- Nhận xét đề án tái cơ cấu kinh tế của Chính phủ "rộng", "mênh mông", Chủ nhiệm UB Pháp luật QH Phan Trung Lý cho rằng việc các ngành cùng "dàn hàng ngang" để làm sẽ gây khó cho công cuộc này.
Tái cơ cấu kinh tế: Chi phí ở đâu ra?
WB: Việt Nam cần nỗ lực tái cơ cấu ngân hàng
UB Thường vụ Quốc hội sáng nay (19/4) cho ý kiến về đề án tái cơ cấu kinh tế của Chính phủ có tựa “Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh".
"Mênh mông"
Nhấn mạnh tính chất "tổng thể" song ông Lý không khỏi băn khoăn về một bản đề án "rộng", "mênh mông", với nguồn lực huy động các bộ, ngành cùng "dàn hàng ngang" thực hiện. Muốn đặt vấn đề theo hướng thực hiện tái cơ cấu theo tiến trình, hạng mục ưu tiên cụ thể, ông gợi ý Chính phủ xem xét lại tính ưu tiên của bản đề án.
Thẩm tra đề án, Thường trực UB Kinh tế đồng tình vì đây là đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh nên trước hết cần xác định mô hình tăng trưởng trong thời gian 2012 - 2020, toàn bộ những lĩnh vực cần phải tái cơ cấu. Tức là ngoài đề án tổng thể thì có bao nhiêu đề án thành phần và lộ trình thực hiện bao gồm những lĩnh vực ưu tiên, trọng tâm trọng điểm, cần thực hiện trước, những lĩnh vực thực hiện sau hoặc thực hiện đồng thời.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: Tái cơ cấu kinh tế phải làm rõ vai trò của Nhà nước, vai trò chỉ đạo cụ thể quá sẽ tạo mô hình kinh tế kế hoạch hóa trở lại |
Chủ nhiệm UB Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cũng cho rằng, việc tính toán chi phí để thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng là hết sức cần thiết, nhất là trong điều kiện của Việt Nam nguồn lực bị hạn chế, cả về tài chính và nhân lực. Việc tính toán chi phí này sẽ góp phần xác định những nội dung cần ưu tiên thực hiện, tránh dàn trải, lãng phí. Ngoài ra, những tính toán về chi phí xã hội như sắp xếp lại việc làm cho lao động dôi dư do tái cơ cấu là cần thiết để có giải pháp phù hợp như bồi dưỡng, đào tạo lại…
Tiếp ý kiến cho vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho rằng Chính phủ phải cho biết rõ chi phí thực hiện tái cơ cấu. Điều này quan trọng bởi lẽ ở nhiều nước sử dụng 5 đến 10% GDP để cải cách kinh tế. Bên cạnh đó, phải nêu rõ vai trò tổng chỉ huy, nhạc trưởng của Nhà nước tại đề án.
Khắc phục "thừa tiền"
Cho rằng bản đề án đã đặt ra những mục tiêu tái cơ cấu đúng, song Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng chỉ nên quy lại hai mục tiêu quan trọng nhất, đó là tái cơ cấu kinh tế phải đáp ứng kinh tế phát triển ổn định, bền vững ở mức độ cao hơn và phải hợp lý giữa nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, cơ cấu vùng miền, các ngành... để tiến tới mục tiêu công nghiệp hóa hiện đại vào năm 2020.
Ông Hiển nhấn mạnh tái cơ cấu kinh tế phải thực hiện bằng hai bàn tay: thị trường và Nhà nước và hơn hết phải bằng nội lực tự thân, tự lực cánh sinh chứ không do lực ép của bên ngoài. Đặc biệt, phải tiến hành chuyển dịch nguồn lực về tài chính, tài nguyên từ nơi kém hiệu quả sang nơi hiệu quả, khắc phục căn bệnh thừa tiền.
"Nền kinh tế thừa tiền thì lạm phát". Ảnh minh họa: NT |
"Nền kinh tế thừa tiền thì lạm phát, doanh nghiệp thừa tiền là hoạt động kém hiệu quả, gia đình cũng vậy, thừa tiền là tiêu dùng kém hiệu quả. Phải khắc phục căn bệnh thừa tiền, chuyển dịch sang nơi hiệu quả hơn và để làm được phải sử dụng công cụ thuế và chính sách tiền tệ" - ông Hiển nói.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng cho rằng Chính phủ cần làm rõ vai trò của Nhà nước trong tái cơ cấu kinh tế. Nhà nước sẽ làm gì, đóng vai trò cụ thể đến đâu, nếu không dễ khéo trở lại kinh tế kế hoạch trước đây.
"Phải quán xuyến kinh tế thị trường trước, rồi mới tính định hướng XHCN, nhà nước làm gì mà các thành phần kinh tế trong nước, doanh nghiệp không làm. Rõ ràng phải tạo ra thể chế, chính là chiến lược, yếu tố kinh tế thị trường… nếu không xác lập thì đừng hòng tái cơ cấu nền kinh tế cạnh tranh. Nếu quy hoạch cụ thể hóa, kế hoạch cụ thể quá, chỉ đạo cụ thể quá thì sẽ tạo mô hình kinh tế kế hoạch hóa trở lại" - ông nói.
"Chiến lược nợ"
Với nhóm giải pháp liên quan đến ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển thị trường tài chính, UB Kinh tế kiến nghị Chính phủ phải có chiến lược nợ chính phủ và nợ quốc gia rõ ràng; những điều kiện bảo đảm hiệu quả trong đầu tư; khả năng trả nợ hàng năm cả về tiền đồng Việt Nam và ngoại tệ; tuân thủ nguyên tắc chi phí cơ hội và tính đồng bộ trong đầu tư; chi tiêu nhà nước thật sự tiết kiệm; cơ chế phân bổ vốn đầu tư minh bạch; cơ chế giám sát dòng vốn đầu tư chặt chẽ.UB Kinh tế cũng đề nghị cập trung làm rõ việc tái cấu trúc thị trường vốn để phục vụ đầu tư phát triển trong điều kiện đầu tư công giảm.
Việc tạo điều kiện cho thị trường chứng khoán phát triển bền vững là một kênh huy động vốn đầu tư rất phù hợp với yêu cầu phát triển bền vững, vừa giảm áp lực đối với hệ thống tổ chức tín dụng trong việc đáp ứng vốn đầu tư của xã hội, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước...
Linh Thư