắn và thuyết phục hơn.

Phát biểu khai mạc của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho thấy tầm quan trọng của những thảo luận ấy. Bởi quy chế sẽ bao quát tất cả các khâu từ ứng cử, đề cử, bầu ra Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng bí thư, bầu ra các lãnh đạo và các thành viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương và cả bầu bổ sung giữa nhiệm kỳ… Thậm chí, quy chế lần này sẽ được áp dụng cho cả hệ thống Đảng, từ chi bộ đến Ban chấp hành Trung ương.

Với tầm quan trọng như vậy, rất nhiều vấn đề vốn có ý kiến khác nhau sẽ được đưa ra tranh luận đến cùng. Chẳng hạn, tự ứng cử thế nào? Có nên hạn chế, phân biệt quyền tự ứng cử của cấp ủy viên và đảng viên thường? Làm thế nào để thực sự khuyến khích tự ứng cử trong Đảng? Tương tự, việc chuẩn bị nhân sự dự kiến cho khóa sau lâu nay gần như là “độc quyền” của cấp ủy khóa trước. Vậy nay làm thế nào mở rộng quyền đề cử, tôn trọng quyền nhận/từ chối đề cử, qua đó phát huy dân chủ trong Đảng như một cơ chế hữu hiệu để tìm nhân tài? Rồi số dư trong đề cử thế nào? Ứng viên có phải trình bày chương trình hành động hoặc cam kết nếu trúng cử không?...

Tự ứng cử, đề cử, nhận đề cử không phải là vấn đề mới trong sinh hoạt Đảng. Nhưng đây luôn là vấn đề “nóng” trong mỗi kỳ đại hội, thậm chí là kỳ họp của Trung ương. Vẫn diễn ra những tình huống “ngoài dự kiến” như thế, cả trong đại hội Đảng các cấp. Mỗi lần như vậy lại dẫn đến tranh cãi về thế nào là tập trung - dân chủ. Nhưng với người dân - chủ thể tối cao của quyền lực, người chủ đích thực của đất nước - những biểu hiện ấy thể hiện tính đa dạng, muôn mặt của quá trình dân chủ hóa không thể đảo ngược.

Nghĩa Nhân