- “Người dân đã thực tế hơn, thấy học ĐH ra không có việc làm nên chọn hướng khác phù hợp hơn” – phó Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp (Sở GD-ĐT Thanh Hóa) Nguyễn Văn Long bày tỏ ý kiến nhân hiện tượng hồ sơ dự thi đại học năm 2013 sụt giảm mạnh.

Người dân đã thực tế hơn

- Ghi nhận tại buổi bàn giao hồ sơ ĐH phía Bắc sáng 5/5, hầu hết lượt đăng ký năm nay đều giảm. Thanh Hóa là địa phương có lượt hồ sơ đăng ký dự thi giảm nhiều nhất, giảm 16.000 bộ so với năm 2012. Điều này có khiến ông bất ngờ?

Tôi không bất ngờ. Đây quy luật bình thường bởi người dân đã thấy việc học lên ĐH-CĐ có ý nghĩa hay không với con em họ.

Trước đây, có  nhiều người nông dân nghèo bán lúa non, bán lợn bò; thậm chí cầm cố sổ đỏ cho con học.

Nhưng ngày càng nhiều cử nhân tốt nghiệp, thậm chí cả những vị có bằng thạc sĩ ra vẫn thất nghiệp.

Ở Thanh Hóa, một số sinh viên dạng cử tuyển hiện cũng phải chờ việc.

Nhìn vào tình hình đó, người dân đã suy nghĩ thực tế hơn, không cố cùng kiếm bằng được tấm bằng đại học nữa.

- Vậy theo ông, lượng hồ sơ  đại học giảm là do công tác định hướng nghề nghiệp trong trường học ta đã làm tốt?

Theo tôi, người dân đã thực tế hơn. Cơ chế thị trường thay đổi nhanh chóng, người dân cũng đã biết tự xác định cho con em mình đường đi sau này.

{keywords}

Thí sinh trong kỳ thi tuyển sinh ĐH 2012 (Ảnh: Lê Anh Dũng).

Bạn cứ hình dung những năm trước ngành sư phạm lúc nào cũng thiếu, học ra là có việc làm nên nhiều em đổ xô vào học. Nhưng nay, tại Thanh Hóa giáo viên đang thừa, tốt nghiệp chờ hết năm nay sang năm khác.

Năm ngoái số học sinh đoạt giải học sinh giỏi quốc gia được ưu tiên xét tuyển mấy chục em, nhưng không ai đi theo ngành sư phạm. Một số em  đoạt giải các môn Văn, Sử, Địa cũng không chọn ngành sư phạm dù thực tế theo ngành này sẽ hợp hơn.

Lo ngại chất lượng giáo dục đại học

- Theo ông, xu hướng không phải ai cũng cố cùng cho con vào ĐH có phần nào phản ánh những lo ngại của người dân về chất lượng đào tạo ở bậc ĐH hiện nay?

Bây giờ, ở bậc đại học có nhiều hình thức đào tạo quá: từ liên thông, tại chức, từ xa… Các trường bị cuốn vào cuộc đua chạy theo số lượng. Họ được quyền tự xác định chỉ tiêu tính trên số lượng giảng viên có. Cứ đào tạo thôi, còn sau sinh viên ra trường thế nào là việc khác.

Niềm vui khi đón nhận một người con vào đại học cũng không còn như xưa. Tấm bằng cử nhân đại học không tránh được những nghi ngờ.

Ở nhiều nơi, người có bằng cấp thật ra trường khó kiếm việc. Trong khi người kém hơn nhờ có mối quan hệ thì kiếm được việc khiến người dân thất vọng. Tốt nghiệp đại học đã không đồng nghĩa với một công việc và thu nhập ổn định.

Đồng ý rằng chủ trương của Nhà nước tạo điều kiện để người dân được học tập là tốt nhưng phải làm sao để việc dạy học và tuyển dụng một cách nghiêm chỉnh. Người dân tin vào thực tế hơn lời nói.

Cần một kế hoạch lâu dài

- Thực tế như ông vừa nêu  đã đến hồi báo động?

Điều đó không cần nói nữa. Hãy đến các cơ sở, địa phương là biết ngay.

Nhiều anh tốt nghiệp đại học ra thấy ngành này không có việc nên tiếp tục học thêm ngành khác. Đến khi ra trường, vẫn ngậm ngùi không chọn được việc phù hợp.

Chúng ta đều xót xa trước tình trạng thạc sĩ không việc làm, phải bán sim điện thoại; cử nhân phải đi làm cửu vạn, thợ may mà báo chí đã phản ánh.

Thậm chí, tại nhiều khu công nghiệp người ta phải giấu bằng tốt nghiệp đại học khi đi xin việc bởi nhiều doanh nghiệp tuyên bố không nhận họ.

Nguyên nhân phần vì họ khong thiếu nguồn tuyển, phần vì tâm lí người tốt nghiệp đại học đòi lương cao xứng với tấm bằng.

Đơn cử, tại Thanh Hóa mỗi năm bình quân 20.000 sinh viên đỗ ĐH-CĐ nhưng thị trường địa phương tuyển dụng được bao nhiêu?

Lâu nay, ta vẫn cứ  kêu đào tạo thừa thầy thiếu thợ hay “không theo nhu cầu xã hội” nhưng cứ làm chung chung như thế. Cái đáng làm là chỉ rõ ra nhu cầu ấy ở ngành nghề nào, lĩnh vực nào ta lại chưa làm tốt.

Hơn bao giờ  hết một chiến lược hoạch định lâu dài về nguồn nhân lực sẽ giúp định hướng cả người dạy, người học không còn lạc lối.

Trong ngày bàn giao hồ sơ thi ĐH 2013 khu vực phía Bắc, Thanh Hóa là địa phương có lượt hồ sơ đăng ký dự thi giảm nhiều nhất với 63.000 hồ sơ, giảm 16.000 hồ sơ so với năm 2012.

  • Văn Chung (thực hiện)