Khắp đất nước mình còn quá nhiều người tốt
- Cảm xúc của anh khi được mời tham gia chương trình những cá nhân tiêu biểu học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh lần này tại Hà Nội?
Tôi nhận được rất nhiều bằng khen trong cuộc đời làm nghề nhưng có lẽ bằng khen của Thủ tướng Chính phủ mang một tính chất rất đặc biệt. Nó ghi nhận tấm gương học tập và làm theo tư tưởng, phong cách đạo đức Hồ Chí Minh. Tôi không nghĩ mình được tôn vinh và ghi nhận như vậy. Qua một quá trình dài 30 năm trong nghề và trực tiếp được nhận bằng khen lần này để ghi nhận đóng góp của mình cho nghệ thuật dân tộc là một động lực lớn để tôi và các anh chị em đồng nghiệp có thể cố gắng phấn đấu nhiều hơn nữa để giữ gìn những giá trị cũ và vươn tới ước mơ, khao khát phát huy những giá trị đó.
- Tính tiêu biểu của phong cách Hồ Chí Minh được anh thể hiện trong hoạt động nghệ thuật lẫn giảng dạy ra sao?
Được tham gia những chương trình tôn vinh những tấm gương từ miền Nam ra thủ đô, tôi thấy khắp đất nước mình có quá nhiều người tốt. Họ có những hành động mang tính hy sinh cho những người xung quanh. Khi được nghe họ kể, tôi thấy sự đóng góp của tôi còn quá nhỏ bé. Nhiều người dành cả đời vì những công việc chung khiến tôi xúc động.
Chính Bác Hồ khi còn sống đã quan tâm đến bản sắc văn hóa dân tộc. Một đất nước nếu không có bản sắc riêng thì khó có tư thế để nói chuyện với những đất nước khác. Khi tôi theo nghệ thuật dân tộc, tôi đi sâu hơn về nghiên cứu và giảng dạy, từ đó tôi nhận ra giá trị đó. Tất cả các nghệ thuật dân tộc Việt Nam được thế giới công nhận, tạo được mỹ cảm với bạn bè quốc tế. Chúng ta có gian nan và khó khăn nhưng vẫn còn rất nhiều người bám trụ, yêu thương nghệ thuật dân tộc.
Ở trường tôi, năm nào cũng có nhiều bạn trẻ thi vào học cải lương. Chúng tôi chăm chút cho họ, xem họ như chính là những sứ giả tương lai cho sân khấu dân tộc, đặc biệt là sân khấu cải lương.
Tôi cũng nhìn ra những người bạn của tôi ở những loại hình khác như Chèo, Tuồng... đang ngày đêm miệt mài chăm chỉ với đam mê, không nghĩ đến những lợi ích cá nhân. Theo tôi, những người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa phải giữ vững niềm tin hơn nữa, tìm mọi cách để tham mưu và phải đi trước đón đầu thời đại để nghệ thuật dân tộc có thể đáp ứng được nhu cầu giải trí, nhu cầu thưởng thức của thời đại. Như vậy nghệ thuật dân tộc mới được sống và phát triển. Đó là những điều chúng ta cần phải làm được.
Nghệ sĩ Lê Nguyên Đạt dành nhiều tâm huyết cho cải lương |
- Niềm đam mê cải lương trong anh xuất phát từ đâu và được nuôi dưỡng như thế nào?
Tôi sinh ra tại TP HCM, với tuổi trẻ của tôi, cải lương giống như một điều gì đó rất lung linh. Sau đó gia đình tôi chuyển về Cần Thơ sinh sống, sống giữa môi trường cải lương. Tôi vẫn nhớ hàng đêm trốn ba mẹ đi xem cải lương. Lâu dần, cải lương ngấm vào máu tôi lúc nào không hay.
Sau đó, tôi quyết tâm xin mẹ lên Sài Gòn học. Cải lương gần như định mệnh và cái duyên của tôi. Khi cảm thấy bản thân không đáp ứng được việc là nghệ sĩ, tôi đã chuyển học nghề đạo diễn và theo đuổi đam mê của mình.
- Vì sao anh vẫn luôn không ngừng cố gắng trong khi bộ môn cải lương có thể nói là đang hấp hối?
Có rất nhiều lời mời, cơ hội để tôi thay đổi tốt hơn trong cuộc sống. Nhưng cứ đến lúc tôi cần quyết định lại không thể. Tôi quay quắt, nhớ cải lương giống tương tư người yêu. Bây giờ tôi cũng gần 50 tuổi rồi, cải lương có lẽ đã trở thành nghiệp của tôi.
Tôi chấp nhận là người truyền lửa cho các em. Niềm hy vọng của tôi đó là có thể nhìn thấy cải lương được nhiều người ghi nhận. Mong muốn cải lương trở thành điều tất yếu mọi người tìm đến của dân tộc. Tôi sẽ cùng những cộng sự và học trò của mình thực hiện những dự án mới để có thể đưa cải lương tiến gần tới khán giả.
- Nhắc đến Cải Lương có lẽ nhiều người sẽ nghĩ ngay tới những nghệ sĩ nhiều tuổi, thuộc thế hệ đi trước, còn anh thì còn khá trẻ, sự cống hiến, đóng góp của anh với cải lương có quá lớn so với độ tuổi?
Có thể nói thẳng rằng, sự tiếp nối giữa tôi và các cô chú anh chị đi trước bị có khoảng cách hơi xa. Tôi biết tuy muộn nhưng vẫn có cơ hội. Tôi phải làm việc bằng 3-4 người khi vừa đi học vừa hoàn thiện công việc quản lý nhà nước, vừa là một thầy giáo và là nhà dàn dựng chuyên môn. Tôi có may mắn khi được sự ủng hộ tin yêu của đồng nghiệp và các cô chú đi trước, được họ tạo điều kiện tốt để thỏa sức cống hiến.
"Con ơi hãy giữ nghề cải lương, khoa cải lương, làm sao để cải lương tốt nhất có thể, làm cải lương mới hơn" là những câu động viên tôi luôn được nghe. Nó trở thành động lực cho chính tôi.
Với truyền thống của Việt Nam, luôn có sự kết nối người đi trước dắt tay người đi sau. Tôi sẽ phải có nhiệm vụ để khoảng cách đó kéo lại gần với những thế hệ đi sau. Chúng tôi phải đào tạo và dìu dắt những bạn trẻ tuổi, phải tập trung vào yếu tố con người để có thể bảo tồn và gìn giữ di sản văn hóa dân tộc.
Đạo diễn Lê Nguyên Đạt nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì những đóng góp cho nghệ thuật dân tộc. Ảnh: Trần Thường |
- Với tư cách là đạo diễn nhưng cũng là một người thầy, anh dùng những cách nào để truyền lại niềm đam mê, yêu thích với những học trò, những thế hệ đi sau của mình?
Ngoài việc các em vào học phần cứng - những điều cơ bản của cải lương, chúng tôi còn dạy các em phần mềm để có thể ra đời ‘lấy ngắn nuôi dài’, trở thành nghệ sĩ đa năng.
Chúng tôi cũng không cho các em ảo tưởng về tương lai mà sẽ cho các em nhìn nhận thực tế nhất để thầy trò nắm tay nhau hành động, tìm cơ hội cho mình.
Tôi đưa các em đến từng đoàn hát để giới thiệu, để mỗi em có thể phát triển tốt nhất năng lực, thế mạnh của mình. Thậm chí, tôi cũng tạo điều kiện cho các em học tập thêm, nâng cao nếu có khả năng.
Trong 5 năm trở lại đây, TP.HCM đã có nhiều sinh viên theo đuổi con đường học tập lên đến thạc sĩ. Nhận thức thay đổi là điều mà tôi đã truyền được cho các em. Chúng tôi cũng làm nhiều dự án cải lương kết hợp với âm nhạc quốc tế để những giai điệu cho thể ăn nhập với người trẻ.
Sợ tre đã già mà măng chưa mọc
- Anh có lo lắng về việc 'tre già, măng chưa mọc' ở sân khấu cải lương?
Tôi rất sợ điều đó. ‘Măng’ hiện nay mọc rất nhiều khi sân khấu chuyên nghiệp gặp nhiều khó khăn. Môi trường tài tử ở miền Nam rất rầm rộ ở những đám cưới, cuộc vui. Cải lương đi vào đời sống của người dân vẫn rất nhiều. Khi lựa chọn ra những viên ngọc thô, chúng tôi cũng rất vất vả. Một khóa, chúng tôi chỉ hy vọng 1-2 em thành tài, thành nghệ sĩ chuyên nghiệp.
Điều đó tức là, chúng ta không có một lực lượng trẻ tốt để kế thừa phát huy những giá trị cũ. Điều đó cũng dẫn đến tính cạnh tranh ít, không có bản sắc riêng, không có sự tươi mới, hiện đại. Đương nhiên, cải lương sẽ không thuyết phục được khán giả, dễ bị quay lưng.
Lê Nguyên Đạt là người luôn tìm tòi những điều mới cho cải lương. |
- Nhiều người nhắc đến tên anh như một người thổi làn gió mới vào cải lương, anh làm cách nào và thúc đẩy điều đó ra sao?
Tôi có tính luôn thích tìm tòi cái mới, có thể thành công hoặc không. Mỗi lần tham gia hội diễn, tôi thích tự mình trải nghiệm làm những điều mới chứ không phải làm những gì sở trường nhất vốn có.
Có thể tôi thất bại nhưng nhiều người vẫn ghi nhận đó là sự dám làm, dám thay đổi. Tôi cũng cố gắng đón đầu nhiều xu hướng, ngay cả trong phương pháp giảng dạy ở trường và trong tuyên truyền.
Những bạn trẻ phải thẩm thấu những vai diễn cũ để biến thành cái của mình trong tương lai. Điều đó cũng khiến tôi gặp khá nhiều phản ứng trái chiều. Dù vậy, tôi vẫn định hướng các bạn trẻ đừng để mình là ai khác chứ không phải mình. Tôi cố gắng chứng minh với mọi người và được ghi nhận phần nào.
- Nghệ sĩ cải lương hiện nay có thiệt thòi nào không so với các loại hình nghệ thuật khác?
Nghệ sĩ cải lương nói riêng và nghệ sĩ dân tộc nói chung có thiệt thòi đó là họ rất vất vả để tạo ra một sản phẩm nhưng mức lương không đáp ứng được đời sống của họ.
Thiệt thòi lớn nhất là họ không được tôi luyện hàng đêm. Sự không thường xuyên đó khiến người nghệ sĩ mai mọt, sụt trồi, lúng túng.
Quan trọng hơn đó thiệt thòi về tinh thần. Nghệ sĩ cải lương phải sống trong tâm trạng vừa đau đáu vừa mệt mỏi với nghề. Họ muốn chờ nhưng họ lại muốn ra đi.
- Có những phút giây nào khiến anh mệt mỏi với nghề?
Nhiều lúc bản thân gia đình cũng muốn tôi ngưng lại với cải lương. Có người nói cải lương đã hoàn thành xong sứ mệnh và chỉ còn giống như điều gì đó để tưởng nhớ lại.
Cải lương gặp khó khăn là đúng nhưng không có nghĩa là nó đang hấp hối. Nếu chúng ta không có những thay đổi kịp thời thì trong 5-10 năm tới, cải lương có thể sẽ hấp hối thật. Hiện giờ, cải lương vẫn còn rất nhiều cơ hội nếu được đầu tư, có chiến lược phát triển đúng đắn.
- Những nghệ sĩ cải lương hiện nay có sống được với nghề?
Nghệ sĩ cải lương hiện nay vẫn sống được vì những cuộc thi, gameshow về cải lương vẫn rất nhiều. Những cuộc thi đó tạo ra nhiều ngôi sao mới nhưng họ có giữ vừng được nghề không lại là do chính họ. Có những người tiêu cực nói rằng đó là những ngôi sao ảo, không ghi nhận. Nhưng tôi thấy chúng ta nên ghi nhận họ và bù đắp những gì họ còn thiếu. Nếu tận tâm và rèn luyện hàng ngày thì người nghệ sĩ có thể sống được với nghề.
Lê Nguyên Đạt - Đạo diễn, Trưởng Khoa Kịch hát Dân tộc Đại học Sân khấu - Điện ảnh thành phố Hồ Chí Minh. Anh đã dàn dựng các tác phẩm được đánh giá cao như: "Người giàu cũng khóc", "Hồn thơ ngọc", "Bến sông chờ", "Bến nước Ngũ Bồ", "Cơn hồng thủy", "Cõi thiêng", "Người đồng bằng"… Mà đỉnh cao là "Tổ quốc nơi cuối con đường", vở diễn về thời thanh niên của Chủ tịch Hồ Chí Minh, về vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hong Kong đã đạt Huy chương Vàng Liên hoan Cải lương toàn quốc 2018. |
Hà Lan
Khán giả lại khóc vì Lan và Điệp sau tròn 45 năm
Không chỉ đào, kép chính, mỗi nghệ sĩ diễn trong vở “Lan và Điệp” tối 17/8 đều tỏa sáng – như cái cách họ làm nên diện mạo của nghệ thuật cải lương thuở vàng son.