Dân mạng bức xúc kêu gọi tẩy chay Mã Pì Lèng Panorama
Ngày 03/10, trên MXH xuất hiện bài đăng của nhà báo Trần Đăng Tuấn với nội dung kêu gọi tẩy chay tòa nhà bê tông 7 tầng (Mã Pì Lèng Panorama, chức năng tổng hợp nhà nghỉ, nhà hàng, cà phê) được xây dựng trên đèo Mã Pì Lèng khiến cộng đồng mạng chú ý.
Nội dung bài viết phản đối mạnh mẽ việc xây dựng Mã Pì Lèng Panorama, đồng thời kêu gọi tẩy chay khách sạn này. Lý do được đưa ra là việc xây dựng tòa nhà này đã phá hỏng cảnh quan tự nhiên, hùng vĩ của con đèo nổi tiếng.
"Bạn lên Mã Pì Lèng là để thấy nước mình có những nơi đẹp đến kỳ ảo. Nhưng nếu bạn vào sử dụng dịch vụ của quán - khách sạn này, là bạn đã góp một phần để đẩy cái ngày không còn cảnh quan Mã Pì Lèng để thưởng ngoạn đến gần hơn. Vì một cái kiếm được, rất nhanh thôi những cái khác sẽ mọc lên. Con cháu bạn sau này sẽ chỉ thấy những cái "răng sâu" bê tông lổn nhổn dọc bờ dốc hùng vĩ này", nhà báo Trần Đăng Tuấn viết trên trang cá nhân.
Mã Pì Lèng Panorama với chức năng tổng hợp nhà nghỉ, nhà hàng, cà phê trên đèo Mã Pì Lèng khiến cộng đồng mạng bức xúc |
Chỉ sau ít giờ được đăng tải, bài viết đã nhận về hơn 12.000 like, 4.600 lượt share và gần 2.000 bình luận. Hầu hết các bình luận đều thể hiện sự ủng hộ của dân mạng với quan điểm của tác giả bài viết. Với họ, ngôi nhà này không gì hơn một cục bê tông khổng lồ thiếu thẩm mỹ, gây chướng mắt và làm mất đi vẻ đẹp hoang sơ vốn là giá trị cốt lõi của đèo Mã Pì Lèng.
"Không nói nhiều, mình ủng hộ việc xóa sổ tòa nhà vô duyên này. Muốn thì xây ở chỗ nào gần đó, khách vẫn có thể chạy đến đây để hòa mình hoàn toàn với thiên nhiên, thế mới là du lịch văn hóa, là du lịch miền núi như mình biết", bạn H. U. bình luận.
"Tòa nhà nhìn quá xấu xí và kệch cỡm. Lại còn ngang nhiên đứng che mất view đẹp nhất của danh thắng. Rồi chẳng mấy mà khách sạn, nhà nghỉ, quán ăn... cứ thế theo nhau mọc lên, sẽ chẳng còn thấy đèo đâu nữa. Tôi phản đối!", tài khoản P. Q. bức xúc.
"Không chỉ phá hỏng cảnh quan thiên nhiên, việc xây dựng tòa nhà này tôi nghĩ sẽ nảy sinh rất nhiều vấn đề như an ninh, an toàn và rác thải... Rồi có ngày đến đây sẽ thấy nguyên 1 đèo rác. Hơn nữa, sẽ nảy sinh bất tiện khi lẽ ra đây là của chung, ai cũng có thể đứng ngắm cảnh. Nhưng nếu giờ đây bạn đứng cạnh khách sạn mà chụp choẹt, dám chắc sẽ có bảo vệ ra lườm nguýt, thậm chí là đuổi cổ bạn cho xem", bạn D. D. bình luận.
"Cứ khăng khăng giữ cảnh quan nguyên sơ thì làm sao phát triển được kinh tế địa phương?"
Bên cạnh những bình luận tức giận, những phản đối gay gắt như đã đề cập ở trên, cũng có một số người bày tỏ sự ủng hộ việc xây nhà trên đèo Mã Pì Lèng. Luận điểm được những người thuộc phe ủng hộ đưa ra là công trình này sẽ giúp khách du lịch có chỗ nghỉ chân, người dân nghèo có thêm việc làm, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. Họ cho rằng nếu cứ khăng khăng giữ cái nguyên bản, hoang sơ thì dân đèo này sẽ còn nghèo mãi.
"Làm gì đến mức tàn phá núi rừng, mọi người cứ làm quá lên. Toàn những người ở đâu mà nói cứ như sống hàng ngày ở đó vậy. Là một người dân địa phương, mình chỉ muốn du lịch được phát triển, người dân bớt khổ. Cứ khăng khăng giữ cảnh quan nguyên sơ thì làm sao phát triển được kinh tế địa phương?", tài khoản P. C. bình luận.
"Cũng cần có quán xá, phòng nghỉ để phục vụ khách du lịch chứ. Nếu không đến đây chơi thì biết nghỉ ở đâu?", bạn K. L. bình luận.
Tuy nhiên, những ý kiến nói trên ngay lập tức vấp phải làn sóng phản đối của số đông cư dân mạng. Trực tiếp phản hồi những ý kiến này, nhà báo Trần Đăng Tuấn cho rằng, những cái mà nhiều người nghĩ rằng được sẽ chẳng là gì nếu so với những thứ mà Mã Pì Lèng, Mèo Vạc và cả Đồng Văn mất đi khi bị "bê tông hóa".
Đèo Mã Pì Lẻng thời điểm tòa nhà 7 tầng chưa được xây dựng (Ảnh: Hiền Bùi). |
Theo nhà báo, Mã Pì Lèng là đèo nằm trên khoảng 20 km nối 2 trung tâm phố thị là Mèo Vạc và Đồng Văn. Hai thị trấn này, đặc biệt là Mèo Vạc đang phát triển rất nhanh do có lượng lớn khách du lịch mà Mã Pì Lèng chính là thỏi nam châm hút người ta đến.
Nhà báo cho rằng với tốc độ phát triển hiện tại, chẳng mấy chốc Mèo Vạc và Đồng Văn sẽ trở thành 2 trung tâm du lịch và dịch vụ. Và như thế, sẽ có rất nhiều việc làm đến với bà con nơi đây, những dòng tiền đầu tư sẽ đến với mảnh đất này. Chuỗi giá trị từ con đèo báu vật Mã Pì Lèng rất phong phú mà không thể kể hết được. Tuy nhiên tất cả những giá trị này có thể sẽ biến mất nếu "cục nam châm" mất đi sức hút.
"Mã Pì Lèng giống như cái đòn gánh mà 2 bên thúng đựng hoa chính là Đồng Văn và Mèo Vạc. Một khi Mã Pì Lèng mất đi sức hút vốn có, Đồng Văn và Mèo Vạc sẽ mất rất nhiều.
Nếu như Mã Pì Lèng bị băm nát bởi những thứ như Panorama, sức hấp dẫn của nó chắc chắn giảm đi phân nửa. Bởi khác với rất nhiều con đèo khác cũng rất đẹp, Mã Pì Lèng có tầm nhìn bao quát vô cùng lý tưởng và hoàn chỉnh. Giống như một bức tranh không nên để vấy mực vào", nhà báo Trần Đăng Tuấn chia sẻ.
Dự án chưa được cấp phép xây dựng
Liên quan tới vụ việc đang khiến dư luận xôn xao, chiều 3/10, thông tin với tờ Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Cao Cường - Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc cho biết, công trình này xây từ năm 2018, hoàn thành vào đầu năm 2019. Chủ của công trình này là một hộ gia đình ở TP Hà Giang. Đây là dự án tư nhân đầu tiên trên đèo Mã Pì Lèng sau nhiều nỗ lực kêu gọi đầu tư của huyện trong những năm vừa qua.
Hình ảnh lúc công trình đang được thi công hồi tháng 9/2018 (Ảnh: Tuổi Trẻ). |
Cũng theo ông Cường, công trình nói trên đến nay vẫn chưa được cấp phép xây dựng bởi công trình xây dựng trên đất nông nghiệp chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng. Huyện đã có kế hoạch xin điều chỉnh quy hoạch chuyển đổi mục đích sử dụng của đất này để cấp giấy phép xây dựng cho dự án theo đúng quy định.
Ông Cường cho biết đề nghị điều chỉnh quy hoạch được các lãnh đạo tỉnh ủng hộ bởi tỉnh ủng hộ huyện kêu gọi thu hút đầu tư.
"Công trình này cho du khách có điểm ngắm hẻm vực sông Nho Quế. Huyện từ lâu đã muốn đầu tư điểm dừng chân này nhưng không có kinh phí nên khi tư nhân muốn làm, chúng tôi rất chào đón, không kịp giải quyết thủ tục hồ sơ", chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc nói.
Về vấn đề khiến dư luận quan tâm là dự án Mã Pì Lèng Panorama xâm phạm danh thắng quốc gia đèo Mã Pì Lèng và Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, ông Cường khẳng định rằng công trình nằm ở phần đệm chữ không thuộc vùng lõi cấm xây dựng.
(Theo Nhịp Sống Việt)