Tân Ỷ Thiên Đồ Long Ký đang trình chiếu trên màn ảnh nhỏ là lần thứ 8 tác phẩm này được các nhà làm phim chuyển thể. Anh Hùng Xạ Điêucũng không hề kém cạnh với 7 phiên bản hay Thiên Long Bát Bộ chuẩn bị ra mắt loạt phim thứ 6. Thế nhưng, gia tài tiểu thuyết đồ sộ của nhà văn Kim Dung vẫn còn nhiều tác phẩm hay khác nhưng lại bị ngó lơ.

1. Bích Huyết Kiếm

Đã 12 năm nhưng "Bích Huyết Kiếm" vẫn chưa được làm lại.

Bích Huyết Kiếm là tiểu thuyết thứ 2 của nhà văn Kim Dung, được đăng trên Hương Cảng Thương báo từ ngày 01/01/1956 đến ngày 31/12/1956. Giống với nhiều tác phẩm khác sau này, nội dung truyện gắn liền với lịch sử Trung Hoa, mà cụ thể ở đây là cuộc chiến Minh - Thanh. Vốn là một đại tướng nhiều lần chặn đứng quân Mãn, Viên Sùng Hoán lại bị Sùng Trinh xử tử vì nghe lời sàm tấu.

Con trai ông là Viên Thừa Chí được đưa lên núi Hoa Sơn để Mục Nhân Thanh truyền thụ võ nghệ. Sau khi thành một đại cao thủ, anh chàng gia nhập lực lượng khởi nghĩa của Lý Tự Thành để đánh lật đổ nhà Minh, trả thù cho cha. Bên cạnh yếu tố võ thuật và lịch sử, bộ truyện còn sở hữu chuyện tình tay ba khá "drama" của Viên Thừa Chí, Hạ Thanh Thanh và Trường Bình Công Chúa.

Tác phẩm có nhiều yếu tố để trở nên ăn khách nếu được lên màn ảnh nhỏ.

Ngoài ra, Bích Huyết Kiếm cũng có liên kết mật thiết với Lộc Đỉnh Ký khi diễn ra trước đó chỉ vài chục năm. Đủ yếu tố hút khách là thế nhưng bộ tiểu thuyết này lại bị các nhà làm phim ngó lơ. Phiên bản gần và cũng là thành công nhất của Bích Huyết Kiếm là 12 năm trước với sự góp mặt của Đậu Trí Khổng và Huỳnh Thánh Y .

2. Tuyết Sơn Phi Hồ

Giống Bích Huyết Kiếm, Tuyết Sơn Phi Hồ cũng liên quan mật thiết tới khởi nghĩa Lý Tự Thành dù bối cảnh diễn ra nhiều năm sau đó. Theo lời kể của các nhân vật, các mâu thuẫn trong truyện bắt đầu từ ân oán của 4 người cận vệ trung thành, võ công cao cường họ Hồ, Miêu, Phạm và Điền của Lý Tự Thành. Đến thời Miêu Nhân Phụng, ông tính dùng võ công để hóa giả mọi hận thù với họ Hồ.

Thế nhưng, Điền Quy Nông đã bí mật hạ độc giết chết Hồ Nhất Đao và vợ, đồng thời đổ tội cho Miêu Nhân Phụng. Nhiều năm sau, Hồ Phỉ - đứa con trai mới sinh năm xưa của Hồ Nhất Đao được Bình A Tứ cứu sống - đã trở thành cao thủ võ lâm với biệt danh Tuyết Sơn Phi Hồ và quyết định điều tra những ân oán năm xưa.

"Tuyết Sơn Phi Hồ" 2007 gắn liền với tên tuổi Nhiếp Viễn và An Dĩ Hiên.

Tuyết Sơn Phi Hồ hội đủ mọi yếu tố để làm nên một bộ phim truyền hình dài tập ăn khách khi được gộp chung với bộ Phi Hồ Ngoại Truyện với ân oán và âm mưu hãm hại nhau kéo dài qua nhiều đời. Không những thế, câu chuyện tình của Hồ Phỉ cũng lắm "chông gai" với hàng loạt mỹ nhân như Trình Linh Tố, Hạ Tử Y, Miêu Nhược Lan. Tiếc thay, Tuyết Sơn Phi Hồ chỉ được đưa lên màn ảnh đôi ba lần với phiên bản gần nhất là năm 2007 với Nhiếp Viễn , Chung Hân Đồng , Chu Ân và An Dĩ Hiên .

3. Liên Thành Quyết

"Soái ca" Địch Vân dư sức hút các khán giả truyền hình.

2 năm sau khi Ỷ Thiên Đồ Long Ký ra đời, Kim Dung tiếp tục sáng tácLiên Thành Quyết cho tờ Đông Á tuần báo vào năm 1963. Nội dung truyện kể về Địch Vân - chàng trai hiền lành, trung hậu nhưng vô cớ bị hãm hại chỉ vì có người biểu muội quá xinh đẹp là Thích Phương. Ở trong đại lao, anh chàng gặp được bằng hữu, có cơ duyên luyện được võ công thượng thừa. Thế nhưng, võ lâm hiểm ác chẳng phải nơi mà Địch Vân muốn tới.

Câu chuyện tình trong phim cũng đầy bi thương.

Nếu được đưa lên màn ảnh, Liên Thành Quyết nhiều khả năng trở thành bom tấn truyền hình nhờ hình tượng nam chính soái ca hiền lành, chính trực. Cuộc đời Địch Vân có lắm mọi sóng gió và khổ cực đến tận cùng hệt như nhiều bộ phim truyền hình Hàn Quốc ăn khách. Chẳng hiểu sao bộ truyện này lại bị bỏ quên suốt 16 năm nay sau phiên bản năm 2003 của Ngô Việt.

4. Việt Nữ Kiếm

"Việt Nữ Kiếm" chỉ một lần lên màn ảnh vào năm 1986.

Tuy không có quá nhiều chất kiếm hiệp nhưng Việt Nữ Kiếm lại đậm chất dã sử và bi kịch tình yêu. Bộ truyện ngắn lấy bối cảnh cuộc chiến giữa Ngô Vương Phù Sai và Việt Vương Câu Tiễn với các nhân vật lịch sử đóng vai trò chính yếu. Phạm Lãi - đại thần của nước Việt - trong lúc đi dạo đã vô tình gặp được nữ cao thủ A Thanh. Tận mắt chứng kiến cô đánh bại 8 đại võ sĩ nước Ngô chỉ với vài động tác, ông ngày ngày đi chăn dê cùng A Thanh để tìm hiểu danh tính người sư phụ bí ẩn.

Có tin Trịnh Sảng sẽ hóa thân thành A Thanh trong phiên bản mới nhưng mãi chẳng thấy phim ra mắt.

Biết rằng cô chẳng thể truyền dạy võ công, Phạm Lãi đành phái 80 kiếm sĩ đến đấu với A Thanh. Tuy chẳng thể nhìn rõ động tác của cô và dễ dàng bị hạ gục, họ vẫn đủ sáng tạo ra môn võ công ảo diệu giúp nước Việt giành thắng lợi. Tuy nhiên, đây cũng là lúc ông đối diện với tình cảm của cả A Thanh lẫn Tây Thi. Nếu được chuyển thể khéo léo, Việt Nữ Kiếm chắc hẳn sẽ hấp dẫn không kém Như Ý Truyện hay Diên Hi Công Lược nhưng hấp dẫn hơn nhờ yếu tố chiến tranh và võ thuật. Ấy vậy mà Việt Nữ Kiếm chỉ mới có một phiên bản năm 1986 mà thôi.

Tân Ỷ Thiên Đồ Long Ký bản năm 2019 đang được phát sóng lúc 20h tối thứ tư đến thứ sáu hàng tuần.

Theo GameK