- Câu chuyện bến xe Nước Ngầm được đầu tư theo chủ trương của TP Hà Nội nhưng sau nhiều năm hoạt động vẫn trong tình trạng… thiếu xe một lần nữa lại trở thành vấn đề nóng tại buổi tọa đàm “Làm cách nào để hiện đại hóa bến xe?”.
Ông Nguyễn Văn Lập - Giám đốc Bến xe Nước Ngầm - cho biết, DN đã bỏ ra hơn 80 tỷ đồng để đầu tư xây dựng bến theo chủ trương của UBND TP.Hà Nội. Tuy nhiên, với tình trạng thiếu xe vào bến như hiện nay, chưa biết lúc nào mới có thể thu hồi được vốn.
“Bến xe Nước Ngầm được chúng tôi thành lập từ năm 2005, nhưng từ đó cho đến nay chưa bao giờ có chuyện quá tải. Thực tế bến xe chỉ luôn đạt từ 1/2-1/3 công suất”, ông Lập nói.
Được xây dựng khá quy mô nhưng Bến xe Nước Ngầm luôn trong tình trạng thiếu xe. |
Ông Lập cho rằng, bản chất bến xe Nước Ngầm ra đời nhằm giảm tải cho bến xe phía Nam (Bến xe Giáp Bát), nhưng thực tế qua điều hành luồng tuyến lại không đúng như dự tính.
Theo ông Lập, Quyết định 165/2003 của UBND TP.Hà Nội quy định rõ, Bến xe Đông Anh được quy hoạch là bến xe Tây Bắc, Bến xe Mỹ Đình cũng là bến xe Tây Bắc được bổ sung quy hoạch đón luồn khách ở QL2 – QL3.
Bến xe phía Nam là Bến xe Thanh Trì đón khách của QL1A mới, QL1A cũ và kết hợp giữa hai luồng vận tải đường bộ và đường sắt giữa ga Ngọc Hồi.
“Bến xe Thanh Trì sẽ thay thế cho Bến xe Giáp Bát sau khi di dời Bến xe Giáp Bát. Bến xe Nước Ngầm được TP.Hà Nội thành lập để giảm tải cho Bến xe Giáp Bát thì đương nhiên Bến xe Nước Ngầm cũng lấy khách từ Bến xe Giáp Bát giảm tải và từ QL1A mới và cũ bổ sung thêm đi vào hoạt động”, ông Lập nói.
Không những thế, theo Giám đốc bến xe Nước Ngầm, tại văn bản số 4023/2006 về định hướng quy hoạch vận tải khách liên tỉnh tại các bến xe trên địa bàn thành phố của UBND TP.Hà Nội cũng nêu rõ: Nguyên tắc sắp xếp luồng tuyến phía Nam là Bến xe Giáp Bát, Nước Ngầm, Lương Yên. Trong đó nêu rõ, tổ chức sắp xếp, đưa các tuyến Nghệ An, Hà Tĩnh vào hoạt động ổn định tại Bến xe Nước Ngầm.
Tuy nhiên, tháng 9/2007, khi Tổng Cục đường bộ (cơ quan có thẩm quyền công bố tuyến) chưa công bố tuyến Bến xe Mỹ Đình đi các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh thì Sở GTVT Hà Nội đã cho xe từ Bến Nước Ngầm sang Bến Mỹ Đình tại văn bản 2580/GTCC.
“Chúng tôi không hiểu vì lý do gì mà Sở GTVT lại điều chuyển các xe đang chạy tuyến Hà Tĩnh - Nghệ An từ bến xe Nước Ngầm sang bến xe Mỹ Đình, trong khi đó chưa hề công bố tuyến Hà Tĩnh, Nghệ An ở bến xe Mỹ Đình. Vấn đề này cho đến nay vẫn chưa được giải thích thỏa đáng”, ông Lập gay gắt.
Thừa nhận việc phân luồng tuyến hiện nay chưa có quy hoạch, ông Nguyễn Hoàng Linh - Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội thẳng thắn nhận lỗi do không tham mưu cho thành phố.
Đi thẳng vào vấn đề, ông Linh cho rằng quy hoạch luồng tuyến ở Hà Nội còn khó khăn vì quỹ đất cho bến xe còn ít. Do đó, quy hoạch bến bãi đang được thực hiện đều bị thay đổi vì nhiều lý do.
Trước sự việc của Bến xe Nước Ngầm, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ yêu cầu: Thời gian tới, Hà Nội cần có sự điều tiết các xe về các bến sao cho hợp lý. Đây là việc nằm trong thẩm quyền, hoàn toàn có thể làm được, tránh để dư luận nghi kỵ.
Theo ông Thọ, khi quy hoạch được hoàn thành sẽ công khai, thậm chí đấu thầu luồng tuyến chứ không phải cấp phép, cho chạy thử như hiện nay. Có như thế, mới giải quyết được vấn đề.
“Tôi rất chia sẻ với bến xe Nước Ngầm. Đây là vấn đề bất cập nhất của cơ quan quản lý tuyến. Chỉ có quy hoạch luồng tuyến, trên cơ sở kết cấu hạ tầng, cơ sở quy hoạch mạng lưới tuyến thì mới thu hút được các nhà đầu tư”, Thứ trưởng Thọ cho biết.
Ông Thọ cũng nói rõ, điều quan trọng là quy hoạch mạng lưới bến xe, mạng lưới tuyến và có cơ chế chính sách hợp lý thì việc xã hội hóa bến xe mới đạt được mục tiêu.
Ông Trần Minh Thành – TGĐ công ty cổ phần bến xe Nghệ An:
Hiện nay các bến xe tư nhân đang gặp khó cả đầu vào lẫn đầu ra. Đầu vào tức là một xe muốn được khai thác tuyến, được vào bến phải được sự chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước. Tức là bến xe không có quyền đưa xe về bến hoạt động, đồng nghĩa với việc không thể tự tạo cơ chế thu hút hay cạnh tranh mà vẫn phải lệ thuộc vào cơ quan quản lý nhà nước. Đúng ra các đơn vị kinh doanh dịch vụ được tự xây dựng giá, rồi niêm yết công khai, có báo cáo với Sở Tài chính, Sở GTVT, Cục thuế… địa phương nơi đóng địa bàn là có thể đưa ra mức giá phù hợp với chất lượng dịch vụ cung cấp. Thế nhưng, hiện nay các bến xe lại không được phép làm điều này, bởi vướng quy định trong Luật Giao thông đường bộ. Cụ thể: Giá dịch vụ do UBND tỉnh quyết định. Như vậy tức là không cho nhà đầu tư chủ động quyền đưa ra giá dịch vụ phù hợp với cơ sở hạ tầng họ đã đầu tư thì thực sự khó với DN. Ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam: Thực tế cho thấy, các bến xe được xã hội hóa triệt để thì chất lượng cao hơn, hiện đại hơn, văn minh hơn, còn các bến xe Nhà nước kém hơn rất nhiều. Chỗ kêu gọi xã hội hoá, nhưng cần phải có cơ chế. Cơ quan nhà nước cần quan tâm, khuyến khích bến xe xã hội hoá để họ có điều kiện phát triển tốt. Bến xe Đà Nẵng, bến xe Gia Lai xã hội hoá rất tốt. Nếu bến xe xã hội hóa như thế mà cơ quan Nhà nước không tạo điều kiện thì sẽ rất khó khăn cho bến xe. |
Vũ Điệp