Những ngày gần đây, trên các hội nhóm về ẩm thực, review ăn uống hay những xóm chợ nhỏ liên tục gây xôn xao về món "bánh mì siêu dừa" khiến nhiều người đổ xô đua nhau đặt mua về ăn thử.
Thậm chí, trên một số hội nhóm vì số lượng đặt mua nhiều nên người bán không cung cấp xuể đành hẹn trả hàng vào những hôm sau.
Những chiếc bánh mì siêu dừa được quảng cáo rầm rộ trên mạng xã hội những ngày gần đây
Với lời quảng cáo về chiếc bánh mì siêu dừa thơm nức, vàng rộm có trọng lượng trên 200 gram. Bên trong chiếc bánh mì là rất nhiều dừa sợi, bên ngoài lớp vỏ nướng vàng được phết chi chít vừng.
Với những lời quảng cáo "có cánh" về chiếc bánh mình siêu dừa này thì giá bán của chúng cũng nhảy múa liên hồi dao động từ 18.000 - 25.000 đồng/chiếc. Thậm chí, để tiêu thụ lấy số lượng nên không ít người bán theo combo 69.000 đồng/3 chiếc.
Bài đăng quảng cáo về những chiếc bánh mì dừa đặc sản Thái Nguyên
Hình ảnh bắt mắt, cộng với sự tò mò về chiếc bánh mì "siêu dừa" được quảng cáo là có thương hiệu nổi tiếng nên không ít người đã nhanh chóng đặt mua về ăn thử.
Thế nhưng, kì vọng bao nhiêu thì những chiếc bánh mì "siêu dừa" lại khiến mọi người thất vọng bấy nhiêu. Hình ảnh thực tế khi những chiếc bánh mì đến tay... là ỉu xìu, trắng ởn, chạy qua hàng vừng.
Ảnh shop đăng và chiếc bánh mì khách nhận được khác nhau một trời một vực
Không chỉ cân nặng không đủ mà chất lượng bánh cũng khác xa quảng cáo, ít vừng, ít dừa...
Thậm chí, một vị khách còn làm hình ảnh so sánh bánh mì quảng cáo và sản phẩm thực tế nhận được để mọi người dễ dàng quan sát. Bên dưới các bài đăng, không ít người cũng phàn nàn về những chiếc bánh mì siêu dừa mà mình đặt mua chất lượng đều không được như quảng cáo trên mạng xã hội.
Hình ảnh một chiếc bánh mì dừa trắng ởn, bở bục được một dân mạng chia sẻ
Không hề vàng rộm, cầm nặng tay như những lời quảng cáo
Ngay sau khi những hình ảnh trên được chia sẻ lên mạng xã hội đã khiến nhiều người xôn xao. Một số người bày tỏ thất vọng về chiếc bánh mì đang "nổi như cồn" trên mạng xã hội và cảm thấy may mắn vì chưa đặt mua.
Thế nhưng, bên cạnh đó nhiều người cũng cho rằng rất có thể chị em đã mua phải những chiếc bánh mì "fake" chứ không phải của cơ sở gia truyền như quảng cáo trên mạng xã hội.
(Theo Pháp Luật và Bạn Đọc)