Vùng châu thổ Đồng bằng sông Cửu Long hiện có 44 thành phần dân tộc cùng sinh sống, trong đó có 43 dân tộc thiểu số, chiếm gần 7,6% dân số toàn vùng. 

Theo thống kê, cộng đồng dân tộc thiểu số ở đây ngụ cư ở 222 xã, trong đó có 168 xã khu vực I, 4 xã khu vực II và 50 xã khu vực III, chiếm 3,22% số xã vùng dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn của cả nước; có 252 thôn đặc biệt khó khăn, chiếm 1,9% số thôn vùng dân tộc thiểu số, đặc biệt khó khăn của cả nước...

Cũng như các vùng miền khác, Đảng và Nhà nước ta thường xuyên quan tâm, chăm lo, đầu tư hỗ trợ, cùng với đó là sư nỗ lực của từng địa phương và nên kinh tế - xã hội của Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, nhờ đó, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng đã có bước phát triển khá. Kết cấu hạ tầng vùng dân tộc từng bước phát triển. Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tái cơ cấu nông nghiệp, quy hoạch sản xuất theo hướng nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm, thích ứng với biến đổi khí hậu được đẩy mạnh.

Ảnh minh họa

Các chính sách dân tộc, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã được xác định cụ thể tại Quyết định 1719 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: 2021 - 2025, với nhiều dự án, tiểu dự án có nội dung cụ thể. 

Hiện nay, toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long có trên 2.000 cơ sở giáo dục Mầm non, gần 5.700 cơ sở giáo dục Tiểu học, hơn 1.340 cơ sở giáo dục Trung học Cơ sở và 350 cơ sở giáo dục Trung học Phổ thông. Vùng có 10/13 tỉnh, thành phố đã có trường Đại học; ba tỉnh còn lại là Cà Mau, Bến Tre, Sóc Trăng có các chi nhánh và phân hiệu của các trường Đại học.

Cùng với đó, nhiều chương trình liên kết, đề án đào tạo Đại học, sau Đại học được các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện. Trong đó, Đề án “Mê Công 1.000” (Đề án đào tạo 1.000 cán bộ khoa học kỹ thuật cho 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long) thể hiện sự nỗ lực phối hợp giữa Trường Đại học Cần Thơ với các tỉnh, thành phố trong vùng.

Vùng còn có cơ sở đào tạo hệ Đại học về Ngôn ngữ - Văn hóa - Nghệ thuật Khmer Nam Bộ duy nhất của cả nước tại Trường Đại học Trà Vinh. Những kết quả này được ghi nhận là những “điểm sáng” trong giáo dục Đại học của vùng.

Tại Hội nghị phát triển giáo dục và đào tạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tại thành phố Cần Thơ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh nhấn mạnh, Đồng bằng sông Cửu Long có 43 thành phần dân tộc; trong đó, chiếm số đông là đồng bào dân tộc Khmer, Hoa, Chăm... Vì vậy, giáo dục chuyên biệt có điều kiện phát triển.

Tuy nhiên, toàn vùng chỉ có 47% trường đặc thù đạt chuẩn quốc gia. Do đó, Bộ trưởng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, các địa phương triển khai các giải pháp để đồng bào các dân tộc thiểu số có cơ hội tiếp cận giáo dục bình đẳng. Ngành Giáo dục tham mưu Chính phủ để đào tạo giáo viên là người địa phương, cơ cấu tỷ lệ giáo viên là người dân tộc; cần có chính sách giáo dục đặc thù riêng cho vùng.

Vùng đồng bằng sông Cửu Long đang trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, nên tạo nguồn nhân lực là vấn đề quan trọng cần được ưu tiên giải quyết để đáp ứng tốt nhu cầu của sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững chung và đặc biệt là cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo đó, việc thực hiện nội dung tạo sinh kế phát triển bền vững cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, là một trong những giải pháp quan trọng cần phải tập trung thực hiện đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn. Từ thực tiễn cuộc sống cho thấy, để giảm nghèo bền vững cho đồng bào ở khu vực này, cần giải quyết các vấn đề đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm vùng đồng bào dân tộc thiểu số, có được vậy mới giải quyết được vấn đề sinh kế ổn định cho lực lượng còn trong tuổi lao động đang là người tạo thu nhập chính trong các gia đình.

Cửu Long