Nhỏ to cùng con

Có con gái nhỏ, chị Thanh ở Q.Bình Thạnh (TP.HCM) cho biết, đã nghe khá nhiều vụ trẻ em bị xâm hại và đặc biệt đối tượng gây ra vụ việc là người thân, quen biết nên chị khá lo lắng. Tuy nhiên, theo chị, 'Nếu chỉ lo lắng thôi thì không giải quyết được vấn đề nên tôi tìm hiểu cách giúp con ứng xử với những tình huống mà con có thể gặp phải'.

Chị nói cho con rõ về vùng cơ thể nhạy cảm của mình, ai được tiếp xúc và tiếp xúc với con ở mức độ nào. Khi gặp tình huống người lạ hay người quen cố ý đụng chạm thì phải hét lên hoặc bỏ chạy. 'Những điều đó tôi đọc sách và tìm hiểu từ báo chí, nghe các chuyên gia chia sẻ, rồi áp dụng ngay trong nhà mình', chị kể.

Bé có vẻ hiểu và ứng xử tốt, sẵn sàng chia sẻ khi mẹ hỏi về mọi thứ bé gặp, bé nghe thấy, đó là kết quả mà chị Thanh vui mừng nhất sau thời gian thẳng thắn với con.

{keywords}
 Trong một chương trình nói chuyện về phòng chống xâm hại với học sinh, ThS Huân chỉ cách cho các bạn xử lý khi bị tấn công, xâm hại. Ảnh: Nguyễn Lâm

'Đừng để mất bò mới lo làm chuồng' là câu nói mở đầu của anh Nguyễn Hà (Đà Nẵng) khi trò chuyện với chúng tôi về việc này. Anh có ba con thì có hai cô con gái nên 'gia đình đặc biệt giáo dục con chuyện bảo vệ bản thân'.

'Không phải không tin người khác nhưng cũng không nên quá dễ dãi trong chuyện cho con cái tiếp xúc với mọi người, nhất là người khác giới, anh Hà bày tỏ quan điểm.

'Tôi đọc báo thấy nhiều trường hợp khá đau lòng và đau lòng nhất là người thân mà lại có hành vi lạm dụng con cháu mình. Rất tiếc, đây không phải là cá biệt, một vài mà là khá nhiều trường hợp. Các kết quả nghiên cứu cho thấy, 70% các vụ lạm dụng trẻ em là do người thân quen làm', anh Hà dẫn giải rồi khẳng định 'phải nhỏ to với con những kỹ năng, trong đó có việc tự bảo vệ bản thân”.

Anh Lê Thanh Luận ở Quảng Nam thì cho biết: 'Không chỉ con gái mới bị lạm dụng mà con trai cũng cần được bảo vệ khỏi 'nanh vuốt' của những kẻ biến thái'.

Theo anh, đối với trẻ nhỏ, cháu nào cũng dễ thương nên ai nhìn thấy cũng muốn nựng, bày tỏ tình cảm. Tuy nhiên, cần phải có nguyên tắc và giới hạn, đừng thái quá như hun hít vồ vập, xoa tay chân. Hành động đó không chỉ tăng nguy cơ lạm dụng mà còn có khả năng lây bệnh.

Đừng chủ quan trong giáo dục giới tính

Trong chia sẻ liên quan đến vấn đề này, ThS Lê Minh Huân, giảng viên Tâm lý học Trường ĐH Sư phạm TP.HCM dẫn con số: cứ 4 bé gái thì có một bé bị xâm hại, 6 bé trai thì có một bé bị xâm hại (theo theo thống kê của Hiệp hội Quốc gia Phòng chống Bạo hành trẻ em - NSPCC).

Cũng theo ThS Huân, kết quả nghiên cứu của NSPCC có đến hơn 93% thủ phạm có mối quan hệ quen biết với nạn nhân, trong đó 47% kẻ xâm hại là họ hàng, người trong gia đình nạn nhân. Vì vậy, khi dạy về phòng tránh xâm hại cần nhấn mạnh với trẻ rằng người xâm hại trẻ có thể là bất kỳ ai, trong đó người quen nhiều hơn người lạ, họ có vẻ ngoài, lời nói bình thường như bao người.

Nói về cách tự bảo vệ và nhận diện nguy cơ, ThS Lê Minh Huân chia sẻ: 'Đứng lớp, tôi dạy trẻ phân biệt kỹ hai loại đụng chạm: an toàn là được cha mẹ và con đồng ý, khiến con dễ chịu, vui vẻ; không an toàn là cha mẹ và con không đồng ý, khiến con cảm thấy khó chịu, khó hiểu, sợ, đau…

Với đụng chạm không an toàn, trẻ cần phản ứng để phòng vệ vì đây là con đường ngắn nhất có nguy cơ dẫn đến nạn xâm hại'.

Trở lại câu chuyện với các phụ huynh, anh Hà cho biết, nhiều phụ huynh khá chủ quan trong giáo dục giới tính, giúp con tự bảo vệ mình, đến khi có 'tai nạn' mới giật mình thì đã quá muộn.

'Trẻ em là lứa tuổi cần chúng ta chăm sóc, bảo vệ nhất. Chăm sóc không chỉ là cho ăn, bảo vệ con khỏi những rủi ro trong đi đứng ... mà còn giúp con tránh việc xâm hại tình dục', chị Thanh quả quyết.

Với anh Luận, báo chí, dư luận đã nói không ít về việc này nhưng cần tiếp tục nói nhiều hơn nữa để gióng tiếng chuông cảnh giác cho mọi người hiểu rõ hơn, có nhiều sự tương tác tích cực hơn với con cái về việc này.

Tự trẻ bảo vệ mình là tốt nhất!

'Trẻ cần được dạy nhận diện chính xác các vùng riêng tư quan trọng: môi, mông, vùng kín, ngực (ở cả bé trai và bé gái). Không ai được phép đụng chạm vào, trừ bác sĩ khám bệnh nhưng phải có ba mẹ bên cạnh. Kể cả cha mẹ khi đụng chạm trẻ một cách thái quá, khiến trẻ cảm thấy lạ lẫm, khó hiểu, đau… trẻ cũng có quyền phản ứng để tự bảo vệ mình, nhất là lúc cha mẹ không tỉnh táo hoặc say xỉn. Không ai bảo vệ trẻ tốt bằng chính chúng cả!' – ThS Lê Minh Huân

Hành động nhanh trí của bé 4 tuổi cứu mẹ thoát cơn nguy kịch

Hành động nhanh trí của bé 4 tuổi cứu mẹ thoát cơn nguy kịch

Isla Glaser (4 tuổi) đang ở nhà cùng với các em vào ngày 6/12 thì mẹ cô bé, bà Haley Glaser, bị ngất xỉu...

Lưu Đình Long