– Thông tin lương cơ bản tăng lên 830.000 đồng/tháng (bắt đầu từ 1/5/2011) không khiến công chức vui mừng. Ngược lại, họ đang lo ngại bão giá sẽ theo đà này để có cớ tăng thêm một cách chính đáng.

Đi… giật lùi

Thông tin tăng lương cơ bản lên 830.000 đồng/tháng xuất hiện đúng thời điểm cơn bão giá đang hoành hành mạnh nhất. Mỗi tháng được thêm 100.000 đồng tiền lương khiến những người thụ hưởng không những không vui mà nỗi lo còn được nhân đôi.

“Trước khi tăng lương, mọi thứ như xăng, ga, thực phẩm, vv… đã tăng rồi nhưng tất cả đều vin cái cớ xăng dầu tăng giá để đu theo. Nay có thông tin tăng lương thì giá cả lại tăng tiếp, tăng hiển nhiên và có lý nữa”, chị Hoa (quận Cầu Giấy, Hà Nội) lo lắng.
 
Giá rau củ quả, thực phẩm đã tăng chóng mặt kể từ đầu tháng 3 đến nay (Ảnh: N.A)

Câu chuyện tăng lương tối thiểu thêm 100.000 đồng/tháng hâm nóng cả các diễn đàn trực tuyến và trở thành câu chuyện thu hút sự quan tâm của đông đảo các thành viên. Thậm chí, từ thông tin tăng lương tối thiểu trong bối cảnh bão giá như hiện nay, nhiều người đã cùng nhau “hiến kế” để có những cách chi tiêu tiết kiệm nhất có thể.

“Sợ nhất là chưa kịp lĩnh lương cơ bản có cả phần tăng thêm thì đã nai lưng ra gánh các loại tăng khác: học phí của con, tiền đi chợ, xăng xe, tiền ga (mới tăng 50 ngàn đồng/bình), tiền điện (sẽ tăng trong thời gian ngắn nhất), tiền nước v...v… Tóm lại là nếu để nguyên lương ở mức cũ cũng được (vì khoản tăng không thấm tháp vào đâu). Lương cơ bản tăng làm gì để mọi thứ tăng theo? Lương thì tăng theo cấp số cộng, giá cả tiêu dùng thì tăng theo cấp số nhân”, thành viên 3012 trên diễn đàn webtretho lo lắng.

Nhiều người khác cũng đồng cảm với suy nghĩ của thành viên 3012 và thổ lộ: “Đọc xong thông tin tăng lương cơ bản thêm 100 ngàn đồng/tháng mà chảy nước mắt, giờ cái gì cũng lên giá gấp mấy lần rồi mà tận tháng 5/2011 lương mới lên, mà chỉ nhích lên 100.000 đồng. Thà lương đừng có lên để mọi thứ bình ổn còn hơn”.

Trước tình cảnh ảm đạm này, thành viên Me_Tho chua chát: "Được tăng lương mà ai cũng buồn thế, đúng là ngược đời, là nghịch lý cuộc sống!”.

Bở hơi tai chạy theo giá


Cơn bão giá hoành hành được gần 1 tháng nay và hiện đã “ngấm” đến những cuộc sống của người dân. Nhiều người thu nhập thấp cho biết mình đang “lê lết” sống qua thời kỳ khó khăn này, khi mà mọi thứ đều tăng giá vù vù, cả tiền thuê nhà cũng theo đà bão giá để leo thang.

“Cà pháo trước có giá là 9.000 đồng/kg, đến đầu tháng 4 mua đã tăng thành 18.000 đồng/kg, tăng đúng gấp đôi. Trước đổ xăng tầm 75 ngàn là đầy bình, giờ đổ 100 ngàn mà vẫn thấy vơi vơi. Mới nửa tháng trước mua 1 chai sữa tươi với giá 25 ngàn, vậy mà nay đã phải mua với giá 28 ngàn rồi. Cứ bão giá thế này chắc phải cố sống lê lết cho qua ngày đoạn tháng mất thôi”, chị Thuận (phường Ngọc Thụy, Long Biên) than thở.
 
Người tiêu dùng chỉ dám ngó ngàng đến nhu yếu phẩm trong siêu thị. Nhiều người đang “bở hơi tai” chạy theo bão giá (Ảnh: N.A)

Chị Thuận đang thuê nhà giá 1,5 triệu đồng/tháng nhưng từ khi giá cả tăng, giá nhà đã leo lên 1,8 triệu đồng/tháng. Tiền điện tăng từ 3.000 đồng/số lên 3.500 đồng/số. Với khoản thu nhập mỗi tháng 10 triệu đồng của cả 2 vợ chồng, chị Thuận chật vật xoay sở nuôi 2 đứa con nhỏ và trang trải toàn bộ chi phí nhưng cứ đến gần cuối tháng là hết sạch tiền.

“Tôi đang tính phải gửi đứa lớn về quê ngoại cho ông bà nuôi hộ. Nếu cáng cả hai con cùng toàn bộ chi phí ăn, ở, đi lại và các khoản chi tiêu tối thiểu khác thì cả hai vợ chồng không kham được”, chị nói.

Thời buổi giá cả tăng cao cũng khiến các khoản chi tiêu bị thu hẹp lại đáng kể, người dân hầu như chỉ dành tiền cho nhu yếu phẩm chứ không hướng đến các khoản làm đẹp, ăn chơi. Anh Trung, chủ một cửa hàng thời trang trên phố Nguyễn Lương Bằng cho biết: “Ở thời điểm này cách đây 1 hoặc 2 năm, mỗi ngày cửa hàng phải bán được 6-7 triệu tiền hàng nhưng từ đợt sau Tết đến giờ mỗi ngày chỉ được 2-3 triệu đồng. Nhu cầu mua sắm áo quần đang giảm rõ rệt”.

Tại các siêu thị, giá cả tăng cao đã đặt người tiêu dùng đứng trước những lựa chọn chi tiêu sao cho tiết kiệm và hợp lý. Các siêu thị như BigC, Maximark cho biết tỷ trọng thực phẩm bán ra so với các mặt hàng phi thực phẩm đang tăng mạng trong tháng 3.

Tại siêu thị Maximark, doanh thu từ nhóm thực phẩm trong tháng 3 chiếm 70% trong tổng doanh thu của siêu thị, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2009. Tại siêu thị Big C, doanh thu từ thực phẩm tăng 20%.

•   N.Anh