Đàn khỉ hoang bất ngờ đại náo khu dân cư khiến người dân lo lắng. (Ảnh người dân cung cấp). |
Khỉ hoang “đại náo” khu dân cư
Đứng xem bạn mình sửa lại cái bẫy trên lan can nhà, ông Nguyễn Đức Thắng (57 tuổi, ngụ khu phố 6, phường Thạnh Xuân, Quận 12, TP.HCM) cho biết, mấy ngày qua, người dân bị đàn khỉ hoang hơn chục con tràn xuống phá phách.
“Đàn khỉ hơn chục con, có con to lớn, nặng hơn chục kg. Chúng đu trên dây điện, đi trên mái, lan can nhà dân lục tìm thức ăn. Hễ thấy nhà nào có trái cây mà không ai trông coi là chúng tìm cách lấy trộm…”, ông Thắng thông tin.
Người dân khu phố 6 cho biết, đàn khỉ xuất hiện bất chợt vào sáng, trưa, chiều. Có thời điểm, chúng chia thành từng tốp khoảng 5-6 con đu theo đường dây điện vào nhà dân tìm thức ăn từ 4h sáng.
Đàn khỉ hoang sử dụng đường dây điện, dây cáp để trèo vào nhà dân lấy trộm thức ăn. (Ảnh: Người dân cung cấp). |
“Mới hôm qua, chúng còn ăn trụi hết giàn bầu sao của gia đình tôi. Ban đầu, chúng chỉ leo trèo, vặt trái trên cây nhãn, me, mít… của người dân có nhà gần với vùng đất trống, còn nhiều cây bụi, cây lớn. Sau này, chúng liên tục theo đường dây điện trèo vào nhà người dân phá phách, lục tìm thức ăn”, một người dân khu phố cho biết.
Một hộ dân kinh doanh tiệm tạp hóa cũng khẳng định, đàn khỉ đã có mặt tại khu phố từ lâu. Tuy nhiên, trước đây, chúng rất hiền lành, không bao giờ vào nhà dân. Không hiểu vì sao, thời gian gần đây, đàn khỉ liên tục “đột nhập” vào tiệm tạp hóa của bà lấy trộm bánh, trái.
Không chỉ thế, vào giờ trưa, đàn khỉ bất ngờ xuất hiện. Chúng men theo đường dây điện, trèo lên, di chuyển trên mái tôn gây tiếng động lớn khiến bà và người thân giật mình, không tài nào nghỉ ngơi được.
Trong khi đó, bà Loan (60 tuổi, ngụ khu phố 6) cho biết, mới chiều hôm qua (12/1), đàn khỉ trèo vào nhà bà đánh cắp trái cây.
Thậm chí, đàn khỉ còn ngồi canh trên mái nhà người dân để chờ cơ hội cướp trái cây, bánh kẹo từ các tiệm tạp hóa, điểm kinh doanh trái cây, nhà dân. (Ảnh: Người dân cung cấp). |
“Sáng sớm, tôi đi chợ mua nải chuối về cúng ở bàn thờ ông Địa. Tôi vừa quay đi thắp nhang, ngoảnh lại đã bị đàn khỉ lấy mất. Không hiểu sao dạo này, đàn khỉ lại quậy phá như vậy. Mấy hôm nay, chúng leo trèo trên dây điện rồi vượt hàng rào vào nhà tôi tìm thức ăn liên tục”, bà Loan nói.
Cũng theo bà, sự xuất hiện liên tục, không sợ người của đàn khỉ khiến bà lo lắng. Sáng 12/1, đàn khỉ bất ngờ “đột nhập” vào nhà khiến cháu gái chưa đầy 4 tuổi của bà sợ hãi, khóc thét.
“Mấy hôm nay chúng phá lắm. Mấy chú thanh niên dùng ná cao su đuổi nhưng chỉ được ít phút. Sau đó, chúng lại đến phá”, bà Loan thông tin.
Bà cũng khẳng định, thời gian gần đây, đàn khỉ dạn người nên liên tục xuất hiện. Thậm chí, chúng ngồi trên nóc nhà người dân, khu nhà mới xây chưa có người ở, cây ăn trái… để “săn” thức ăn. “Chúng rất thông minh. Chúng ngồi canh, xem nhà nào cúng trái cây là trèo vào lấy trộm”, bà Loan quả quyết.
Nhiều lúc, đàn khỉ cùng nhau lao đi trên mái tôn khiến người dân giật mình, thức giấc. (Ảnh: Nguyễn Sơn). |
Lực lượng chức năng vào cuộc
Đàn khỉ dạn người đến nỗi, khi người dân cất giấu bánh trái kỹ lưỡng, chúng liều mình đột nhập, lục tìm thức ăn thừa trong các thùng rác. Bà Loan kể: “Hôm trước, thấy chúng tôi uống nước xong, vứt bỏ trái dừa vào thùng rác, đàn khỉ thay nhau trèo xuống, lục tung, lấy vỏ dừa trèo lên lan can, nóc nhà dân ngồi ăn”.
“Trước chúng còn sợ người, thời gian gần đây hình như chúng không sợ chúng tôi nữa. Hôm trước, thấy chúng đu trên dây điện, tôi ra đuổi mà bầy khỉ không mảy may sợ hãi. Nhà có con nít nên tôi rất lo lắng”, bà Loan chia sẻ thêm.
Trước sự phá phách, “đại náo” của đàn khỉ, người dân khu phố 6 tìm mọi cách xua đuổi, bắt giữ. Nhà bà Trịnh Thị Ngần (62 tuổi, khu phố 6) thiết kế một chiếc bẫy lồng trên lan can để bẫy đàn khỉ.
Tuy nhiên, dường như biết trước, đàn khỉ không con nào đến nhà bà, ăn thức ăn có sẵn trong bẫy.
Trước sự phá phách của bầy khỉ, người dân khu phố 6 tự thiết kế, đặt bẫy khỉ nhưng không hiệu quả. (Ảnh: Nguyễn Sơn). |
Trong khi đó, một số hộ dân sử dụng ná thun bắn để xua đuổi đàn khỉ. Song, cách thức này chỉ đem lại hiệu quả tức thời. Khi gia chủ không để ý, đàn khỉ lại tụ họp, bí mật đột nhập vào nhà. Ông Thắng cho biết, sở dĩ đàn khỉ dạn người như vậy là do chúng đã sinh sống ở khu phố từ rất lâu.
“Đàn khỉ ở đây từ lâu. Trước đây, chúng sinh sống trên các cây lớn gần con rạch phía sau khu dân cư. Lúc này, chúng rất ít khi xuất hiện, ít phá phách thức ăn, đồ đạc của người dân nên không mấy ai chú ý. Chỉ gần đây, chúng liên tục xuất hiện với số lượng lớn, có con nặng trên chục cân và tìm cách lấy thức ăn từ nhà dân nên nhiều người lo sợ”, ông Thắng nói.
Người dân địa phương cho biết, đàn khỉ hoang này xuất phát từ việc một hộ dân nuôi khỉ để các con khỉ của mình sổng chuồng. Chúng tìm đến khu vực có cây cối lớn, rậm gần con rạch sinh sống.
Thời gian gần đây, khu vực này đang được giải tỏa nên nhiều cây lớn, cây bụi bị đốn hạ khiến môi trường sống của đàn khỉ thu hẹp. Có thể vì nguyên nhân này, chúng mới tràn vào nhà dân tìm thức ăn.
Bà Loan chỉ vị trí đàn khỉ thường trú ngụ rồi bất ngờ “đột nhập” vào nhà bà lấy trộm trái cây, thức ăn. (Ảnh: Nguyễn Sơn). |
Trao đổi với VietNamNet, ông Hoàng Văn Tấn, Trưởng khu phố 6 cho biết: “Đàn khỉ sinh sống tại địa phương đã lâu nhưng không phá như hiện nay.
Vừa rồi, địa phương làm bờ kênh nên phải chặt hạ, cắt tỉa cây nên chúng mới vào khu dân cư phá nhiều như vậy. Hiện tại, chúng chỉ lấy trộm thức ăn từ nhà dân”.
Cũng theo ông, mặc dù tính đến thời điểm hiện tại, đàn khỉ chưa gây ra nguy hiểm nhưng chính quyền địa phương vẫn lường trước những hiểm họa có thể xảy ra từ đàn khỉ. Bởi, mấy hôm trước, đàn khỉ từng lao xuống cướp thức ăn từ tay người dân buôn bán trái cây.
“Chúng tôi cũng lo lắng việc đàn khỉ có thể bắt trẻ con vì có con khỉ nặng 20-30kg. Do đó, chúng tôi đã báo sự việc lên cấp trên để có hướng xử lý, đảm bảo an toàn cho người dân”, ông Tấn nói.
Được biết, sáng nay (13/1), lực lượng chức năng của Chi cục Kiểm lâm TP.HCM đã có mặt tại khu phố 6 khảo sát địa hình để có phương pháp xử lý đàn khỉ hoang.
Những thú non bán hoang dã sinh ở Vinpearl Safari bây giờ ra sao?
Liên tục tăng… hàng trăm ký, da hồng môi trắng, cưỡi lưng bố, quậy mẹ tưng bừng… là số ít trong muôn vàn câu chuyện kể về những “đứa trẻ” được sinh ra tại Vinpearl Safari.
Nguyễn Sơn