- Nhà nước giao sổ xanh cho dân là rừng vầu non, khi khai thác dân có đơn xin, ghi rõ sản lượng và lâm sản phụ, có nộp thuế cho Nhà nước. Thế nhưng chính quyền vẫn tiến hành đình chỉ và khởi tố dân về tội "Hủy hoại rừng".
Được cấp phép đầy đủ
Theo đơn kêu oan của bà Lã Thị Mai (thôn Nà Phai, xã Bắc Lãng, huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn), gia đình bà có thửa đất số 83 (nằm trong 4 thửa đất rừng: 83, 88, 90, 986 tại tiểu khu I, khe Ma, thôn Nà Phai) được Nhà nước giao cho chồng bà là ông Hoàng Văn Châu (đã mất).
Trong sổ xanh giao đất, toàn bộ diện tích thửa đất số 83 là 20,5ha vầu non chứ không có cây khác.
Khu đất của bà Mai hiện tại |
Gia đình bà Mai đã tiến hành khoanh nuôi, bảo vệ, chăm sóc ổn định lâu dài không tranh chấp. Năm 1996, trên thửa đất này gia đình bà trồng 4ha keo, còn lại là trám, bạch đàn ...
Năm 2006, Nhà nước chính thức bàn giao thửa đất số 83 cho gia đình bà Mai tại 'Biên bản giao nhận đất lâm nghiệp tại thực địa' vào ngày 26/9/2006.
Khi gia đình bà Mai đang chuẩn bị đất trồng rừng, một số cán bộ thôn Nà Phai cho rằng gia đình bà Mai phá rừng tự nhiên. Khi có đơn thư, ông Đàm Văn Thành - Chủ tịch xã chưa kịp tìm hiểu thực hư vấn đề đã vội ra công văn đình chỉ.
Có phép khai thác, vẫn bị khởi tố?
Trong quá trình chính quyền đo đạc để làm sổ đỏ cho một số thửa đất nằm trong diện tích đất sổ xanh mà gia đình bà Mai đã được cấp, có sự chênh lệch lớn về diện tích rừng đã được gia đình bà Mai đã chặt hạ. Đây là cơ sở để chính quyền kết luận bà Mai tội 'hủy hoại rừng'.
Cụ thể: Trong biên bản kiểm tra hiện trường lập vào ngày 27/6/2014, tổng số diện tích rừng đã chặt là 10ha. Tuy nhiên, trong công văn số 75/UBND của UBND xã Bắc Lãng lại ghi diện tích là 14,5ha.
Diện tích rừng đã phát nay lại mọc um tùm. |
“Trên thực tế, diện tích đã trồng keo là khoảng gần 4ha và một số diện tích chưa phát hết. Nếu lấy diện tích thửa 83 là 14,5ha trừ đi 2ha chưa chặt và gần 4ha đã trồng keo thì không thể có kết quả diện tích chặt hạ là 14,5ha”, bà Mai nói.
Bà Mai cho rằng, tổ công tác đã gom cả diện tích đã phát nằm trong thửa có sổ đỏ, đồng thời đo đạc sai về diện tích và số lượng gỗ trên thửa 83 để cố tình kết tội bà. "Biên bản bàn giao đất năm 2006 không có rừng tự nhiên”, bà Mai nói.
Gia đình đã làm giấy xin phép khai thác và tận thu lâm sản tại các thửa đã phát. Lần nào khai thác, gia đình bà Mai đều viết đơn xin, dự kiến sản phẩm, kèm theo biên lai thu thuế tài nguyên, được ông Đàm Văn Thành, Chủ tịch UBND xã xác nhận (có giấy tờ kèm theo). Hơn nữa, trong bảng đăng ký khai thác vẫn ghi rõ sản lượng được phép khai thác.
Mặc dù việc chuẩn bị đất trồng rừng kết hợp với tận thu lâm sản có đủ giấy phép nhưng không hiểu vì lý do gì mà cán bộ xã vẫn đình chỉ, đồng thời các cơ quan cấp trên vẫn tiến hành khởi tố vụ án và khởi tố bị can.
“Ngày 4/7, UBND xã Bắc Lãng chuyển hồ sơ lên Hạt Kiểm lâm. Hạt Kiểm lâm đã khởi tố vụ án tại quyết định số 06/QĐ-KTVAHS-KL ngày 14/1/2015 và chuyển hồ sơ sang Công an huyện Đình Lập để điều tra tại Công văn số 08/CV-KL ngày 15/1/2015. Ngày 23/11/2015 CQ CSĐT quyết định khởi tố bị can. Cùng ngày, Viện Kiểm sát Nhân dân huyện Đình Lập quyết định phê chuẩn quyết định khởi tố bị can về Tội hủy hoại rừng, quy định tại Điều 189 Bộ luật Hình sự. Tôi thấy thật sự oan ức”, bà Mai bức xúc.
Có dấu hiệu oan sai? Luật sư Vi Văn Diện - Giám đốc Công ty luật Thiên Minh cho rằng, trong vụ việc khởi tố này có nhiều vấn đề khuất tất. Việc khởi tố bà Lã Thị Mai về tội hủy hoại rừng là có dấu hiệu oan sai. Trong sổ xanh ghi rõ hoàn toàn vầu non, thông tư 35/2011/TT-BNNPTNT (Thông tư hướng dẫn thực hiện khai thác, tận thu gỗ và lâm sản ngoài gỗ): Rừng sản xuất được Nhà nước giao cho dân quản lý và sử dụng thì gia đình có quyền khai thác và tận thu lâm sản phụ. Khi khai thác gia đình đã viết đơn xin và nộp thuế đầy đủ cho cơ quan Nhà nước. Hơn nữa, trong đơn xin khai thác có ghi rõ sản lượng gỗ và lâm sản. Do đó cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố bà Mai về tội Hủy hoại rừng theo điều 189, Bộ luật Hình sự là khởi tố sai về hành vi. Vụ án này có dấu hiệu oan sai. |
Nhóm PV