Thời gian qua, thị trường bất động sản đã khiến không ít đại gia máu mặt sa chân cũng là lúc "đại gia điếu cày" Lê Thanh Thản – Giám đốc Công ty Xây dựng số 1 Lai Châu lại nổi lên như tia sáng hiếm hoi của cả thị trường. Vậy đâu là bí quyết thành công của chủ nhân chuỗi khách sạn Mường Thanh?

Khả năng nhìn xa trông rộng

Bắt đầu khởi nghiệp từ tuổi 20, sau hơn 20 năm hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, đến nay, cơ ngơi của vị đại gia hút thuốc lào, đi Rolls-Royce - Lê Thanh Thản thật đáng khâm phục với 4 dự án chung cư đình đám và hơn 30 khách sạn mang tên Mường Thanh trên cả nước, trải dài khắp các tỉnh thành.

Một trong những bí quyết giúp ông Thanh Thản có thể “ung dung” trong khi thị trường đóng băng là khả năng “nhìn xa trông rộng”.

Từ cả chục năm trước, khi khái niệm thu mua và sáp nhập (M&A) vẫn còn xa lạ thì ông Thản đã bắt tay thâu tóm hàng loạt dự án chậm tiến độ.

Điều kiện đáp ứng rất đơn giản: đất sạch (đã giải phóng mặt bằng, không tranh chấp – PV), vị trí thuận lợi và đã có đầy đủ thủ tục triển khai dự án.

Ngoài ra, theo vị doanh nhân xứ Nghệ cho biết thêm: “Tất nhiên, những dự án như vậy phải có giá rẻ hoặc chủ đầu tư chịu cắt lỗ, chúng tôi mới mua”.

Bởi ông Thản cho rằng, với những dự án đã hoàn tất đầy đủ thủ tục pháp lý như vậy, doanh nghiệp có thể nhanh chóng thi công, tạo ra sản phẩm đủ điều kiện bán hàng để tung ra thị trường.

Chính phương châm này đã giúp đại gia điếu cày thâu tóm thành công hàng loạt dự án Đại Thanh (trước đó của công ty Hải Phát), chung cư tại khu đô thị Kim Văn – Kim Lũ (mua của Vinaconex 2), chung cư VP3 – VP5 Linh Đàm của công ty Thành Nam…

Và toàn bộ các dự án này đều được bán hết veo ngay cả khi tâm lý mọi người đều ngại chi tiền cho bất động sản vì sợ giá xuống thấp hơn nữa.

Những dự án "không thể rẻ hơn"

Đến tận bây giờ, khu vực mà ông Thản đầu tư chưa bao giờ được coi là “đẹp”.

Tuy nhiên, ông Thản có chiến lược kinh doanh bất động sản khác biệt so với các doanh nghiệp cùng ngành, đó là phân khúc khách hàng.

Ông Thản nổi tiếng với việc kinh doanh phân khúc nhà ở thương mại trung bình, với giá bán khoảng 15 triệu đồng/m2, căn hộ tại các dự án bất động sản mà ông Thản bán đều có giá trị nằm trong khoảng 600 triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng, đây là phân khúc nhà ở có nhu cầu rất lớn.

Do đó, các dự án này mỗi khi mở bán đều đắt như tôm tươi, lượng căn hộ hàng năm được bán ra lên đến cả chục nghìn căn hộ.

{keywords}
Chung cư Đại Thanh của ông Lê Thanh Thản.

Gây sốt trên thị trường một thời gian dài từ những năm 2011, chung cư Đại Thanh của Xí nghiệp xây dựng số 1 Lai Châu do ông Lê Thanh Thản làm giám đốc có thời điểm bán với giá chênh lên tới 200 triệu đồng/căn.

Mở bán tháng 7/2012 với mức giá chỉ 13 triệu đồng/m2, chung cư Đại Thanh là dự án gây sốc và xôn xao toàn thị trường.

Trong bối cảnh giao dịch ảm đạm của thị trường địa ốc, không khí “mua tranh bán cướp” ở sàn Mường Thanh – nơi diễn ra hoạt động mua bán chung cư Đại Thanh, khiến cho các chủ đầu tư dự án khác phải thèm thuồng.

Vị trí đắc địa hơn so với chung cư Đại Thanh, dự án nhà ở VP5 Linh Đàm do công ty cổ phần sản xuất xuất nhập khẩu BEMES trực thuộc Xí nghiệp xây dựng tư nhân số 1 Lai Châu của đại gia Lê Thanh Thản vừa mở bán đã gây sốt trên toàn thị trường bất động sản.

Đội ngũ “cò” đua nhau hét giá chênh lên tới xấp xỉ 200 triệu đồng/căn vị trí đẹp.

Không giống như Đại Thanh có mức chênh phổ biến chỉ khoảng 20-50 triệu đồng, dự án VP5 Linh Đàm suốt nhiều ngày được cánh môi giới giữ mức chênh cao.

Bạo vì tiền Chính nhờ khả năng quay vòng vốn nhanh khi hàng tung ra thị trường nhanh chóng bán hết, Công ty Xây dựng số 1 Lai Châu của ông Thản là một trong số ít doanh nghiệp bất động sản trường vốn và đủ khả năng “bạo vì tiền”.

Ông Thản từng nói, sở dĩ ông dám bán nhà ở khu Đại Thanh với giá 10 triệu đồng/m2 mà vẫn có lãi vì trong dự án này, công ty ông không sử dụng nguồn vốn vay ngân hàng, hoàn toàn là nguồn vốn tự có.

Trong khi tổng vốn đầu tư của Dự án Đại Thanh theo dự toán là 3.500 tỷ đồng, trong đó khoảng 20 block chung cư có vốn đầu tư ước 2.400 tỷ đồng.

{keywords}
Khách sạn Mường Thanh - nơi làm nên tên tuổi của "đại gia điếu cày".

Nếu không vay ngân hàng, chủ đầu tư cần tự có khoảng 50% vốn (chi phí để hoàn thiện cơ sở hạ tầng và xây xong móng để đủ điều kiện bán hàng).

Như vậy, riêng Dự án Đại Thanh, trong tay ông Thản phải có khoảng 1.200 tỷ đồng.

Điều này cũng là hợp lý bởi trong tay doanh nghiệp của ông có tới hơn 30 khách sạn Mường Thanh và rất nhiều dự án chung cư khác cần đến tiền.

Tuy nhiên chỉ cần 1 dự án Đại Thanh với số vốn tự có lên tới hơn nghìn tỷ cũng đủ khiến cho giới bất động sản phải ngưỡng mộ vị đại gia giản dị, đi xe triệu đô vẫn hút điếu cày này.

(Theo ĐS PL)