Chiều 16/11, Đoàn kiểm tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo do ông Phạm Hùng Anh, Vụ trưởng Vụ Cơ sở vật chất làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Tuyên Quang về việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2023.
Chủ trì buổi làm việc, ông Nguyễn Thế Giang, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang cho biết, thời gian qua, Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, các huyện, thành phố bám sát kế hoạch thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh, chủ động thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.
Đồng thời, xây dựng các hướng dẫn thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu thuộc trách nhiệm của ngành, của địa phương và tổ chức thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch theo lĩnh vực ngành quản lý và địa bàn được phân công phụ trách. Tỉnh cũng ban hành nhiều cơ chế, chính sách để thực hiện chương trình.
Người dân có nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Phong trào “Tuyên Quang chung sức xây dựng nông thôn mới” đã trở thành một phong trào có sức lan tỏa mạnh mẽ, sâu rộng, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, đặc biệt là sự đồng lòng, hưởng ứng của người dân.
Tỉnh chú trọng tổ chức thực hiện kiểm tra, đánh giá định kỳ và đột xuất công tác lãnh đạo, chỉ đạo và việc chấp hành quy định về quản lý và việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 và năm 2023 (sau đây viết tắt là Chương trình) của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện Chương trình trên địa bàn tỉnh.
Đánh giá khách quan tiến độ, kết quả thực hiện nhiệm vụ, kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc, tồn tại trong quá trình tổ chức thực hiện. Từ đó có những biện pháp chỉ đạo, hướng dẫn, chấn chỉnh, xử lý, khắc phục, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, thiếu sót, tồn tại trong quá trình thực hiện; đề ra những giải pháp chủ yếu, trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, địa phương, tổ chức, cá nhân liên quan trong việc tổ chức thực hiện Chương trình.
Theo Báo cáo của UBND tỉnh Tuyên Quang, hết năm 2022, toàn tỉnh có 62/122 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới, 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; tiêu chí bình quân đạt 15,12 tiêu chí/xã. Thành phố Tuyên Quang đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới theo Quyết định số 320/QĐ-TTg ngày 08/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Năm 2023, tỉnh đang chỉ đạo triển khai thực hiện kế hoạch mục tiêu xây dựng 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Nâng tiêu chí bình quân trên xã toàn tỉnh đạt 15,7 tiêu chí/xã.
Tỉnh phấn đấu trong năm nay hoàn thành 228,8 km đường giao thông nông thôn và 39 cầu trên đường giao thông nông thôn; kiên cố hóa kênh mương nội đồng 62,7 km; xây dựng, nâng cấp 6 nhà văn hóa xã, 8 sân thể thao xã, 70 nhà văn hóa thôn, 20 sân thể thao thôn và hỗ trợ trang thiết bị cho 85 nhà văn hóa thôn; xây dựng 1.010 nhà cho hộ nghèo… Trong năm 2023, nhân dân trong tỉnh đã đóng góp 88,5 tỷ đồng để làm đường giao thông và các công trình phúc lợi khác.
Sau khi nghe báo cáo tình hình công tác xây dựng nông thôn mới tại tỉnh Tuyên Quang, Đoàn kiểm tra đã trao đổi làm rõ thêm những kết quả về tiến độ giải ngân nguồn vốn thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới; việc xây dựng các sản phẩm OCOP; duy trì các tiêu chí đối với các xã đạt chuẩn nông thôn mới; việc đầu tư cơ sở vật chất cho các trường học; biên chế giáo viên; việc xây dựng trường chuẩn quốc gia...
Ông Phạm Hùng Anh, Vụ trưởng Vụ Cơ sở vật chất, Bộ giáo dục và Đào tạo, Trưởng đoàn kiểm tra khẳng định: Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã được triển khai thực hiện hiệu quả từ tỉnh đến cơ sở. Tuy nhiên, qua thực tế kiểm tra cho thấy, một số xã đã đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn trước chưa thực sự bền vững, việc duy trì, giữ vững và nâng cao chất lượng tiêu chí đã đạt chuẩn còn hạn chế. Các tiêu chí về môi trường chưa được cơ sở chú trọng. Những tiêu chí về cơ sở vật chất văn hóa, giáo dục... cần nỗ lực nhiều hơn.
Trưởng đoàn kiểm tra cũng đề nghị, tỉnh cần thường xuyên tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ về Chương trình xây dựng nông thôn mới và xác định được trách nhiệm chủ thể của người dân. Công tác tuyên truyền phải đi trước, có chiều sâu, cụ thể, dễ hiểu. Tỉnh cần xác định cụ thể, cân đối nguồn lực để thực hiện mục tiêu phấn đấu các xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Việc công nhận các tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới cần thực chất, tránh ép tiêu chí. Đề nghị tỉnh Tuyên Quang chú trọng hơn nữa đến các tiêu chí liên quan đến lĩnh vực văn hóa, giáo dục để góp phần nâng cao hơn nữa mức sống của người dân. Cùng với đó, cần có các giải pháp để duy trì và nâng cao chất lượng các xã đạt chuẩn nông thôn mới.