Việt Nam đã có quyết định chính thức về việc trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) kể từ tháng 12/2006. Trước tin vui này, nhiều người phấp phỏng dự đoán và hy vọng lĩnh vực đầu tư mạo hiểm trong lĩnh vực CNTT-TT tại Việt Nam sẽ có những bước phát triển đáng kể, góp phần tích cực thúc đẩy sự phát triển CNTT-TT nước nhà. Tuy nhiên, thực tế còn những vấn đề gì cần tháo gỡ. Phóng viên Báo Bưu điện Việt Nam đã có cuộc trao đổi khá thú vị và cởi mở với ông Nguyễn Hồng Trường, Giám đốc Phát triển Kinh doanh & Công nghệ, Quỹ Đầu tư mạo hiểm IDG Ventures Vietnam về đề tài này.

Ông nhận định thế nào về nhu cầu đầu tư mạo hiểm trong lĩnh vực CNTT-TT tại Việt Nam?

Nhìn lại cách đây vài năm, các doanh nghiệp Việt Nam mới bắt đầu làm quen với khái niệm đầu tư mạo hiểm. Đây là một hình thức kết hợp được điểm tốt của doanh nghiệp Việt Nam với trình độ quản lý và thương hiệu của các nhà đầu tư nước ngoài. Với sự xuất hiện của IDG Ventures, cộng đồng bắt đầu có sự hình dung rõ nét hơn khái niệm này thông qua sự thành công của các công ty được đầu tư như Vina Games, VietnamWorks, Chợ điện tử www.chodientu.com,... Thời gian tới, với mức độ tăng trưởng nhanh của Viễn thông  – Internet, nhu cầu đầu tư mạo hiểm ở Việt Nam chắc chắn sẽ tăng cao.

Số lượng nhà đầu tư mạo hiểm trong lĩnh vực CNTT-TT tại Việt Nam còn ít. Theo ông, đâu là nguyên nhân?

Đã có rất nhiều người nói về điểm yếu của Việt Nam trong quá trình hội nhập đầu tư như khía cạnh nhân lực, môi trường kinh doanh, trình độ quản lý. Tuy nhiên, tôi muốn nhấn mạnh đến khía cạnh khác. Có thể nói, Việt Nam vẫn đang trong thời kỳ tìm kiếm và kiểm định để phát hiện ra những ngành, những khu vực tạo ra mức độ tăng trưởng cao. Nguyên nhân của việc còn ít nhà đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam không nhất thiết do nội lực chúng ta yếu mà còn do chúng ta vẫn đang trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Thời gian tới, đặc biệt là sau khi Việt Nam gia nhập WTO, sẽ có sự gia tăng mạnh về số lượng nhà đầu tư mạo hiểm trong lĩnh vực CNTT-TT ?

Khi mở cửa nền kinh tế, nhu cầu đầu tư nói chung sẽ tăng chứ không phải chỉ có đầu tư mạo hiểm. Đầu tư mạo hiểm là hình thức đầu tư cho doanh nghiệp ở giai đoạn mới thành lập, phát triển. Trong khi đó, Việt Nam vẫn đang cần vốn cho nhiều giai đoạn khác của doanh nghiệp như giai đoạn tăng trưởng cao để phát triển thương hiệu, hoặc tái cơ cấu để vực lại những doanh nghiệp có tiềm năng nhưng đang trên đường bị phá sản, hoặc tăng cường đầu tư để xuất hiện trên thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, tôi vẫn cho rằng tới đây sẽ xuất hiện thêm nhiều nhà đầu tư mạo hiểm mới. Đầu tư mạo hiểm được coi như thước đo xem một nền kinh tế có phát triển hay không.

Vụ chợ điện tử www.chodientu.com do IDGVV đầu tư bị hacker tấn công mới đây có khiến IDGVV và các nhà đầu tư mạo hiểm nói chung cảm thấy băn khoăn?

Các nhà đầu tư mạo hiểm vẫn luôn cảm thấy hết sức băn khoăn về thực trạng an ninh mạng và hạ tầng Internet – Viễn thông ở Việt Nam. Bởi vì không có một nền kinh tế tri thức, nền kinh tế số nào dựa trên một hạ tầng bấp bênh. Các nhà đầu tư rất mong muốn thời gian tới, Nhà nước và các doanh nghiệp trong lĩnh vực bảo mật chú trọng nhiều hơn tới vấn đề an ninh, an toàn mạng. Việt Nam không phải không có cơ hội trong lĩnh vực an ninh mạng. Sắp tới, khi chúng ta gia nhập WTO, các doanh nghiệp CNTT-TT có tên tuổi trên thế giới chú trọng đầu tư vào Việt Nam, chúng ta sẽ có thêm nhiều cơ hội tiếp cận công nghệ bảo mật mới, có thể xây dựng được nền kinh tế điện tử vững chắc hơn.

Chính phủ Việt Nam cũng đã có đề án thành lập Quỹ Đầu tư mạo hiểm Việt Nam.  Với sự xuất hiện của rất nhiều nhà đầu tư mạo hiểm theo dự đoán, liệu trong tương lai  có diễn ra tình trạng hoạt động lấn sân, chồng chéo?

Cá nhân tôi không tin rằng sẽ có sự chồng chéo. Thời gian tới, sẽ có nhiều loại Quỹ khác nhau đầu tư vào từng mảng trong vòng đời của doanh nghiệp. Quỹ đầu tư mạo hiểm sẽ đầu tư vào giai đoạn rủi ro nhất của vòng đời doanh nghiệp – đó là giai đoạn khởi sự. Quỹ hoạt động tốt sẽ có đầu tư tốt, đem lại hiệu quả đầu tư cao. Còn Quỹ chưa có hiểu biết về thị trường, hiểu biết sâu sắc về lĩnh vực này sẽ gặp rất nhiều khó khăn, bởi Việt Nam là thị trường mới nổi, có những quy luật đặc thù và khó khăn riêng biệt. Mặt khác, nhu cầu đầu tư mạo hiểm trong lĩnh vực CNTT-TT rất cao, cung khó đáp ứng đủ cầu.

Chính phủ nên làm gì để thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư mạo hiểm vào lĩnh vực CNTT-TT trong nước?

Rất nhiều nhà đầu tư mạo hiểm băn khoăn về tỷ lệ góp vốn của các nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp ở Việt Nam. Tuy nhiên, thông tin mới nhất cho thấy, theo lộ trình gia nhập WTO của Việt Nam, dự kiến, tỷ lệ góp vốn sẽ được tăng lên khá nhiều. Còn theo nhìn nhận của tôi, cái làm cho các nhà đầu tư băn khoăn nhiều hơn chính là quy định về những lĩnh vực được phép đầu tư. Các nhà đầu tư mạo hiểm đều mong rằng Việt Nam sẽ mở rộng lĩnh vực được phép đầu tư nhiều hơn nữa, bớt dần tình trạng hạn chế đầu tư, tránh tình trạng trên văn bản luật thì không hạn chế nhưng thực tế, sự quản lý của các cơ quan hành pháp và quy định của địa phương vẫn gây khó khăn cho nhà đầu tư nước ngoài. Chúng tôi cũng mong rằng Chính phủ sẽ cải thiện, nâng cao hơn nữa chất lượng cơ sở hạ tầng thông tin Viễn thông – Internet và nguồn nhân lực vì mọi hoạt động đầu tư mạo hiểm đều cần có nguồn nhân lực trình độ cao.

Với những doanh nghiệp muốn nhận được sự hỗ trợ từ các nhà đầu tư mạo hiểm, ông có lời khuyên gì không?

Trong đầu tư mạo hiểm, các nhà đầu tư chú trọng rất nhiều vào nhân tố con người và tính khả thi của dự án. Do vậy, các doanh nghiệp muốn nhận được sự đầu tư mạo hiểm hãy tìm ra những thế mạnh thực sự của mình, xây dựng các kế hoạch thành công sao cho có thể biến tiềm năng thành hiện thực. Tránh tình trạng khá nhiều bộ hồ sơ mà chúng tôi đã xem xét, vẫn có sự nhận thức tương đối mơ hồ về thế mạnh cạnh tranh của chính mình, đôi khi, doanh nghiệp lại đem đến bộ hồ sơ nói về thế mạnh cạnh tranh của người khác. Ngoài ra, cách tổ chức thực hiện các kế hoạch kinh doanh vẫn còn thiếu nhiều điểm mấu chốt để đảm bảo thành công. Các doanh nghiệp cần tự tin tìm kiếm nguồn vốn từ các quỹ đầu tư mạo hiểm và nên tích cực nói chuyện với các nhà đầu tư để tìm ra cơ hội cho chính mình.

Xin cảm ơn ông!

Phạm Bình Minh

thực hiện