Theo thông tin công bố, ông Lê Quốc Bình, Tổng giám đốc kiêm thành viên HĐQT đăng ký bán hơn 6,047 triệu cổ phiếu.
Trong văn bản đính chính, ông Bình chỉ nắm giữ hơn 6,040 triệu cổ phiếu, ít hơn 7.000 cổ phiếu so với số đăng ký bán trước đó. Lý do được đưa ra là do sơ suất trong quá trình soạn thảo.
Trong khi đó, bà Phạm Thị Thuý Hằng, vợ ông Lê Quốc Bình đã bán ra toàn bộ 4 triệu cổ phiếu, từ ngày 10/10-23/10.
Sau giao dịch bán ra toàn bộ, ông Bình và vợ không còn nắm giữ cổ phiếu nào. Ông Lê Quốc Bình được bầu vào HĐQT CII và được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc công ty từ năm 2012.
Trước đây, ông kiêm nhiệm vị trí giám đốc tài chính và kế toán trưởng từ khi công ty thành lập năm 2001. Ông có trên 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực kế toán, tài chính doanh nghiệp và từng làm việc ở nhiều công ty lớn khác.
Theo thông tin công bố trước đó, vợ chồng ông Bình bán sạch cổ phiếu để chuyển sang đầu tư trái phiếu chuyển đổi mã CII42301. Vợ chồng Tổng giám đốc CII dự kiến bỏ 162 tỷ đồng để mua trái phiếu.
Trước đó, tại Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2023, ông Lê Quốc Bình cho biết, đây là khoản đầu tư dài hạn vào CII. Nắm giữ trái phiếu, số lượng trái phiếu khi chuyển đổi sẽ được nhiều cổ phiếu hơn.
Tin doanh nghiệp niêm yết
Thị trường chứng khoán còn một số sự kiện quan trọng khác của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn.
*FPT: CTCP FPT công bố doanh thu và lợi nhuận trước thuế trong 10 tháng năm 2023 đạt 42.465 tỷ đồng và 7.689 tỷ đồng, tăng 21% và 19,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế cho cổ đông công ty mẹ và EPS lần lượt đạt 5.407 tỷ đồng và 4.268 đồng/cổ phiếu, tăng 18,8% và 18,2%.
* HHV: CTCP Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả thông qua phương án phát hành hơn 82,33 triệu cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 4:1, với giá chào bán 10.000 đồng/cổ phiếu. Ngày đăng ký cuối cùng chốt danh sách cổ đông nhận quyền mua cổ phiếu vào 29/11.
* TIG: CTCP Tập đoàn Đầu tư Thăng Long chốt ngày giao dịch không hưởng quyền nhận cổ tức năm 2022 là 24/11, ngày đăng ký cuối cùng là 27/11. Theo đó, cổ tức sẽ được trả bằng cổ phiếu theo tỷ lệ 10:1 (cổ đông sở hữu 10 cổ phiếu được nhận 1 cổ phiếu mới).
* AAA: CTCP Nhựa An Phát Xanh thông qua việc nhận chuyển nhượng 9 triệu cổ phần tại CTCP Khu công nghiệp Kỹ thuật cao An Phát 1 từ Actis Aiken, với giá 10.000 đồng/cổ phần. Thời gian thực hiện trong quý IV/2023.
* DSN: CTCP Công viên nước Đầm Sen chốt ngày giao dịch không hưởng quyền tạm ứng cổ tức năm 2023 là 28/12, ngày đăng ký cuối cùng là 29/12. Theo đó, cổ tức sẽ được trả bằng tiền mặt theo tỷ lệ 24%, thanh toán bắt đầu từ ngày 12/1/2024.
* CTR: Trong tháng 10, Tổng CTCP Công trình Viettel (Viettel Contruction) ghi nhận 1.117,6 tỷ đồng doanh thu thuần, lợi nhuận trước thuế đạt 66,2 tỷ đồng. Luỹ kế 10 tháng năm 2023, CTR đạt 9.241,7 tỷ đồng doanh thu thuần và hoàn thành 89,4% kế hoạch cả năm.
* ACC: CTCP Đầu tư và Xây dựng Bình Dương ACC thông báo hoãn chi trả cổ tức năm 2022. Nguyên nhân trong năm 2023, các công trình thi công đang triển khai chưa được hoàn thành nghiệm thu như dự kiến dẫn đến việc thu hồi công nợ bị chậm trễ.
* IDP: CTCP Sữa Quốc tế công bố BCTC quý III/2023 với lãi ròng 255 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu và lãi ròng của IDP ở mức 4.978 tỷ đồng và 708 tỷ đồng.
* OCB: Bà Nguyễn Việt Triều, vợ ông Ngô Hà Bắc, Thành viên HĐQT Ngân hàng Phương Đông đăng ký bán 500.000 cổ phiếu từ ngày 16/11-15/12, theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh.
VN-Index
Chốt phiên 14/11, VN-Index tăng 9,66 điểm (+0,88%), lên 1.109,73 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 822,2 triệu đơn vị, giá trị 17.029,6 tỷ đồng.
HNX-Index tăng 1,32 điểm (+0,58%), lên 227,43 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 82,1 triệu đơn vị, giá trị 1.543,8 tỷ đồng.
UpCoM-Index tăng 0,67 điểm (+0,78%), lên 86,65 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 33,9 triệu đơn vị, giá trị 423 tỷ đồng.
Nhận định thị trường, Chứng khoán SHS cho rằng VN-Index gần như kiểm tra hỗ trợ 1.100 điểm thành công tạo cơ sở cho nhịp hồi phục tiếp theo.
Trong ngắn hạn thị trường đang trong giai đoạn hồi phục kỹ thuật tích cực. Ngưỡng kháng cự của VN-Index ở khu vực quanh 1.150 điểm.
Với trạng thái hồi phục hiện tại, khu vực cân bằng mới để tích lũy lại có khả năng trong vùng điểm 1.100-1.150 điểm.
Theo Chứng khoán Vietcombank (VCBS), các nhà đầu tư bám sát diễn biến thị trường trong những phiên tới để có thể kịp thời cơ cấu lại danh mục nếu bất ngờ gia tăng mức độ biến động.
Trong trường hợp chỉ số VN-Index kiểm tra khu vực hỗ trợ ngắn hạn quanh 1/090 +/- 10 điểm thì có thể là cơ hội tốt để giải ngân cho mục tiêu lướt sóng ngắn hạn.
Ngược lại, nếu chỉ số tiếp tục xu hướng đi lên hướng đến các vùng cao hơn thì nhà đầu tư cũng nên tạm thời hạn chế mua đuổi các mã đang tăng nóng. Tìm kiếm cơ hội giải ngân ở các nhóm ngành dẫn dắt trong những phiên gần đây như ngân hàng, dầu khí hoặc những nhóm ngành chưa tăng nhiều so với phần còn lại của thị trường như điện, vận tải biển.