- Trong vòng vài ngày, 60 lồng cá diêu hồng, cá leo (khoảng 20 tấn) nuôi trên trục sông Nghèn của người dân huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) bỗng dưng chết trắng.
Sáng 25/9, ông Trần Ngọc Hà (43 tuổi, trú khối 9, Thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) vẫn cặm cụi vớt những con cá diêu hồng, cá leo bị chết trong lồng nuôi trên sông Nghèn.
Người dân nuôi cá lồng bè trên sông Nghèn trắng tay khi cá chết hàng loạt. |
Đầu năm 2015, anh Hà bắt đầu nuôi cá, vụ đầu tiên, anh thả 1.200 con giống/lồng. Lứa cá này, anh đã nuôi được hơn 3 tháng, nặng 0,8 kg. Nếu thuận lợi, vào đầu tháng 11 có thể xuất bán.
Tuy nhiên, chiều 21/9, anh Hà phát hiện nước sông chuyển màu nâu, đục ngầu, còn cá có dấu hiệu lờ đờ, liên tục đớp khí và "chê" thức ăn.
Rạng sáng 22, toàn bộ số cá trong lồng chết trắng, nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Không chỉ gia đình anh Hà, 31 hộ (cùng trú khối 9) nuôi cá lồng trên sông Nghèn cũng bị chết trắng.
Theo ông Hà, những ngày qua, nước sông Nghèn bỗng dưng bị ô nhiễm nghiêm trọng (nước chuyển màu nâu) và bèo tây bao vây khiến số cá trong lồng bị chết.
Ông Trần Trọng, khối trưởng khối 9, Thị trấn Nghèn cho hay, có 32 hộ dân trong xóm đầu tư nuôi cá lồng trên sông Nghèn, mỗi lồng có từ 1.200 - 1.800 con, gồm cá diêu hồng, cá leo, cá chim…
Những hộ này không có ruộng để sản xuất nông nghiệp, trước làm nghề chài lưới trên sông. Ít năm trở lại đây, được chính quyền hỗ trợ để nuôi cá lồng bè nhưng nay toàn bộ cá đã chết trắng.
Ngày 25/9, trao đổi với VietNamNet, ông Phan Văn Cường, Trưởng phòng Nông Nghiệp huyện Can Lộc cho hay, 60 lồng cá (khoảng 20 tấn) nuôi trên trục sông Nghèn bị chết trắng, chủ yếu ở Thị trấn Nghèn, xã Vượng Lộc. Ước tính thiệt hại hơn 1 tỷ đồng.
Sau đó, Chi cục thú y đã về lấy mẫu kiểm tra. Kết luận ban đầu là do nguồn nước của sông Nghèn bị ô nhiễm.
Nhưng để làm rõ lý do vì sao nước sông ô nhiễm (trước giờ chưa có hiện tượng này) thì cần phải xét nghiệm thêm.
Ngoài ra, cá chết còn do bèo tây (hay còn gọi là lục bình, bèo Nhật Bản) trôi về, vây lấy các lồng, khiến cá thiếu oxy.
Văn Đức