Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm đầu tư nhiều mặt cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Trong chiến lược bảo tồn và phát triển văn hóa các tộc người thiểu số, trước hết cần đề cao và phát huy vai trò chủ thể của đồng bào các DTTS trong gắn kết bảo tồn, phát triển văn hóa với phát triển sinh kế bền vững và phải đảm bảo đem lại lợi ích cho chính cộng đồng. Nguồn lực văn hóa các DTTS phải trở thành nguồn lực cho phát triển và cải thiện đời sống cho cộng đồng dân cư tại chỗ. Đây là yếu tố thiết thực nhất, có ý nghĩa nhất hướng tới để phát triển bền vững văn hóa các DTTS hiện tại và lâu dài.

Ở các tỉnh miền núi, vùng DTTS, thị trường dịch vụ văn hóa chưa được hình thành do đời sống bà con còn nhiều khó khăn. Các hoạt động như biểu diễn văn nghệ, chiếu phim, tổ chức thi đấu thể thao... đều là hoạt động phục vụ miễn phí. Những hoạt động này gần như “sống” bằng nguồn chi thường xuyên. Có nơi, đây là nguồn kinh phí duy nhất. Nếu không có nguồn kinh phí này, các địa phương rất khó hoặc không thể xây dựng được thiết chế, sản phẩm hay môi trường văn hóa cho bà con.

Bởi vậy, thời gian qua, việc xây dựng các mô hình nhà văn hoá nhằm góp phần bảo tồn, phát huy truyền thống văn hóa các dân tộc thiểu số được quan tâm đẩy mạnh, trong đó có đồng bào Khmer. 

W-anhlehoi.png
Lễ hội Oóc Om Bóc của đồng bào Khmer Nam Bộ

Tại khu vực Nam Bộ, đồng bào Khmer hiện có hơn 1,3 triệu người, tập trung nhiều ở ba tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh và Kiên Giang. Việc bảo tồn và gìn giữ di sản văn hóa của dân tộc Khmer đã nhận được sự quan tâm và hỗ trợ từ chính phủ và các tổ chức xã hội.

Cuối tháng 10 vừa qua, công trình Nhà văn hóa cho đồng bào Khmer đã được khởi công xây dựng, dự kiến khánh thành vào đầu năm 2024. Nhà văn hóa cho đồng bào Khmer sẽ được xây dựng khang trang theo kiểu nhà sàn truyền thống của dân tộc Khmer trên diện tích 910,6m2 tại ấp Xóm Tháp, xã Tân Phong, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh. Công trình Nhà văn hóa bao gồm các hạng mục xây dựng khối Nhà văn hóa, cải tạo nhà vệ sinh, khung sắt tháp nước, bồn nước, giếng khoan, bêtông, lót sân nền, hàng rào…

Tổng kinh phí cho công trình vào khoảng 1,6 tỷ đồng. Trong đó, 1,1 tỷ đồng do Bộ Chỉ huy Quân sự các tỉnh và Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ; Ủy ban Nhân dân huyện Tân Biên hỗ trợ 500 triệu đồng.

Theo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Tây Ninh, công trình có ý nghĩa lớn, đáp ứng mong muốn của bà con có nơi sinh hoạt cộng đồng. Đồng thời thể hiện sự đoàn kết chia sẻ của Khối thi đua Quân sự các tỉnh, thành phố Quân khu 7 cùng cấp ủy, chính quyền địa phương chăm lo cho đồng bào dân tộc, tôn giáo, trong đó có đồng bào Khmer ở ấp Xóm Tháp, xã Tân Phong có nơi sinh hoạt, hưởng thụ giá trị văn hóa tinh thần lành mạnh.

Xuân Quý và nhóm PV, BTV