- Trao đổi với VietNamNet, Trưởng phòng Văn hóa huyện Thuận Thành cho biết: BQL đình Đông Cốc đã từng bán một cây sưa vài năm trước đó để trùng tu, tôn tạo di tích.
Sự việc các cụ trong BQL đình Đông Cốc (xã Hà Mãn, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) có văn bản kiến nghị xin được bán cây sưa cổ thụ 200 tuổi để lấy tiền trùng tu, tôn tạo di tích đã thu hút sự quan tâm của dư luận.
Cây sưa cổ thụ trước cổng di tích lịch sử Quốc gia đình Đông Cốc đang được xin ý kiến để bán với giá 50 tỷ đồng. |
Đây là một trong hai cây sưa cổ thụ còn sót lại được trồng trong khuôn viên khu di tích hàng trăm năm nay. Mức giá của cây sưa cổ thụ được BQL đình Đông Cốc đưa ra lên tới 50 tỷ đồng.
Nằm trên mảnh đất giàu truyền thống văn hóa, với nhiều di tích lịch sử, đền chùa cổ kính của vùng Dâu – Keo, khởi nguồn trung tâm Phật giáo Thuận Thành với những địa danh như chùa Dâu, chùa Bút Tháp…, đình Đông Cốc là một trong nhiều di tích đã được Bộ VHTTDL phong tặng di tích lịch sử cấp Quốc gia.
Ông Lê Xuân Bắc (Trưởng phòng Văn hóa huyện Thuận Thành) thông tin: năm 2012, xã Hà Mãn có đơn gửi các sở, ngành xin được bán cây sưa trên để trùng tu đình. Phòng Văn hóa huyện Thuận Thành đã trực tiếp xuống kiểm tra, xác minh sự việc. Khi đó, có người đã “đặt cọc” 200 triệu đồng.
Cây sưa cổ thụ trong đền Chóa (huyện Yên Phong, Bắc Ninh) cũng bị nhiều thương lái dòm ngó. |
“Đây là di tích lịch sử cấp Quốc gia. Cây sưa cổ thụ nằm trong khuôn viên di tích, đương nhiên thuộc tài sản của Di tích, được Bộ VHTTDL quản lý, bảo vệ. Vì thế, nếu không có quyết định của Bộ VH, không đơn vị, cá nhân nào được phép tự ý bán cây cả” – ông Bắc nói.
Ngay khi đó, Phòng Văn hóa huyện Thuận Thành đã yêu cầu các cụ trong BQL Di tích đền Đông Cốc phải giữ nguyên hiện trạng, bảo vệ tài sản chung của khu di tích.
“Cách đây 5 – 6 năm, một cây sưa cổ thụ có tuổi đời chừng 100 năm tuổi cũng bị bán. Khi người trả tiền mua cây chuẩn bị vận chuyển cây ra khỏi di tích, công an huyện Thuận Thành biết được sự việc đã đứng ra ngăn chặn. Vụ việc xử lý kéo dài tới 6 tháng trời”.
Về giá tiền bán cây sưa thời điểm đó, ông Bắc cho biết không ai nắm được con số cụ thể.
“Tuy nhiên, cuối cùng phải xử lý theo phương án “đổi công trình lấy công trình”. Người đứng ra mua cây sưa nói trên đã phải xây dựng lại một ngôi đình mới khang trang, và phải làm bằng gỗ lim đẹp đẽ. Giá trị của ngôi đình mới này ước tính hơn 1 tỷ đồng” – trưởng phòng Văn hóa huyện Thuận Thành cho hay.
Ngoài cây sưa cổ thụ đang được “xin ý kiến” để bán với giá 50 tỷ đồng, đình Đông Cốc còn một cây sưa khác lớn hơn rất nhiều, tuổi ước chừng 400 năm tuổi, đường kính thân khá lớn tới ba người ôm.
“Chính quyền huyện Thuận Thành, chính quyền tỉnh Bắc Ninh không chấp nhận ý kiến xin bán cây sưa của BQL di tích. Di tích đã được trùng tu khang trang từ vài năm trước, và là di tích cấp Quốc gia do Bộ quản lý. Việc trùng tu, tôn tạo… hay bất cứ điều gì đều do Bộ VH quyết định. Chúng tôi sẽ bảo vệ cây, bảo vệ tài sản của di tích đình Đông Cốc trong quyền hạn, trách nhiệm của chính quyền địa phương” – ông Bắc khẳng định.
Hiện tại, nhiều xã, huyện trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đều đang có nhiều cây sưa cổ thụ. Trước cơn sốt gỗ sưa, những địa danh này đang trở thành “đích ngắm” của những thương lái sẵn sàng bỏ tiền tỷ để “gạ gẫm” đốn hạ.
Kiên Trung