Với việc chia thành 2 hướng ứng dụng và nghiên cứu, Quy chế đào tạo trình độ thạc sĩ vừa ban hành ngày 15/5/2014 đã góp phần giúp các cơ sở giáo dục đại học tiếp cận với chương trình đào tạo thạc sĩ trên thế giới.

PGS.TS Khắc Nguyên đã chia sẻ 2 vấn đề mới trong quy chế mới ban hành so với  Quy chế số 10/2011.

Tự chủ, công khai và minh bạch trong đào tạo

Mục tiêu mới của Quy chế đào tạo trình độ thạc sĩ đã cụ thể hoá những quan điểm, tư tưởng đổi mới về giáo dục của Đảng và Nhà nước được thể hiện thông qua Luật Giáo dục đại học, Nghị quyết 29/NQ-TW và các Nghị quyết khác của Đảng và Nhà nước về đổi mới giáo dục đại học trong bối cảnh hiện nay.

{keywords}

Từng bước nâng cao chất lượng đào tạo trình độ thạc sĩ theo hướng tiếp cận với đào tạo sau đại học ở trường đại học ở các nước tiên tiến trên thế giới.

Tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trước xã hội, đất nước của cơ sở giáo dục đại học trong việc đào tạo trình độ thạc sĩ phục vụ cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.

Tăng cường công khai, minh bạch trong đào tạo trình độ thạc sĩ của cơ sở giáo dục đại học; tăng cường giám sát của xã hội đối với việc đào tạo trình độ thạc sĩ ở các cơ sở giáo dục đại học.

Định hướng cụ thể

Chương trình đào tạo thạc sĩ được chia làm 02 loại: Theo định hướng ứng dụng và định hướng nghiên cứu. Đây có thể nói là một quy định mới để cho các cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam tiếp cận với đào tạo thạc sĩ ở các nước tiên tiến trên thế giới.

Tuyển sinh:

Những thay đổi trong quy định về thi, miễn thi ngoại ngữ, văn bằng tốt nghiệp đại học, kinh nghiệm làm việc đã tăng tính khả thi và những thay đổi đó phù hợp với thực tế về trình độ chuyên môn, ngoại ngữ của người dự tuyển; phù hợp với sự đa dạng của đối tượng tham gia dự thi.

Đối với các ngành đặc thù hoặc chương trình đào tạo định hướng ứng dụng, thủ trưởng cơ sở đào tạo có thể quy định thay thế môn thi không chủ chốt của ngành, chuyên ngành bằng phương thức kiểm tra năng lực khác phù hợp. Điểm thay đổi này thể hiện tính thực tiễn của công tác quản lý nhà nước, tăng cường tính tự chủ của cơ sở đào tạo nhưng vẫn phải đảm bảo đúng những quy định chung.

Trong quy chế lần này đã đề cập đến việc chấm thẩm định nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm của thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học, người chấm thi; tăng cường sự giám sát, đảm bảo sự công bằng xã hội trong tuyển sinh.

Tổ chức đào tạo:

Do có 02 chương trình đào tạo nên việc tổ chức đào tạo được thực hiện theo hai phương thức khác nhau và đã chú ý đến thực tiễn đào tạo ở các cơ sở giáo dục đại học hiện nay; mở rộng quyền tự chủ cho cơ sở giáo dục đại học trong việc quy định về tổ chức thi, kiểm tra, đánh giá; đối với học phần ngoại ngữ, cơ sở đào tạo không bắt buộc học viên phải học tại cơ sở của mình nhưng có tổ chức đánh giá học phần theo quy định.

Về luận văn thạc sĩ

Điểm mới trong quy định đối với luận văn theo định hướng ứng dụng thì người hướng dẫn thứ 2 có thể là người có trình độ thạc sĩ, được công nhận học vị từ 3 năm trở lên và có 15 năm kinh nghiệm thuộc lĩnh vực đề tài luận văn.

Hội đồng đánh giá luận văn:

Quy định cụ thể hơn về tiêu chuẩn thành viên hội đồng. Đối với Hội đồng đánh giá luận văn theo định hướng ứng dụng phải có 01 thành viên làm công tác thực tế thuộc lĩnh vực đề tài có thể ứng dụng tham gia là ủy viên hội đồng, nếu là thạc sĩ thì phải được công nhận học vị từ 3 năm trở lên và có 15 năm kinh nghiệm thuộc lĩnh vực đề tài có thể ứng dụng;

Quy định cụ thể hơn về yêu cầu đối với luận văn, đặc biệt đề cao vấn đề trích dẫn nguồn cụ thể khi tham khảo tài liệu; yêu cầu về “giá trị khoa học, giá trị thực tiễn, giá trị văn hoá, đạo đức và phù hợp với thuần phong mỹ tục của người Việt Nam”; có quy định chế tài cụ thể khi thẩm định luận văn không đạt yêu cầu.

Quy định về quyền và trách nhiệm tổ chức thẩm định lại luận văn của thủ trưởng cơ sở đào tạo để đảm bảo chất lượng của luận văn, nâng cao tinh thần trách nhiệm của học viên, người hướng dẫn và hội đồng chấm luận văn.

PGS.TS Khắc Nguyên