- Sau khi có thông tin TP.HCM sẽ có lực lượng 141, người dân ở thành phố mang tên Bác bày tỏ sự hy vọng, tin tưởng trước bài toán nan giải về nạn cướp, giật lộng hành từ lâu nay mà chưa có lời giải ở đây.
>>Cướp giật hoành hành, TP.HCM vẫn 'ngại' học 141
>>'TP.HCM chưa cần lực lượng 141 như Hà Nội'
Việc tốt thì nên làm!
Chiều 21/12, Đại tá Lê Anh Tuấn, Chánh văn phòng Công an TP.HCM, chính thức thông báo, Công an TP.HCM kể từ nay có mô hình lực lượng 141 như Công an TP.Hà Nội.
Mô hình lực lượng 141 của Công an TP.HCM sẽ triển khai từ nay đến hết đợt cao điểm tấn công tội phạm mà chính quyền TP.HCM đang triển khai, đến giữa tháng 3/2013. Cao điểm của đợt này là bảo vệ an ninh trật tự trong dịp tết Tây và tết Nguyên đán.
Thông tin này đã thực sự đem lại hy vọng cho
nhiều người dân đang sinh sống tại TP.HCM. Một bạn đọc chia sẻ: “Tại TP.HCM,
nạn cướp giật đã trở nên phổ biến. Bạn tôi ra đường cũng bị giật điện thoại và
túi xách đến nỗi tối không dám ra đường.
Nếu lực lượng thường xuyên có mặt ở các tuyến phố, thì bọn tội phạm cũng phải dè chừng hơn nhiều và tôi tin là các vụ cướp giật sẽ giảm”.
Cũng cùng chung ý kiến trên, bạn đọc Nguyễn Thảo cho biết: “Tôi đang mang bầu ở tháng thứ 8 mà vẫn bị giật bay túi xách. Tới cả bà bầu mà bọn cướp còn không tha đủ biết bọn cướp giật ở đây không tha ai và chẳng kiêng nể ai.”
Một đối tượng cướp, giật bị bắt giữ (Ảnh: VietNamNet) |
Bạn đọc ở địa chỉ Email: Leminhduc.....@gmail.com cũng vui
mừng: “Lực lượng 141 được thành lập ở TP.HCM là thông tin tốt lành. Những kẻ
đầu trộm đuôi cướp, giang hồ ở thành phố mang tên Bác sẽ không còn cửa để trắng trợn tung hoành nữa.
Người dân sẽ lại được bình an khi ra đường. Chúc các chiến sĩ công an TP.HCM lập được nhiều chiến tích để mang lại cuộc sống yên bình và niềm tin cho nhân dân”.
“Chuyện gì tốt thì nên làm. 141 Hà Nội làm có hiệu quả thì áp dụng cho TP. HCM là một điều hợp lý. Nên xem cách xử sự của các quan chức Châu Âu, Mỹ khi họ luôn tiếp thu cái tốt từ nhân viên, từ đồng nghiệp”, độc giả Hà Trung chia sẻ trên VietNamNet.
Độc giả Nguyễn Hiệp cũng nhấn mạnh: “Hoan nghênh Công an
TP. HCM. Dù tên gọi gì, mô hình nào thì mục tiêu và hiệu quả cuối cùng là trấn
áp triệt để bọn tội phạm đang gây bất an cho đời sống người dân.
Nạn cướp giật ở đây từ lâu nay chính là thủ phạm làm giảm sức hấp dẫn của Thành phố đối với du khách trong nước cũng như nước ngoài”.
“Người dân ở đây dường như quá quen với nạn cướp và thay vì lên án lại tỏ ra cam chịu, chấp nhận như “chuyện thường ngày ở huyện”. Tôi rất mong, mô hình trên sẽ có hiệu quả ở TP.HCM để người dân chúng tôi an tâm mỗi lần ra đường nhất là khi những ngày Tết đang đến gần”, độc giả Lê Thu bày tỏ mong muốn.
Một độc giả khác cũng cho rằng: “Mặc dù nạn cướp đã trở nên nghiêm trọng khi đã xảy ra bao nhiêu vụ án mạng, bao nhiêu vụ mất tài sản… mới thành lập 141 là quá muộn, nhưng tôi vẫn cho rằng, dù muộn nhưng cũng là một tín hiệu cho thấy thành phố đã có quyết tâm trấn áp nạn cướp, giật để đảm bảo cuộc sống bình yên cho người dân”.
“Giơ cao đánh mạnh” với cướp, giật ở TP.HCM
Bên cạnh những chia sẻ bày tỏ niềm vui mừng, tin tưởng trước thông tin lực lượng 141 được thành lập ở TP.HCM, không ít độc giả cũng e ngại nếu như xử phạt còn nương nhẹ thì việc trấn áp tội phạm chỉ như “muối bỏ bể”.
Độc giả ở địa chỉ email: niemtin....@yahoo.com nhấn mạnh:
“Lực lượng công an phải mạnh tay và quyết liệt với những bọn tội phạm này. Đồng
thời, luật pháp cũng cần sửa đổi, tăng nặng mức xử phạt.
Nếu bắt xong rồi chỉ xử phạt hành chính thì bọn cướp, giật sẽ chẳng “bỏ nghề”, đồng thời làm những người tích cực phòng chống tội phạm nản chí”.
Bạn đọc ở địa chỉ bachdan...@yahoo.com cũng đồng quan điểm: “Bắt được tội phạm cướp, giật đề nghị cơ quan chức năng phải trừng phạt chúng nghiêm khắc, để làm gương răn đe cho những kẻ khác. Đây là thật tâm suy nghĩ của người dân muốn chia sẻ tới cơ quan chức năng”.
Lực lượng cảnh sát chui vào cống để truy bắt tên cướp tại Quận 9, TP.HCM mới đây (Ảnh: VietNamNet) |
Ngoài ra, độc giả Nguyễn Xuân Tới cũng kiến nghị: “Nên nhân rộng mô hình này trên toàn quốc đặc biệt ở một số thành phố như Hải Phòng, Bình Dương... Bởi bọn trộm cướp, giật không có đất làm ăn ở các thành phố lớn sẽ dạt đến các tỉnh thành khác tìm đất kiếm sống. Như vậy, người dân vẫn sẽ bị bọn chúng quấy nhiễu”.
Bạn đọc Trần Minh Thúy lại có suy nghĩ: “Tuy nhiên để việc phòng chống tội phạm mang lại hiệu quả bền vững thì TP.HCM không thể chỉ trông chờ vào lực lượng 141 mà phải là sự chung tay góp sức của toàn xã hội.
Theo tôi,
một yếu tố đóng vai trò rất quan trọng đó là sự phát hiện, tố giác của nhân dân
hoặc người dân bắt cướp. Báo chí bấy lâu nay vẫn phản ánh sự "vô cảm" của người
đi đường với cướp giật đường phố, thờ ơ với người bị nạn.
Ngoài ra, công an các phường, quận cũng phải nghiêm túc xử lý mạnh tay các "điểm đen" như các cơ sở kinh doanh trá hình, karaoke …vì đó là những nơi tội phạm có thể ẩn náu”.
Cũng như bạn đọc Trần Minh Thúy, độc giả Hoài Linh ở Bình Dương chia sẻ: "Cần coi trọng giáo dục trong nhà trường, gia đình mới mong hạn chế các hành vi phạm tội của trẻ vị thành niên. Đồng thời, cũng nên quan tâm hơn cuộc sống cũng như tạo việc làm cho tội phạm sau khi mãn hạn tù để các đối tượng này không tái phạm khi tái hòa nhập xã hội mới mong hạn chế nạn cướp, giật ở TP.HCM".
L.Lam