Muốn hàn gắn phải thật lòng, không phải “thủ thuật"

TAND cấp cao tại TP.HCM đang xử kín vụ ly hôn giữa bà Lê Hoàng Diệp Thảo và ông Đặng Lê Nguyên Vũ. Tại phiên xử sáng 2/12, trong khi bà Thảo chia sẻ: “5 mẹ con đều van xin, cầu xin HĐXX để chúng tôi có cơ hội đoàn tụ, chăm sóc sức khỏe cho chồng nhưng HĐXX không xem xét”, do vậy bà phải “cầu cứu” các cơ quan truyền thông.

Thì trả lời báo chí chiều cùng ngày, ông Vũ bác bỏ đề nghị này. Ông Vũ cho rằng: “Muốn hàn gắn thì phải từ lòng thật. Vợ chồng sống với nhau phải bằng cái tâm thật lòng, sống mà có một chút lương tri, lương tâm thì sao mình có thể làm những chuyện kinh khủng như vậy”.

Thậm chí, ông Vũ còn nhấn mạnh: “Giờ hàn gắn chỉ là một thủ thuật thôi, mình không có sống như vậy được!”.

{keywords}
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo 

Trước đó, bà Thảo có đề cập đến việc nhiều cô gái vào nhà bà sử dụng đồ đạc của các con, vật dụng của gia đình, thậm chí vào nơi riêng tư của vợ chồng... và đưa những hình ảnh đó lên mạng Internet đã khiến con bà tổn thương. "Mười mấy cô gái chứ không phải ít", bà cho biết.

Khi hỏi, bà Thảo còn nhận được câu trả lời: "Đừng làm tổn thương các cô gái đó". "Tôi hỏi ngược lại anh thế thì sự tổn thương của tôi và các con tôi thì sao", người phụ nữ chất vấn.

Nếu đã nghi ngờ ông Vũ ngoại tình, tại sao bà còn muốn níu kéo - một phóng viên hỏi. Trả lời, bà Thảo khẳng định có một nhóm người đang thao túng, muốn cướp trắng Trung Nguyên. "Thực tế họ thao túng như thế bằng cách nịnh bợ, tôn anh ấy lên và làm cho anh Vũ lúc nào cũng như ở trên trời, 'kính thưa người tôn kính' hay là 'đấng tối cao' hay là 'người sẽ giải cứu được thế giới'.

Họ có nhiều thủ thuật khác nhau để rút ruột Trung Nguyên. Họ cung phụng tất cả những gì một người đàn ông cần, kể cả sinh lý", bà Thảo nói.

Do đó, một lần nữa, bà đưa ra yêu cầu giám định năng lực hành vi dân sự với ông Vũ và nếu cần có thể giám định cả hai bên. Bà giữ nguyên quan điểm cho rằng cần đưa chồng đi chữa bệnh.

Đáp lại, ông Đặng Lê Nguyên Vũ cho rằng sự thật không phải như vậy, mà tất cả là do "cô ấy bịa đặt hết mọi chuyện, cô ấy dựng. Qua rất là không muốn nói về vấn đề vợ của qua lời nào hết nhưng buộc qua phải nói. Đạt được mục đích, cô ấy không từ thủ đoạn nào hết”.

Ông Vũ cũng khẳng định bản thân mình không hề bệnh tật. "Người tâm thần mà giống qua thì đất nước này cần phải nhiều người tâm thần như vậy. Hiểu biết nhiều hơn người thường thì đâu có tội gì đúng không. Qua là người sống thiện lành, không bao giờ hại ai".

“Sống với nhau có cái tâm, ra tòa mà còn bảo đoàn tụ cái gì. Qua nói bây giờ nếu qua có bệnh, có chết đi thì qua không bao giờ nhờ người phụ nữ đó chăm sóc qua, đến mức như vậy. Sống phải còn lương tri, mất đi cái đó nó không còn nữa. Vì tiền, vì quyền, ba cái thứ như vậy có nghĩa gì đâu", chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên giãi bày.

Trước đó, cuối tháng 11/2019, khi bà Thảo cáo ốm và vắng mặt liên tục khiến 3 lần phiên tòa phúc thẩm phải tạm hoãn, ông Vũ vẫn có mặt tại tòa từ rất sớm cùng thư ký và các luật sư. Tâm sự với báo giới, ông Vũ cho hay sự việc càng kéo dài thì gia đình “càng đau buồn” và tập đoàn càng bị ảnh hưởng nặng, thậm chí có những giai đoạn tê liệt.

Sau người đàn ông tan hoang cũng là người phụ nữ

Sau phiên xét xử, trước mỗi đề nghị, mong muốn hay tâm sự gì của bà Lê Hoàng Diệp Thảo thông qua truyền thông, thì qua báo chí, ông Vũ cũng phản đáp. Hai bên “lời qua tiếng lại”, tạo thành cuộc tranh cãi gay gắt trên mặt báo.

{keywords}
Ông bà chủ tập đoàn Trung Nguyên tranh cãi gay gắt về tài sản, quyền nuôi con cái,... tại tòa.

Khi được hỏi về mâu thuẫn khiến vợ chồng phải ly hôn, ông Vũ cho rằng, đó là do cái nhìn khác nhau.

“Qua nói sau này cưới chồng cũng phải cưới chồng bằng hoặc cao hơn mình rồi mình mới hay hơn. Qua hay nói đùa với các em trai, muốn làm việc lớn thì đừng lấy vợ hoặc chọn vợ cho đúng người, bởi giới hạn của người phụ nữ sẽ kéo mình xuống luôn, rồi lấy con lấy cái, lấy tình cảm để kéo mình xuống”, ông chia sẻ.

Và khẳng định rằng: “giới hạn của đàn ông Việt hiện nay là giới hạn của người phối ngẫu”.

Khi phóng viên nhắc lại câu châm ngôn “phía sau một người đàn ông thành công là bóng dáng người phụ nữ”, thì ông Vũ lập tức đối đáp “đằng sau sự tan hoang của người đàn ông cũng là người phụ nữ”.

Khi nhắc tới bà Thảo, ông Vũ thậm chí còn “không muốn nói về người vợ của qua”. “Qua chỉ nói cô đi tu đi, cái tâm đó độc lắm, phải gột rửa rất nhiều, không ai đem tất cả mọi thứ ra, đem cha, đem mẹ, đem con cái ra truyền thông, âm mưu đem chồng mình vô nhà thương điên”.

Ông lý giải, mặc dù 6 năm lên núi thiền tập, vẫn biết từng đứa con ở đâu, như thế nào, học hành ra sao, đặc tính, ngày giờ học, cô giúp việc nấu ăn làm sao... tức là ông vẫn quan tâm tới gia đình, tất cả mọi thứ chứ không phải như bà Thảo nói.

Điều ông thấy đáng trách hơn là bà Thảo đã không hiểu mình “Cô ấy đáng lẽ phải thấy những tiếng thở dài của người chồng của mình trong những lúc đêm khuya, trong thư viện trước đó dài dằng dặc. Có những lúc phải hiểu những thứ đó, mình thấy chồng mình, nhìn sách vở, nhìn bạn bè trao đổi chia sẻ... thậm chí có những lúc qua đá bay bàn. Hậu quả kéo dài, sau đó còn bỏ đi thiền, đi tu là mệt rồi”, ông Vũ cho biết.

Trước đó, tại phiên tòa sơ thẩm, TAND TP.HCM quyết định phân chia tài sản theo tỷ lệ 60% cho ông Vũ và 40% cho bà Thảo. HĐXX cũng tuyên giao toàn bộ cổ phần trong các công ty cho ông Vũ quản lý; đổi lại, ông Vũ sẽ thanh toán bằng tiền phần chênh lệch cho bà Thảo.

Sau đó, bà Thảo đã có đơn kháng cáo toàn bộ nội dung bản án sơ thẩm; trong khi phía ông Vũ cũng kháng cáo bản án, yêu cầu tòa chia tài sản theo tỷ lệ 70/30.

Cuối phiên xử phúc thẩm vụ ly hôn sáng 4/12, VKSND TP.HCM kết luận: thứ nhất, bác toàn bộ kháng cáo của ông Vũ đối với bản án sơ thẩm; thứ hai, các kháng cáo của bà Thảo về số tiền 1764 tỉ, về tỉ lệ chia 60:40 và về việc giao hết cổ phần cho ông Vũ là có căn cứ và đề nghị HĐXX chấp nhận kháng cáo của bà Thảo; thứ ba, đề nghị giữ nguyên phần hôn nhân, sửa phần cấp dưỡng cho 4 người con chung; thứ tư, đề nghị hủy toàn bộ phần phân chia tài sản chung, đề nghị TAND TPHCM xét xử lại.

Trong đó, Quyết định 05 (quyết định bị “bỏ quên” trong quá trình tố tụng tại phiên sơ thẩm) đã được VKS lưu ý là một trong những sai phạm quan trọng cần được xem xét và xử lý.

Mời độc giả xem clip tự động từ bài viết:

Ng. Hà (Tổng hợp)