Đầu tiên tôi muốn chia buồn với các bà vợ lấy phải những ông chồng thờ ơ và hơi trẻ con nếu hành động như thế!

Sau đó, tôi muốn gửi đến bạn Anh Hào, tác giả bài viết Vợ đòi giữ tiền, tôi tát sưng mặt! Tôi đọc bài viết của bạn mà cứ nghĩ là tâm sự của một ông chồng đang chịu sự kìm kẹp của một bà vợ khó tính. Không ngờ, đây là những lời từ tâm can của một người đàn ông chưa có vợ.

{keywords}
Ảnh minh họa

Là một người đàn bà có chồng, tôi khuyên bạn thế này. Khi còn yêu nhau không nói, nếu đã là vợ chồng thì theo tôi bạn đừng nên tính toán chuyện tiền nong với vợ và cũng đừng nghĩ vợ bạn đặt điều kiện như vậy là quá đáng. Bởi bạn hãy nghĩ cho kĩ, mục đích của cô ấy giữ tiền là để lo cho tương lai gia đình chứ không phải ôm vào làm của riêng.

Sau này khi lấy vợ, bạn nên vui mừng vì có một người vợ biết tính toán và lo xa. Cuộc sống gia đình với cơm áo gạo tiền không thể như lúc còn yêu, tiền ai mạnh người ấy tiêu được. Như vậy thì thà ở một mình còn hơn.

Tôi biết có một chị bạn chỉ ở nhà nội trợ còn anh chồng làm giám đốc một chi nhánh ngân hàng nhưng tháng nào cũng mang toàn bộ thu nhập về đưa cho vợ. Anh chồng chỉ việc lo cho công việc, tiền nong vợ cầm sẽ tính toán chi tiêu sinh hoạt. Ngoài ra còn lo cho nội ngoại cùng hai người con ăn học đàng hoàng, tử tế.

Vì mọi sinh hoạt trong gia đình đều có vợ tay hòm chìa khóa nên sau giờ làm việc anh chồng vô cùng thoải mái. Cuộc sống như thế không phải là sướng hay sao mà nhiều anh đàn ông cứ phải đắn đo chuyện đưa hay không đưa tiền cho vợ giữ.

Còn chuyện gia đình tôi thì thực tế rất đơn giản. Hai vợ chồng ở cùng bố mẹ chồng, chồng đi làm được bao nhiêu thì đưa hết cho vợ chi tiêu gia đình. Mỗi tháng tôi đưa mẹ chồng một khoản nhỏ để bố mẹ chi tiêu còn đâu vợ chồng tôi lo. Còn chồng tôi tiêu gì thì tôi chỉ việc đưa một khoản nhỏ, nếu phát sinh thì đưa thêm.

Trong gia đình, tôi cũng là người đứng ra quản lý tiền nong, thỉnh thoảng thay chồng mua cho bố mẹ chồng một vài đồ dùng cá nhân như quần áo... Nói chung là tôi thấy rất ổn, tiền nong một mối tuy có tháng thiếu tháng dư nhưng tình cảm vợ chồng theo đó mà bền chặt, sự tin tưởng và sẻ chia theo đó mà tăng lên. Vì thế nên yếu tố để ông chồng đưa tiền cho vợ bao nhiêu là yếu tố đến từ cả phía chồng và vợ.

{keywords}
Ảnh minh họa

Mà tôi cũng thú thực với cánh đàn ông rằng, phụ nữ “tay hòm chìa khóa” cũng chẳng sung sướng gì đâu. Chồng tôi bây giờ cho cầm tiền một tuần để tính toán chi tiêu cho tôi nhẹ đầu mà anh ấy còn nhảy dựng lên không chịu.

Thưa anh Anh Hào, bây giờ anh có thể kêu ca như vậy. Nhưng anh cứ chờ đến khi lấy vợ, anh thử cầm tiền lo chi tiêu xem có dám không? Để xem lúc đó anh còn chẳng có thời gian mà la cà quán xá than thở với bạn. Cầm tiền, hết giờ làm lại vội vội vàng vàng lo xem tối nay ăn gì, hay đã đến ngày thu tiền điện nước chưa, ga còn hay hết, tiền học của con là bao nhiêu…

Hơn nữa anh cũng phải tự hỏi bản thân, vợ là ai? Cưới vợ để làm gì? Có phải vợ là người sẽ cùng mình đi đến cuối cuộc đời và chăm lo cho mình từng miếng ăn giấc ngủ hay không? Lấy vợ mà cứ khăng khăng phân ra tiền anh tiền tôi thì hai từ "gia đình" nó còn có ý nghĩa gì. Tôi nói những điều trên là xuất phát từ chính những gì tôi đã trải qua.

Hương Ly (Hà Nội)

Bài viết trên thể hiện quan điểm riêng của độc giả. Bạn có ý kiến gì về vấn đề này xin gửi phản hồi theo mẫu dưới đây hoặc gửi về email Bandoisong@vietnamnet.vn. Xin cảm ơn các độc giả!