- Quyết liệt, khẩn trương, hành động đó là những dấu ấn dễ cảm nhận nhất ở Chính phủ hiện nay.

Chiều nay, trên cơ sở tờ trình của Thủ tướng trước Quốc hội về cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ nhiệm kỳ mới, kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa 14  đã thông qua nghị quyết về cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ và thảo luận ở đoàn về phê chuẩn đề nghị việc bổ nhiệm các Phó Thủ tướng, các cộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ.

Trước đó, chiều 26/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tuyên thệ nhậm chức và phát biểu trước Quốc hội, đồng bào và cử tri cả nước ngay sau khi được Quốc hội tín nhiệm bầu giữ chức vụ Thủ tướng nhiệm kỳ 2016-2021.

Bài phát biểu nhậm chức của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đầy nhiệt huyết, khẳng định quyết tâm đưa đất nước phát triển tiến lên.

{keywords}

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: Hoàng Long

Với cương vị là người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, Thủ tướng đã thẳng thắn chỉ rõ những thách thức và áp lực lớn trong phát triển kinh tế - xã hội hiện nay, đồng thời khẳng định Chính phủ cần phải có trách nhiệm đối với từng đồng tiền thuế của dân, phải sử dụng minh bạch, hiệu quả, vì lợi ích chung của người dân và của toàn xã hội…  

Cách đây hơn 3 tháng, ngày 7/4, sau khi được Quốc hội tín nhiệm bầu giữ cương vị người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã long trọng tuyên thệ trước Quốc hội và đồng bào, cử tri cả nước.

Qua hơn 90 ngày hoạt động, tuy không phải là quãng thời gian dài nhưng đã đủ để thấy bản lĩnh của Thủ tướng và tập thể Chính phủ trong việc “bắt mạch” được tình hình, nói đi đôi với làm, hành động theo đúng những gì đã cam kết, quyết tâm xây dựng “Chính phủ trong sạch, liêm chính, Chính phủ hiệu quả, Chính phủ làm gương cho xã hội về nói đi đôi với làm…”.  

Minh chứng là khi vừa đi vào hoạt động, ngay lập tức, Chính phủ đã tập trung giải quyết nhiều vấn đề bức xúc nhất của nền kinh tế; ban hành hàng loạt chính sách tháo gỡ khó khăn cho DN, nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh…

Trong đó ấn tượng nhất phải kể đến quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đang được các cấp, các ngành thực hiện quyết liệt theo nghị quyết 19/2016/NQ-CP và nghị quyết 35/2016/ NQ-CP. Đây là những quyết sách nhằm tạo thêm động lực đổi mới, tạo thêm niềm tin cho cộng đồng DN vào sự đồng hành, sát cánh của Nhà nước, các cấp ngành cùng tham gia phát triển kinh tế…

Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, khu vực DN đã có những chuyển biến, khi số DN đăng ký thành lập mới trong quý II và 6 tháng đầu năm tăng do tác động tích cực của luật DN, luật Đầu tư và hiệu quả ban đầu của các giải pháp điều hành của các cơ quan quản lý nhà nước và niềm tin đối với tăng trường kinh tế trong nước và cơ hội từ các hiệp định tự do thương mại thế hệ mới.

Những chuyển biến trong điều hành của bộ máy Chính phủ mới đã đánh trúng kỳ vọng của cộng đồng DN và người dân trong bối cảnh đà cải cách môi trường kinh doanh được đẩy mạnh từ năm 2014.Đây là nền tảng cho kỳ vọng về khả năng tái lập tăng trưởng kinh tế cao và bền vững hơn trong nửa cuối năm nay.

Vậy nhưng khó khăn phía trước vẫn còn rất lớn. Theo nhiều chuyên gia, nền kinh tế Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn, chưa lấy lại được đà phục hồi. Tuy nhiên, không ít chuyên gia cho rằng việc đạt mục tiêu tăng trưởng của Chính phủ dù rất khó khăn, nhưng lại ủng hộ việc Chính phủ kiên quyết giữ vững mục tiêu tăng trưởng đến cuối năm.

Chuyên gia kinh tế, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung bày tỏ sự ủng hộ việc Chính phủ kiên quyết giữ vững mục tiêu tăng trưởng đến cuối năm, đồng thời cho rằng, những hạn chế cố hữu trong mô hình tăng trưởng của Việt Nam cũng cần thời gian để xử lý.

Theo ông, bản thân những kết quả tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng xuất khẩu trong nước vẫn ở mức tương đối tốt hơn so với nhiều quốc gia trong khu vực. Chuyên gia Nguyễn Quang Thái cũng đồng tình với quan điểm này và cho rằng: “Không nên điều chỉnh mục tiêu mà chúng ta nên nỗ lực tối đa, cải cách tối đa để nền kinh tế phát triển”.

“Chúng ta quyết không phụ lòng tin của nhân dân đối với Chính phủ”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh như vậy tại cuộc họp Chính phủ mới đây.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục khẳng định quyết tâm của Chính phủ kiến tạo, hoạt động có kỷ luật, kỷ cương với tinh thần phục vụ người dân và DN, không ngừng hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh để người dân được làm những gì mà pháp luật không cấm.

“Khi Chính phủ nỗ lực tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp, coi sự phát triển của doanh nghiệplà sự phát triển của nền kinh tế thì thách thức nào cũng có thể vượt qua, kể cả thiên tai”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đã nhấn mạnh điều quan trọng này khi làm việc với các địa phương chịu hạn mặn của đồng bằng sông Cửu Long hồi tháng 5 mới đây.

Cộng đồng doanh nghiệp cũng bày tỏ sự phấn khởi, tin tưởng ở Chính phủ trong thông điệp được Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ gửi đến cộng đồng DN tại buổi gặp gỡ các doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc năm 2016 tổ chức ngày 3/6 khi khẳng định: “Chính phủ không phân biệt doanh nghiệp to hay nhỏ, trong nước hay ngoài nước, nhà nước hay tư nhân. Tất cả doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế hoạt động theo nguyên tắc không biệt đối xử và theo nguyên tắc thị trường”.

Có thể nói, quyết liệt, khẩn trương, hành động đó là những dấu ấn dễ cảm nhận nhất ở Chính phủ hiện nay. Sự quyết liệt, khẩn trương đó thể hiện rõ ở phát ngôn, ở hành động của Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng và nhiều bộ trưởng, trưởng ngành trong việc nói đi đôi với làm, hành động theo đúng những gì đã cam kết.

Đó cũng chính là cơ sở để người dân và DN tin tưởng đồng hành cùng Chính phủ trong suốt nhiệm kỳ tới. Khi niềm tin ngày càng tăng, người dân có quyền hy vọng vào bộ máy nhà nước mới sẽ vượt qua khó khăn, trở ngại, hoàn thành tốt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020.

PV