Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, đến năm 2015, bộ sẽ đầu tư khoảng 6.000 tỷ đồng đưa Internet băng thông rộng và điện thoại về đến thôn, tập trung cho 2.000 xã, ưu tiên các xã miền núi.
Đây là một trong những nội dung tại tại buổi làm việc ngày 16/7, giữa lãnh đạo Hội Nông dân Việt Nam và Bộ Thông tin và Truyền thông về thực hiện các hoạt động truyền thông, ứng dụng công nghệ thông tin cho nông dân theo Quyết định 673/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Bốn vấn đề cụ thể được Hội Nông
dân đặt ra tại buổi làm việc là Bộ Thông tin và Truyền thông phê duyệt Kế hoạch
thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở miền núi, vùng
sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo giai đoạn 2011-2015 cho hội; phát triển mạng
công nghệ thông tin đến các tỉnh, thành hội, có chính sách hỗ trợ nông dân trong
truy cập Internet.
Bộ Thông tin và Truyền thông giúp đỡ Hội Nông dân triển khai dự án “Nâng cao năng lực cho Hội Nông dân Việt Nam, xây dựng các điểm khai thác ứng dụng công nghệ thông tin trong hội viên, nông dân” tại Quyết định số 1605/QĐ-TTg và cho phép hội phối hợp với VNPT sử dụng các điểm bưu điện-văn hóa xã làm điểm kết nối cung cầu với Hệ thống sàn giao dịch kết nối cung cầu nông nghiệp thực phẩm.
Chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo giai đoạn 2011-2015 do Hội Nông dân Việt Nam xây dựng có 3 dự án gồm: tăng cường nội dung thông tin và truyền thông; năng lực cán bộ thông tin truyền thông cơ sở; trang bị bộ phương tiện, thiết bị cần thiết phục vụ cho các hoạt động truyền thông của Hội Nông dân cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
Chương trình đặt mục tiêu đến hết năm 2015 có 29.000 cán bộ chi hội, tổ hội nông dân được đào tạo, tập huấn về kỹ năng truyền thông, có đủ trình độ làm chủ các chương trình truyền thông, tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn; phổ biến kiến thức, thông tin khoa học công nghệ đến hội viên, nông dân. 4.188 Hội Nông dân cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo được trang bị những phương tiện, thiết bị cần thiết phục vụ các hoạt động truyền thông. Xuất bản các sách và ấn phẩm phổ biến khoa học kỹ thuật bằng một số tiếng dân tộc, phát hành tới các chi, tổ hội.
Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Quốc Cường cho rằng thông tin là yếu tố của lực lượng sản xuất, là công cụ tuyên truyền kiến thức, trình độ, kỹ năng nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất. Đưa thông tin truyền thông về cơ sở là cần và cấp thiết, mà thông tin qua hệ thống truyền dẫn công nghệ số là một thế mạnh. Vấn đề cần tháo gỡ là chính sách hỗ trợ nông dân mua đầu kỹ thuật số như thế nào.
Hướng tốt nhất là Chính phủ trả tiền để VTC cấp đầu thu cho đồng bào ở vùng chính sách, các đầu thu này sẽ được lắp đặt tại nhà trưởng chi hội với yêu cầu phải cập nhật thông tin thường xuyên và phổ biến cho nông dân. Thực hiện phối hợp này, các bên cùng có lợi, mà trước tiên là nông dân.
Hội đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các sở trực thuộc cùng phối hợp với các tỉnh, thành Hội Nông dân triển khai Chương trình về tới cơ sở, đến tận đối tượng thụ hưởng là cán bộ chi, tổ hội và nông dân.
Thống nhất với đề xuất này, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp khẳng định, thông tin là quyết định nhất, nông dân sẽ biết được thị trường đang cần gì, giá cả ra sao? nếu đưa được thiết bị đầu cuối về tới hộ gia đình là rất văn minh. Chương trình trang bị phương tiện, thiết bị sẽ được triển khai lồng ghép với các chương trình khác, bằng nhiều nguồn lực và trước mắt sẽ đầu tư đưa Internet, máy tính về 1.500 điểm bưu điện văn hóa ở nông thôn hoạt động có hiệu quả.
Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ giúp Hội Nông dân tập huấn, đào tạo cán bộ sử dụng vi tính, các kiến thức chuyên ngành liên quan; thực hiện chương trình máy tính giá rẻ cho nông dân; đầu tư hệ thống truyền hình trực tuyến cho tổ chức hội.
-
Theo Vietnamplus