- Cái bánh mì khô khốc. Suất cơm 15 nghìn ăn vội ăn vàng. Đĩa cơm quán lúc ngang chiều nguội ngắt nhưng rẻ… Đối với những người phụ nữ lấy phố phường Hà Nội làm chốn mưu sinh, dường như một bữa trưa ngon miệng đối với họ là một ước mơ xa xỉ.
Cơm đường, cháo chợ
Bước liêu xiêu qua những con phố Hà Nội tràn ngập những nhà hàng, quán ăn ê hề, bà cụ bán hàng rong cố gắng năn nỉ người ta mua giúp mình gói tăm, viên kẹo… Gương mặt bà mướt mải mồ hôi vì trời nắng. Những món hàng “tạp pí lù” mà bà mang trong giỏ, chủ yếu bán được là nhờ tình thương của người đời.
Cái gì cũng tăng, chỉ có hàng là bán chậm lại, tiền lãi giảm đi. |
Năm nay đã 67 tuổi, nhưng bà Ấm (Hoằng Hóa – Thanh Hóa) chưa được nghỉ ngơi. Bà cho biết, bà làm nghề này đã một năm nay cùng một cô cháu ngoại.
Đi suốt từ sáng sớm, nhưng đến giờ ăn trưa, bà vẫn không nghỉ. Chính lúc người ta ăn uống, nghỉ ngơi là lúc có khách, bà phải tranh thủ đi bán.
“Ăn trưa thì phải tầm 2h, 2 rưỡi bà mới đi ăn. Còn giờ này thì phải tranh thù đi bán hàng chứ” – bà cụ cười hiền bảo.
Rồi cũng với nụ cười hiền như thế, bà nhỏ nhẹ nói: “Miếng ăn thì quan trọng gì. Cái bánh mì, chai nước là qua bữa. Bà già rồi, ăn thế nào cũng được, cứ có sức để đi thế thôi”.
“Nhiều khi có khách thương, quý, mời bà ăn nhưng bà không dám ăn. Mình làm nghề này, lại đi ngồi ăn ở đấy với người ta, thể nào cũng bị chủ quán ghét, lần sau họ đuổi hẳn thì mất chỗ bán” – bà tâm sự.
Cũng cảnh bán hàng rong, nhưng cô Hoàng Thị Ngân (Khoái Châu – Hưng Yên) chuyên bán hoa quả trên cầu Long Biên lại có bữa trưa khá khẩm hơn.
“Tôi thường đợi mấy chị em cùng cảnh mua cơm về rồi ăn cùng. Hoặc cũng có khi rủ nhau đi ăn cho rẻ. Nhưng ăn sớm thì cũng phải 1, 2h chiều vì giờ đấy hàng quán họ ngơi khách rồi, thức ăn thừa họ bán rẻ hơn, mấy chị em ăn giờ ấy cũng thoải mái hơn” – cô nói.
Cô Ngân còn “khoe” mình vẫn tìm được quán cơm bán suất 12 nghìn gần chợ: “Quán chỉ bán giá đấy cho chị em đi bán hàng như chúng tôi thôi, mà cũng phải sau 1h họ mới “khuyến mại” cho giá đó. Rau, thịt… đủ cả, xin thêm cơm không mất tiền. Hà Nội bây giờ tìm đâu được quán ăn chịu bán thế!”.
Không có điều kiện ăn chung hay kiếm được những địa chỉ ăn cơm rẻ như thế, chị Trần Thị Liên (Bắc Giang) đi bán hàng rong ở khu vực Nghĩa Tân, Cầu Giấy cho biết: “Trưa nào cũng cơm đường, cháo chợ, một mình lủi thủi thế này thôi!”.
Hộp cơm lơ thơ vài cọng rau của chị Liên. |
Chìa ra một hộp cơm chỉ còn lơ thơ vài cọng rau, nhưng cơm vẫn còn khá nhiều, chị Liên buồn buồn bảo: “Không phải mình khảnh ăn đâu, nhưng đúng nuốt không trôi. Ngày trước suất cơm này cũng chỉ 10 nghìn, bây giờ lên 18 nghìn với miếng chả, miếng thịt, hai miếng đậu và túi nilon nước canh. Có khi gọi quá một tí là hai chục bạc, rát ruột lắm, mà ăn chẳng thấy ngon miệng bao giờ… Không biết đến bao giờ mới hết khổ!”.
Nhà chị Liên có 7, 8 sào ruộng, nhưng làm ruộng không đủ sống. Từ năm lớp 7 chị đã phải nghỉ học đi làm thuê, làm mướn và gần đây ra Hà Nội kiếm sống. Thế nhưng, bao nhiêu hi vọng cần kiệm, lam làm tích cóp để cuộc sống khá hơn lên cứ ngày một héo hắt vì: “Cái gì cũng tăng. Trước nhà tôi thuê có 5 nghìn/đêm ngủ, bây giờ đã 12 nghìn/đêm. Rồi thì tiền điện tăng, tiền ăn tăng… đủ các khoản không tên cũng tăng, chỉ có hàng bán là chậm lại, lãi chẳng tăng được đồng nào mà còn giảm!”
“Ăn cho khỏi chết”?
Không biết người ta nghĩ gì khi hơn một lần nghe câu nói “ăn cho khỏi chết” từ một người phụ nữ? Ở những xóm trọ của người lao động nghèo ở ngay trong lòng Hà Nội, miếng ăn vừa là nỗi lo, vừa là nỗi buồn. Người ta lao vào cuộc mưu sinh là để cuộc sống được tươm tất hơn. Nhưng làm miệt mài, mà sao mãi cuộc sống của họ chỉ thấy nghèo đi, cứ nhìn vào bữa ăn hằng ngày thì biết.
Khu trọ kiêm chỗ làm của những người bán than ở Long Biên – HN. |
Khu trọ của những người bán hàng rong, những chuyên làm than, bán than ở gần cầu Long Biên lúc nhập nhoạng tối mới chỉ lưa thưa vài người đi làm về. Nghề làm than vừa vất, vừa ảnh hưởng đến sức khỏe, nhưng ai nấy cứ hùng hục làm từ sáng đến tối, có khi là làm ca đêm nữa. Thậm chí, có người ngày đi bán than rong, đêm lại xin vào xưởng đóng than, chạy máy. Những gương mặt nam có, nữ có, trẻ có, già có lúc nào cũng mệt mỏi, đầy âu lo.
“Nhà trọ” của họ là những căn phòng nhỏ tí xíu mà đồ đạc chẳng có gì ngoài quần áo lao động. Phụ nữ hoặc các cặp vợ chồng còn ở trong các phòng, đàn ông nhiều người ở luôn trong xưởng, chỗ ngủ được “dựng” tạm lên bằng các tấm gỗ, bạt… đủ kiểu.
“Nếu thuê phòng thì cũng 200 – 300 nghìn/tháng. Còn ở nhờ trong xưởng tuy ồn và bẩn một tí nhưng lại không mất tiền mà lại tiện đi lại”– anh Hùng (quê Hải Dương), một người bán than cho biết.
Ở tạm bợ là thế, bữa ăn của họ cũng hết sức sơ sài.
Dạo qua một vòng xóm trọ, thấy có người đang rang lại cơm nấu từ sáng để ăn tối. Chẳng cần thức ăn hay rau xanh, chỉ cần cơm cũng xong bữa. Có người lại mua sẵn cơm hộp, có người lại đang hì hục nấu nướng.
Góc bếp nhỏ giờ cơm tối của những người dân lao động. |
“Chúng em mấy phòng rủ nhau ăn chung cùng nhau, khoảng 7 – 8 người cùng nấu ăn thì bao giờ cũng tiết kiệm hơn. Không tốn tiền than củi, chia ra mỗi bữa không kể tiền gạo thì chỉ 5000 – 7000 đồng/người” – chị Nhàn, một người trong xóm cho biết.
Bữa cơm chị đang nấu có một chảo thịt rang bé xíu, nồi canh rau dền to tướng
và chảo đậu rán. Chị tâm sự: “Ngày thường thì cứ một mớ rau to, đậu, trứng, cá
khô… luân phiên. Thịt cũng mua nhưng chỉ ăn “gọi là” thôi. Các thức tươi khác ít
lắm. Nhiều lúc chị em nói vui với nhau, ăn cho khỏi chết, chứ làm như thiêu thân
suốt ngày tháng mà chẳng dư dả đồng nào, làm gì biết miếng nào là ngon, mà cũng
làm gì được miếng nào ngon, chỉ biết miếng “rẻ” thôi, càng rẻ lại càng tốt!”.
Quỳnh Anh